Vua Cua Thoi Hon Loan
Trong lúc xếp hàng qua hải quan tại sân bay Kyiv, Nassim Taleb suy ngẫm về quy trình khác nhau giữa Ukraine và Nga. Ở Ukraine, hải quan chẳng thèm liếc mắt vào hộ chiếu của ông mà đóng dấu luôn và cho ông qua. Tại Nga, viên chức hải quan săm soi cuốn hộ chiếu như thể nó chứa đựng một bí mật quỷ quái, khó hiểu nào đó. Ông lúc nào cũng thấy căng thẳng khi đến Moscow, biết rằng bất cứ lúc nào cũng có thể bị yêu cầu kiểm tra hộ chiếu, và hệ quả khó lường. Tại Ukraine, ông có thể thoải mái thư giãn.Đó là tháng 8/2021. Taleb đến Kyiv theo lời mời của Đệ nhất Phu nhân Olena Zelenska; bà tổ chức hội nghị thượng đỉnh chúc mừng 30 năm Ukraine độc lập tại khu phức hợp ngàn năm tuổi của Nhà thờ St. Sophia. "Bà ấy thích sách của anh," một người đại diện ban tổ chức nói với Taleb. "Anh có thể đến không?" Tại đây, Taleb có dịp gặp qua tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lúc này nổi tiếng bên ngoài Ukraine vì dính dáng đến chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Trump lên Joe Biden và con trai Hunter của ông ấy, khiến cho Trump bị luận tội lần đầu tiên.Taleb không mấy ấn tượng với Zelensky, người mà ông cho rằng chẳng qua chỉ là một danh hài tầm thường đang cố quá tầm tay trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Anh chàng như thế này thì làm sao mà đối đầu với một kẻ sát nhân máu lạnh như Putin? (Ông sẽ phải sớm thay đổi suy nghĩ của mình.) Taleb cũng gặp gỡ các thành viên quốc hội của Ukraine và thảo luận về cách đối phó với rủi ro của các hệ thống chính trị khác nhau. Ông uống rượu rất nhiều với các doanh nhân, chính trị gia, giáo sư của Ukraine, và sau đó cho rằng Ukraine có nhiều điểm tương đồng với Nga, nhưng tự do hơn.Không lâu trước chuyến đi đến Ukraine, ông đã tạo sóng gió trên Phố Wall với một bài báo cho rằng giá trị của đồng tiền số bitcoin là zero. Bitcoin không thể nào dùng làm tiền tệ, nó không lưu trữ giá trị trong ngắn hạn hay dài hạn, nó không phải là phòng hộ lạm phát, nó không phải là nơi trú ẩn cho đầu tư, vì nó có mối tương quan cao với thị trường, Taleb đã tuyên bố như thế trong nghiên cứu mang tên "Bitcoin, Tiền tệ, và Tính mong manh." Bởi vì bitcoin không có giá trị nội tại, không giống như vàng hay các kim loại quý khác, giá trị của nó đòi hỏi phải được liên tục duy trì bởi những người đào bitcoin, những thiên tài máy tính dùng những công thức phức tạp để tạo ra thêm bitcoin. Với khả năng một lúc nào đó những người đào bitcoin không còn hứng thú với nó nữa, về lý thuyết giá trị của nó sẽ rơi về zero, ông lập luận rằng giá trị hiện tại của nó là zero. Điều làm cho Taleb càng xem thường tiền số là nó thậm chí còn rơi sâu hơn so với thị trường trong cuộc khủng hoảng tháng 3/2020, cho thấy nó hầu như không có tác dụng phòng hộ trước Thiên nga đen.Sau khi vấp ngã lúc thị trường sụp đổ do đại dịch Covid, bitcoin đã phục hồi trong năm 2021, đạt mức cao kỷ lục là 67.801 đô vào tháng 11. Nhưng trong năm 2022, khi Cục Dự trữ đẩy lãi suất lên cao, bitcoin và nhiều đồng tiền số khác đã sụp đổi, quét mất gần 2.000 tỉ đô la khỏi thị trường tiền số.Khi bitcoin lao dốc, một tỉ phú tiền số đã huy động lực lượng, và hàng tỉ đô la, để cứu vãn nó. Sam Bankman-Fried, ông trùm 30 tuổi của một đế chế tiền số đang mở rộng, bắt đầu tích lũy những sàn giao dịch tiền số gặp khó khăn khắp nơi từ Canada đến Nhật Bản. Để gia tăng mối quan tâm của người dân với tiền số, vị CEO bóng bẩy của sàn TFX Trading tiền số đã xuất hiện trên các quảng cáo tạp chí bên cạnh những siêu mẫu như Gisele Bundchen và bỏ ra hàng triệu đồng làm quảng cáo ủng hộ tiền số có sự tham gia của Larry David để chiếu trong Super Bowl 2022.Bankman-Fried nổi tiếng với mái tóc xoăn lòa xòa và không bao giờ mặc vest công sở, là người ủng hộ một thế giới quan bán tận thế ngày càng có nhiều người tin tưởng gọi là chủ nghĩa dài hạn – một phong trào có cùng các thành tố với Nguyên tắc Phòng ngừa của Taleb. Đây là sự phát triển từ một triết lý đạo đức của những năm 2000 mang tên nhân đạo hiệu quả, một phương pháp từ thiện định lượng có thể ước tính xác suất xem nguyên nhân nào là quan trọng nhất đối với an sinh của nhân loại. Liệu giảm nghèo trên toàn cầu có mang lại nhiều lợi ích hơn chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo? Liệu chuẩn bị cho một AI sát thủ có hiệu quả hơn đổ tiền đưa người lên chinh phục sao Hỏa? Đến đầu những năm 2020, hơn 40 tỉ đô la đã được đầu tư vào phong trào nhân đạo hiệu quả, và thành viên của phong trào này là cố vấn cho các quan chức hàng đầu của LHQ và chính phủ Mỹ. Một tôn chỉ trung tâm của nhân đạo hiệu quả (EA) là những người tham gia phong trào này sẽ trao đi phần lớn thu nhập của mình cho những lý tưởng xứng đáng. Triết lý này tạo cảm hứng cho những người như Bankman-Fried theo đuổi những con đường sự nghiệp tạo ra thắng lợi cao nhất có thể, để cho đi nhiều nhất có thể, một mô hình từ thiện gọi là "kiếm tiền để cho đi." Thay vì xây dựng sự nghiệp trong y khoa hay hóa học, những người tham gia EA chọn đi làm cho Phố Wall và Thung lũng Silicon, hay đầu tư vào tiền số.Đầu những năm 2020, chủ nghĩa dài hạn đã trở thành một thế lực mạnh mẽ trong giới công nghệ của Mỹ. Những bậc thiên tài máy tính dùng công thức phức tạp để tạo ra thêm nhiều bitcoin bao gồm cả Elon Musk, Bill Gates, và Jeff Bezos. Nó bắt nguồn từ công trình của triết gia người Thụy Điển Nick Bostrom, người sáng lập Viện Tương lai Nhân loại tại ĐH Oxford, chuyên nghiên cứu các rủi ro cực đoan đối với nhân loại (Musk đã đóng góp 1,5 triệu đô la cho một tổ chức anh em mang tên Viện Tương lai Cuộc sống). Ý tưởng cốt lõi đứng sau hệ niềm tin này là tương lai của nhân loại, nếu sắp đặt hợp lý, thì gần như là không giới hạn và số lượng người trong tương lai (hàng triệu hàng tỉ năm về sau) sẽ vượt xa gấp nhiều lần dân số hiện nay trên Trái đất, thậm chí là tổng cả những người đã từng sống trên Trái đất. (Bostrom cũng đưa vào phần tính toán của mình số người đang sống.) Như thế, con người hôm nay có trách nhiệm gồng gánh cho hàng ngàn tỉ con người còn chưa ra đời, hay còn gọi là người kỹ thuật số, sẽ xuất hiện trong một thời gian dài về sau – một tương lai rạng rỡ, lâu bền, nơi con người hòa nhập với máy tính và sống trên nhiều hành tinh khác nhau. Bostrom và những người khác đã đưa lập luận tư duy thử nghiệm này mức cực đoan của cực đoan – sự tồn tại lâu dài của nhân loại mới là điều ý nghĩa nhất.Điều này dẫn đến một số kết luận cấp tiến. Bởi vì duy trì nòi giống là ưu tiên hàng đầu và duy nhất, "chỉ cần có tiến bộ một chút xíu trên chặng đường tránh xa rủi ro diệt vong cũng được xem là xứng đáng hơn so với việc cứu sống hàng triệu người đang sống hôm nay," một bài xã luận trên tờ Washington Post tháng 9/2022 nhan đề "Vấn đề của Chủ nghĩa dài hạn" đã viết. Nếu dựa trên số liệu thì những vấn đề trước mắt như nghèo đói hay y tế toàn cầu, hay thậm chí là cả việc trái đất nóng dần lên, cũng không có quá nhiều tác động đến sự tồn tại của nhân loại trong tương lai. Khủng hoảng khí hậu ư? Chỉ là một cái gờ nhô lên trên con đường tiến đến thống trị thiên hà của loài người.Điều gì phải thực sự lo lắng đây? Một mầm bệnh siêu lây nhiễm do con người tạo ra, hay một con AI quái vật mà Bostrom đã đề cập trong tác phẩm bán chạy năm 2016 của mình, Superintelligence: Path, Dangers, Strategies (trên bìa quyển sách này có lời đề của Bill Gates "Tôi đặc biệt đề cử quyển sách này" và Elon Musk từng quảng cáo trên Twiiter "Chúng ta phải đặc biệt cẩn thận với AI. Nguy hiểm còn hơn cả vũ khí hạt nhân."), hay một thiên thạch sát thủ, hay là, đúng đấy, vũ khí hạt nhân.Những nỗi lo này, nhìn bề ngoài, dường như phản ảnh những cảnh báo về thế giới diệt vong trong Nguyên tắc Phòng ngừa. Điểm khác biệt là Nguyên tắc Phòng ngừa chủ yếu là thụ động, một đề xuất tránh hành động có thể gây ra nguy hiểm cực đại cho nhân loại (mặc dù vẫn có nhiều ví dụ về phòng ngừa chủ động, như chương trình DART của NASA để bảo vệ Trái đất tránh một thiên thạch sát thủ). Chủ nghĩa dài hạn mang tính chủ động nhiều hơn. Những người ủng hộ đã đặt cược nhiều tỉ đô la cho hoạt động thám hiểm và xâm chiếm không gian, cộng sinh giữa con người và AI (với hy vọng sẽ đi trước hay đánh bại AI siêu thông minh của tương lai), và biến đổi gene (của con người, động vật, thực phẩm). Nó có thể xem là thái cực đối lập của Nguyên tắc phòng ngừa, ủng hộ những thử nghiệm cực đoan cầu Trời khấn Phật để đảm bảo tương lai vô hạn cho nhân loại.Chủ nghĩa dài hạn ít quan tâm đến những vấn đề nào? Nghèo đói, một vấn đề khởi đầu cho phong trào từ thiện hiệu quả; y tế; nguyên nhân gây bất bình đẳng; khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia. Chủ nghĩa dài hạn gợi lên những tranh luận về quan niệm kỳ lạ và lạc hậu về việc ai xứng đáng được sống, hay phải chết. Nick Beckstead, một người theo Chủ nghĩa dài hạn nổi tiếng tại ĐH Oxford, đã viết trong luận án tiến sĩ của mình rằng bởi vì một số quốc gia giàu có "có nhiều đột phá hơn, công nhân của họ làm việc hiệu quả hơn về mặt kinh tế" nên đối với ông ấy hoàn toàn hợp lý khi "cứu một mạng sống của một quốc gia giàu có là quan trọng hơn nhiều so với cứu sống một mạng người ở một nước nghèo." Bostrom gợi ý đặt một thiết bị theo dõi cho tất cả mọi người trên thế giới để đảm bảo không có ai đang nghiên cứu một loại virus giết người dưới tầng hầm.Peter Singer, triết gia và nhà đạo đức học tại Princeton, công trình nghiên cứu của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người tạo nên phong trào từ thiện hiệu quả, nhìn nhận tư duy dài hạn là một nguy cơ. "Mối nguy hiểm của việc xem rủi ro diệt vong là nỗi lo bao trùm của nhân loại cần được làm rõ," ông viết trong một bài báo tháng 10/2021. "Nhìn nhận vấn đề hiện tại bằng lăng kính rủi ro diệt vong khiến cho những vấn đề này co cụm lại gần như không, trong khi đó lại biện minh cho bất cứ thứ gì làm tăng khả năng sống sót đủ lâu để mở rộng ra ngoài Trái đất."Rupert Read cho rằng chủ nghĩa dài hạn, thật mỉa mai, có thể đẩy nhanh ngày tận thế mà họ đang cố gắng hết sức để đẩy lùi. "Những thứ được gọi là 'tác nhân diệt vong' mang trong nó một thứ mà đồng nghiệp của tôi, Nassim Taleb, gọi là 'rủi ro thầm lặng': khi cố gắng củng cố quyền lực của mình, và cố gắng làm giảm (dù tôi biết là với ý tốt) rủi ro diệt vong cho giống loài, nó cũng đặt ra rủi ro vô cùng cho văn minh, thậm chí là cho sự sống trên trái đất," ông đã viết tháng 7/2022. Read cho rằng, khi những người theo chủ nghĩa dài hạn hạ thấp những rủi ro hiện tại như khủng hoảng khí hậu, họ không nhìn nhận nó là rủi ro diệt vong, mà lại đặt cược tương lai nhân loại vào những đột phá khoa học công nghệ không tưởng, họ đang bước vào một ván bài nguy hiểm có thể phản tác dụng.Taleb thì chỉ nghĩ rằng họ không giỏi tính toán. Ông đã từng gặp Nick Bostrom tại một bữa tiệc tại Oxford năm 2008 và sớm đánh giá ông ấy là một người mơ mộng, có thiện chí nhưng sống trên mây và thiếu tư duy thực tế. "Mấy người đó bị loạn rồi," ông nói với tôi. "Họ thiết lập mô hình, nhưng mô hình sai thì sao? Tôi không nghĩ họ giỏi về xác suất. Trước khi xâm chiếm sao Hỏa, hãy đảm bảo Trái đất ổn định cái đã."Bankman-Fried đã chứng thực cho luận điểm của Taleb rằng tiền số chỉ là một cỗ máy đốt tiền khi mà sàn giao dịch FTX của anh ta nổ tung vào cuối năm 2022. Khách hàng của họ lo lắng trước tin đồn về khả năng thiếu hụt thanh khoản của sàn, và đã đổ xô rút tiền. Chỉ trong vòng vài ngày, quỹ của FTX đã lao dốc từ hàng tỉ đô la trong nhà băng chỉ còn gần như 0 đồng (hay đúng hơn là âm tiền). Mới hôm qua FTX được ước tính có giá trị 32 tỉ đô la. Hôm nay nó gần như vô giá trị. Đây là bài học khắc nghiệt cho anh thanh niên Bankman-Fried về bản chất hỗn loạn, bạo lực của thị trường tài chính chịu sự thống trị của Thiên nga đen và Vua Rồng. Và sau đó người ta được biết rằng phần lớn vận rủi của Bankman-Fried là do anh ta tự gây ra khi có những cáo buộc rằng anh ta đã lừa đảo lợi dụng tiền của khách hàng của FTX. (Bankman-Fried đã bác bỏ các cáo buộc và không nhận tội tại phiên tòa xét xử ở New York). Tương lai dài hạn của một người làm từ thiện hiệu quả, tính đến đầu 2023, chắc chắn sẽ có một phần lớn thời gian ngồi trong phòng xử án, nếu không muốn nói là sẽ còn tồi tệ hơn.***Universa, trong lúc này, vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới khi thị trường chứng khoán, được thúc đẩy bởi gói kích thích và chính sách tiền tệ hào phóng của chính phủ, đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Tháng 11/2021, Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã lần đầu tiên vượt qua mốc 36.000. Nhà đầu tư hào hứng trong bầu không khí hiếm hoi khi đạt cột mốc cao đến mê sảng, nhưng ngày càng có thêm nhiều người lo lắng bữa tiệc rồi sẽ tàn ngay sau đó. Thật khó mà duy trì nụ cười khi bạn lo lắng Thiên nga đang lẩn khuất trong bóng tối. Ngày 20/1/2022, Bản tin nhà khoa học nguyên tử đã đặt Đồng hồ Tận thế tại thời điểm còn 100 giây nữa là đến nửa đêm – chính xác nơi nó đã dừng lại kể từ khi tích tắc đến Tận thế vào tháng 1/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp địa cầu. Mặc dù Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ đã làm giảm căng thẳng, nhưng vẫn chưa đủ để đảo ngược vũ điệu chết chóc của nền văn minh, các nhà khoa học nguyên tử nói. Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ, Trung Quốc, và Nga, Bắc Hàn mở rộng vũ khí hạt nhân, bế tắc quân sự đáng sợ ở biên giới Ukraine, mở rộng theo đuổi vũ khí sinh học, đại dịch virus corona và mối đe dọa của những đại dịch sau này, phát thải khí nhà kính không được kiểm soát có thể gây ra trái đất nóng dần lên, thông tin độc hại trên Internet đã thuyết phục hàng triệu người Mỹ rằng có gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, và hàng loạt những rủi ro diệt vong khác; tất cả đang đặt thế giới bên bờ vực thẳm."Đồng hồ Diệt vong vẫn ở điểm gần hơn bao giờ hết với tận thế của nhân loại vì thế giới vẫn đang trong một thời điểm vô cùng nguy hiểm," các nhà khoa học đã viết. "Năm 2019 chúng tôi gọi đó là bất bình thường mới, và thật đáng tiếc là nó vẫn như thế ... Ngưỡng cửa tiến vào diệt vong không phải là nơi để lảng vảng."Một tháng sau, buổi sáng ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho hàng ngàn binh sĩ Nga xâm chiếm Ukraine mà ông gọi đây là "chiến dịch quân sự đặc biệt" để "phi phát xít hóa" cho quốc gia. Các chuyên gia cho rằng tình trạng thù địch sẽ kết thúc sau vài ngày, vì quân đội tinh nhuệ được trang bị tốt của Nga sẽ nhanh chóng đè bẹp thế lực nghèo khó của Ukraine, chiếm đóng Kyiv, và thay thế chính phủ của Zelensky bằng một chính quyền bù nhìn trung thành với Kremlin. Đa số cho rằng Zelensky sẽ mang gia đình trốn khỏi đất nước. Thực tế đã không diễn ra như thế. Thay vào đó, vị tổng thống xuất thân từ danh hài đã bám trụ thủ đô Ukraine, và được biết đã nói với quan chức Mỹ đề nghị giúp mình trốn thoát rằng, "Cuộc chiến là ở đây. Tôi cần đạn dược, chứ không cần xe quá giang."Trong khi Zelensky trở thành anh hùng của phương Tây, Taleb nhận ra ấn tượng ban đầu của ông về tổng thống Ukraine là một trong những sai lầm cá nhân lớn nhất của mình. Zelensky đã đặt xương máu của mình vào cuộc chơi, theo đúng nghĩa đen. Taleb cũng bắt đầu đánh giá lại Putin, cũng như toàn bộ thế giới. Bất chấp những cuộc chiến tàn khốc của Nga tại Chechnya và Syria và xu hướng ám sát các đối thủ trong nước, Putin bằng cách nào đó vẫn giữ được mức độ tôn trọng nhất định của các lãnh đạo và doanh nhân phương Tây. Taleb nhìn nhận chế độ của Putin là một phiên bản chủ nghĩa dân tộc nhẹ nhàng, ít ác liệt hơn, không thoải mái nhưng cũng không phải là mối đe dọa cho trật tự thế giới. Trong quyển sách Skin in the Game, ông viết có phần tán thành về Putin, lập luận rằng việc ông ấy là một kẻ chuyên quyền không qua bầu cử đã giúp cho ông ấy "hành xử như một công dân tự do đối lập với những nô lệ cần phải có ủy ban, phải được phê duyệt, cảm thấy phải xếp hạng đánh giá cho những quyết định của mình.""Hóa ra làm gì có phiên bản chủ nghĩa dân tộc nhẹ nhàng," Taleb nói với tôi. Cuộc chiến đã gây ra những hệ quả kinh tế và tài chính lan tỏa khắp thế giới. Giá dầu tăng vọt, tạo thêm áp lực cho lạm phát vốn dĩ đã bắt đầu từ Covid và kềm hãm đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Cổ phiếu lao dốc, chạm vào vùng đất thị trường con gấu chỉ trong vòng vài tuần. "Thị trường đang trong cú sốc," Brian O'Reilly, người đứng đầu mảng chiến lược thị trường tại Mediolanum International Funds, đã nói với tờ Morningstar vào tháng 3. Giá niken tăng gấp đôi trong vòng một ngày giữa những lo ngại cuộc chiến làm gián đoạn khả năng tiếp cận – Nga là một trong những nhà sản xuất lớn nhất cho kim loại này. Giá ngũ cốc tăng vọt khi các nhà cung cấp từ Ukraine, nơi cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, bị phong tỏa tại cảng Biển Đen. Giá thực phẩm tăng do chiến tranh gây ra cuộc khủng hoảng thực phẩm toàn cầu lớn nhất kể từ 2008, theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Thế giới, mở ra rủi ro bất ổn xã hội lan rộng – một rủi ro mà Yaneer Bar-Yam đã nghiên cứu suốt nhiều năm.Giá dầu tăng vọt đã làm đảo ngược xu hướng giảm giá của nhiên liệu hóa thạch kéo dài nhiều năm, các nhà đầu tư nhắm nhe đến lợi nhuận kỷ lục nhờ vào Putin. Đồng thời, điện gió cũng không còn được thuận buồm khi chính phủ Biden gặp khó khăn để thông qua dự luật chi tiêu cho khủng hoảng khí hậu. Joe Manchin, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của West Virginia có tài sản gắn liền với than đá, đã liên tục ngăn chặn dự luật, trích dẫn những lo ngại về lạm phát.Taleb và Spitznagel đã dự báo lạm phát gia tăng trong suốt hơn một thập niên (Taleb trong năm 2010 đã dự báo siêu lạm phát và kêu gọi các nhà đầu tư bán khống trái phiếu kho bạc Mỹ). Nhưng qua nhiều năm, lạm phát vẫn ổn định mặc dù có các gói kích thích của Cục Dự trữ. Nhưng rồi, năm 2022, do một loạt các yếu tố khác nhau, giá cả tăng vọt. Để đáp lại, Chủ rịch Cục Dự trữ Jerome Powell bắt đầu đẩy lãi suất tăng lên cao hơn để hãm lại tình trạng nóng bỏng của kinh tế Mỹ.Chiến lược này báo hiệu khó khăn cho những tài sản thu nhập cố định như trái phiếu, có giá đi ngược chiều với lãi suất. Sự sụt giảm đồng thời của trái phiếu và cổ phiếu – S&P 500 giảm 20% vào giữa năm là mức tệ hại nhất trong vòng 50 năm qua – là thảm họa cho danh mục được ưa thích 60/40 của nhiều nhà đầu tư. Danh mục 60/40 đã giảm 20% vào nửa đầu năm, mức khởi đầu một năm yếu kém nhất đối với chiến lược này kể từ 1976. Nó vẫn tiếp tục trì trệ trong những tháng còn lại của năm, khiến cho danh mục này đạt tỉ lệ kém nhất kể từ 1937.Spitznagel vốn dĩ là một người hoài nghi đã lo ngại sẽ có cú sụp đổ trái phiếu nghiêm trọng nếu Cục Dự trữ tiếp tục đẩy mạnh lãi suất. Ông nói với Bloomberg rằng hệ thống tài chính toàn cầu đã bước vào "bong bóng tín dụng lớn nhất trong lịch sử nhân loại," bị khuấy động bởi hơn một thập niên lãi suất thấp chạm đáy và các hình thức kích thích kinh tế khác. "Nếu bong bóng tín dụng này lúc nào đó nổ tung, thì nó sẽ là thất bại thị trường thảm khốc nhất mà người ta từng biết, nhưng chúng ta hãy hy vọng chuyện này không xảy ra," ông nói.Spitznagel lại tiếp tục nhấn mạnh chẩn đoán của mình về quả bom thị trường vào tháng 1/2023 trong lá thư gửi nhà đầu tư, gióng lên từng hồi chuông cảnh tỉnh trên Phố Wall. "Chúng ta đang sống trong một quả bom hẹn giờ siêu lớn," ông viết. "Đây có thể là quả bom hẹn giờ lớn nhất của lịch sử tài chính, lớn hơn những gì xảy ra trong thập niên 1920 và hậu quả có thể cũng không thua kém.""Một cú xóa sổ kiểu như Đại suy thoái thì quả là một lời cảnh tỉnh," tờ Wall Street Journal nhận định.***Trở lại với Zurich, Didier Sornette đang chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn trong cuộc đời. Ở tuổi 65, sau 15 năm làm chủ tịch bộ phận rủi ro kinh doanh tại ETH Zurich, ông sắp nghỉ hưu. Tháng 4, để kỷ niệm sự ra đi này, ông có bài giảng chia tay trước sinh viên và giảng viên mang tên "Quản trị rủi ro năng động và Vua Rồng: Dự đoán và Ứng phó với một thế giới hoang dã." Ông đưa vào những chủ đề yêu thích – sự nghiệp cả đời dành cho những sự kiện cực đoan, sự yêu thích rủi ro và xe mô tô, những lần dự đoán thị trường thành công, sự khinh miệt đối với khái niệm Thiên nga đen của Taleb, mà ông gọi là "sai lầm và nguy hiểm" vì nó cho phép người ta – đặc biệt là các viên chức ngân hàng và chính trị gia – thoát tội mặc dù họ là đồng lõa trong các thảm họa kia. Vua Rồng, ông nói, là có thể đoán trước, nếu bạn biết phải nhìn vào điều gì. Sornette tin là ông đã làm được. Ông thảo luận về những tiến bộ gần đây mà ông và đội ngũ các cựu sinh viên đã đưa ra dự báo động đất. Họ đã thành lập trang web mang tên RichterX, dựa trên Mô hình Trình tự Dư chấn kiểu Đại dịch, hay là ETAS. Theo mô hình ETAS, động đất kích hoạt động đất, và kích hoạt lan dần ngày càng nhiều động đất, tạo thành một đợt chấn động giống như một bệnh dịch, hay một cú sụp đổ thị trường đầy hoảng loạn. Trang web này theo dõi toàn cầu và đưa ra dự báo theo thời gian thực về khả năng xảy ra động đất. Người dùng có thể nhấp vào bất cứ nơi nào trên thế giới và nhận được dự báo. Ví dụ, nhấp vào một điểm trên Indonesia, bạn có thể nhận được thông tin sau: "Khả năng xảy ra ít nhất một trận động đất có độ lớn M5+ trong bán kín 100km trong vòng 7 ngày tới là 10,2%."Một tính năng độc đáo của trang web: Người dùng có thể tạo tài khoản, nạp tiền, và đặt cược ngược lại dự báo của nhóm RichterX. "Hệ thống cho phép bất cứ ai có khả năng dự báo tốt hơn đặt cược ngược lại chúng tôi," Sornette nói với khán giả. "Nếu bạn thắng, bạn sẽ nhận được phần thưởng. Là tiền đó!" Trang web từ đó có thể học hỏi kinh nghiệm.Sornette cho thấy sự tương tác trong động đất cũng có thể được phát hiện trong thị trường tài chính và những lần bùng nổ, là những yếu tố được Đài Quan sát Khủng hoảng Tài chính của ông theo dõi từ 2008. Hầu hết các vụ sụp đổ không phải do các sự kiện bên ngoài hay "ngoại sinh" như tin xấu, ví dụ là một mùa thu nhập âm, ông giải thích. Đúng hơn, chúng xảy ra là do những sự kiện "nội sinh" bên trong thị trường, chiến lược ứng phó với chiến lược, dẫn đến sự lan tỏa mất kiểm soát – cũng như động đất kích hoạt động đất. Hiện tượng tương tự cũng có thể thấy trong việc bán sách, sự tuyệt chủng của loài, bất ổn xã hội, và vân vân.Ông kết thúc bài giảng nhắc đến một vấn đề đang rình rập mà ông nói là ông quan tâm nhất trên thế giới hiện nay – việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Sornette nói rằng ông tin rằng phần lớn những tranh luận đằng sau nỗ lực khử carbon cho nền kinh tế toàn cầu là "ảo tưởng tham vọng ngây thơ" mà không hề tính đến việc đây là dự án về thay thế năng lượng, chứ không phải là tìm thêm nguồn năng lượng. Đây là một nỗ lực có quy mô to lớn như Chiến tranh Thế giới II, diễn ra vào thời điểm mà những khu vực rộng lớn trên thế giới đều đang tìm cách tạo ra thêm năng lượng."Ấn Độ đang gia nhập, Châu Phi đang gia nhập," Sornette cảnh báo.Điều cần thiết là tạo ra một "bong bóng xã hội" chấp nhận những đột phá năng lượng mới có nhiều rủi ro, mà Sornette cho rằng bao gồm cả năng lượng nguyên tử. Những chiếc "bong bóng hữu ích" này cũng giống như chương trình không gian Apollo đã đưa con người lên mặt trăng và kích hoạt hàng loạt các công nghệ khác (ví dụ, chiếc máy hút bụi Dustbuster của Black & Decker). Sornette vẫn không thấy lạc quan. Sau những cú sốc như Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu và đại dịch Covid-19, chấp nhận rủi ro gần như tuyệt chủng."Chúng ta là một xã hội rủi ro bằng 0," ông nói. "Chúng ta là một xã hội bệnh tật, là cái chết."***Vào đầu mùa hè 2022, các thảm họa khí hậu không thể tránh khỏi đổ xuống đúng boong như một chiếc đồng hồ. Một đợt nóng khủng khiếp tàn phá Châu Âu, đưa nhiệt độ ở London lên vượt quá 37 độC. Nhiệt độ cực đoan diễn ra trên phần lớn Trung Quốc, có hơn 260 trạm thời tiết ghi nhận kỷ lục mới, buộc người dân phải tìm đến nơi mát mẻ nằm dưới lòng đất. Một vòm nhiệt khác đổ xuống Seattle, đưa nhiệt độ lên cao hơn 32 độ trong suốt 6 ngày liên tục. Nam Á cũng có nhiều tháng ngày nào cũng có nhiệt độ hơn 37. Tại Pháp, người ta phải đổ nước lên vỉa hè dịp tổ chức Tour de France để lớp nhựa đường đừng nóng chảy. Diện tích đất bị hỏa hoạn tại Châu Âu đã tăng gấp đôi so với mức trung bình từ 2006 – 2021. Lũ lụt tại Pakistan, một phần là do băng tan, khiến một phần ba diện tích đất chìm dưới nước, làm chết hàng trăm người và làm mất nhà cửa cho hơn 30 triệu người.Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nói trong một cuộc họp báo từ Islamabad: "Thật điên rồ, đây là một vụ tự sát tập thể. Hãy chấm dứt cuộc chiến với thiên nhiên, hãy đầu tư vào năng lượng tái tạo ngay. Trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng, có thể thấy rõ ràng hầu hết các nước đều chưa có chuẩn bị.""Mùa hè này chỉ mới là khung cảnh kinh hoàng," Kim Cobb, một nhà khoa học khí hậu tại ĐH University, nói với tờ Washington Post.Tình hình không hề cải thiện vào mùa thu, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Cuối tháng 9, cơn bão Ian, một siêu bão Cấp 4, đổ vào vùng biển phía tây của Florida như một chiếc máy cưa bằng nước và khí. "Chúng ta đang trong tình trạng bị hủy diệt," Bill Karins, nhà khí tượng học tại NBC News, đã nói khi cơn bão nằm trong số những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ đổ bộ vào đất liền. "Tôi thật không thể tin Mẹ thiên nhiên có thể làm đến mức này," một người dân ở Fort Myers Beach, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp, đã nói, "Ôi lạy Chúa."Có một số diễn biến tích cực hiếm hoi trên mặt trận khí hậu có thể an ủi cho những người bi quan thường trực như Rupert Read, hay Didier Sornette. Tháng 8, Joe Manchin đã thay đổi quan điểm về dự luật khí hậu của Biden và tán thành nó. Quốc hội nhanh chóng thông qua gói ngân sách 400 tỉ đô la để thúc đẩy đầu tư vào xe điện và năng lượng tái tạo như gió và điện mặt trời. Các chuyên gia nhận định đạo luật này sẽ đóng góp tích cực giúp nước Mỹ đạt mục tiêu cắt giảm một nửa phát thải khí nhà kính đến cuối thập niên này so với năm 2005. Các nhà đầu tư vào điện xanh như Bob Litterman ăn mừng khi cổ phiếu năng lượng sạch tăng giá.Nhưng trong đạo luật này lại không có thuế carbon, khiến cho Litterman cảm thấy thất vọng.***Lúc 7:14 phút tối theo giờ miền Đông nước Mỹ, ngày 26/9/2022, một tàu vũ trụ nhỏ của NASA đang bay với vận tốc 15.000 dặm/giờ đã va vào một tiểu hành tinh nhỏ chỉ rộng 530 foot tên là Dimorphos, làm thay đổi quỹ đạo của nó một chút, đánh dấu sự thành công của sứ mạng DART, viết tắt của Thử nghiệm Chuyển hướng tiểu hành tinh kép. Sứ mạng Phòng thủ hành tinh này đã khẳng định NASA có năng lực điều khiển tàu vũ trụ cách trái đất hàng triệu dặm cho nó va chạm với tiểu hành tinh để làm chệch hướng đi của nó, bằng một kỹ thuật gọi là tác động động học. Thành công của DART "chứng minh cho tính khả thi của một kỹ thuật bảo vệ hành tinh trước những tiểu hành tinh hay sao chổi hướng đến trái đất, nếu chúng ta phát hiện được," NASA nói. Mặc dù sứ mạng Phòng thủ hành tinh của NASA nghe như một chuyện hoang đường do mấy bộ não bom tấm Hollywood nghĩ ra, nó thật sự là một dự án nghiêm túc đặt dưới sự dẫn dắt của những nhà khoa học cực kỳ nghiêm túc. Mặc dù rất hiếm, nhưng một sự va chạm giữa trái đất và một tiểu hành tinh lớn có thể là mối đe dọa diệt vong cho nhân loại. Thực hiện các bước để đối phó với một sự kiện thảm khốc, cho dù là rất khó xảy ra, là điều hoàn toàn ý nghĩa.NASA đã áp dụng hiệu quả Nguyên tắc phòng ngừa.***Quay lại với Universa, sự biến động trong năm 2022 là môi trường sống tự nhiên của công ty, là vùng thoải mái sóng yên biển lặng của họ. Tháng 6, khi thị trường đã giảm 20%, hệ thống định lượng của công ty cho tín hiệu đã đến lúc thu lợi nhuận từ các vị thế. Một cơ hội kiếm tiền khác xuất hiện vào mùa thu khi cổ phiếu bước vào thị trường con gấu do Cục Dự trữ và các ngân hàng trung ương khắp thế giới tiếp tục đẩy lãi suất lên cao hơn trước dấu hiệu lạm phát kiên trì.Spitznagel bám trụ tại Trang trại Idyll và thường xuyên trao đổi với các nhà giao dịch của công ty qua Zoom. Vì chiếc thùng thuốc nổ trái phiếu mà Spitznagel đã cảnh báo trước đó, ông cảm thấy Cục Dự trữ khó mà mạnh tay dẹp bỏ chiếc rổ chính sách tiền tệ. Như vậy thị trường chứng khoán có khả năng đảo chiều – và cuộc chơi lại tiếp diễn. "Họ đang làm màu đấy," ông nói với nhân viên, ý nói đến Cục Dự trữ. Nếu nền kinh tế bắt đầu thu hẹp, hay nếu các chỉ số đo lường lạm phát thả lỏng, chủ tịch Cục Dự trữ Jerome Powell sẽ đảo ngược quyết định ngay lập tức, ông tin là thế. Trong quá khứ, ngân hàng trung ương hiếm khi có chính sách thắt chặt trong một nền kinh tế chậm chạp. Đẩy lãi suất lên cao khi nguy cơ suy thoái lơ lửng "cần một chủ tịch Cục Dự trữ có xu hướng tự sát," Spitznagel nói với tôi, và sẽ gây ra sụp đổ kinh tế còn tồi tệ hơn năm 2008.Nhưng ông cũng nhanh chóng thừa nhận, ông cũng có thể sai. Và ông cũng thừa nhận, nếu ông ấy sai, điều đó sẽ tốt cho Universa và các nhà đầu tư – và tồi tệ cho những người khác. Những người lo lắng về Cục Dự trữ, lạm phát, và những rủi ro chực chờ khác vẫn đang tìm cách nắm một góc của quỹ. Đến cuối 2022, Universa đang bảo vệ tài sản khoảng 20 tỉ đô la, con số cao nhất trong lịch sử 15 năm hoạt động, đưa họ trở thành quỹ phòng hộ lớn thứ 24 trên thế giới, theo tạp chí Institutional Investor. Họ chỉ có 21 nhân viên, như vậy tính trung bình mỗi nhân viên quản lý 1 tỉ đô la.Về cuối năm, khi nhiệt độ của vùng hoang dã Bắc Michigan gần như dưới âm độ, Spitznagel đứng trên nhà săn thú của mình và nhìn vào khu rừng rậm bao quanh, mắt nhắm trên chiếc cung tìm kiếm sự chuyển động. Nhà săn thú cao 10 mét, và ông đang theo dõi một con thú lớn nhìn thấy trên loạt máy quay theo dõi của trang trại. Ông đã săn đuổi nó nhiều năm nhưng nó vẫn lẩn khuất rất khéo. Spitznagel đã ngồi chờ ở đây trong lặng lẽ từ sáng sớm, đêm hôm trước ông ngủ hẳn luôn trong rừng. Rình rập một con nai, ông nghĩ, nhiều khi cũng giống như chuẩn bị ứng phó hỗn loạn tại Universa. Bạn chờ đợi phút giây bắn đi mũi tên, có thể phải chờ rất lâu, và bạn chỉ có một cơ hội bắn duy nhất. Chỉ cần ngập ngừng một giây thôi là con mồi đã vút vào trong bụi rậm.Thời gian trôi qua, trời đã dần tối, và ông cảm thấy lạnh. Ông quyết định dọn cung tên và ra về nhà tại Northport, đồng thời cảnh giác bầy sói.Ông không buồn phiền. Ông biết rồi sẽ có ngày ông sẽ có cơ hội bắn trúng con mồi.***Ngày 24/1/2023, Bản tin Nhà khoa học nguyên tử đẩy kim đồng hồ Tận thế đến mức 90 giây là nửa đêm, mức gần sát nhất với thảm họa toàn cầu trong lịch sử của họ. Lý do chính: chiến tranh của Putin tại Ukraine. "Những lời đe dọa không cần che dấu của Nga muốn sử dụng vũ khí hạt nhân nhắc nhở cho thế giới rằng việc leo thang xung đột – do vô tình, cố tình, hay tính toán sai lầm – là một rủi ro đáng sợ," các nhà khoa học cảnh báo.Đồng thời, họ cũng cảnh báo Sông Băng Thwaites tại Nam cực, với biệt danh quyến rũ là "sông băng ngày tận thế," đang chuẩn bị sụp xuống. Các nhà nghiên cứu của Khảo sát Nam cực của Anh đã báo cáo trong tạp chí Nature rằng nước ấm đang tạo nên những vết nứt và khe hở cho khối băng cách mặt nước khoảng 800m. Các nhà khoa học đã đưa một con robot tên là Icefin và khoan lỗ sâu xuống 600m, phát hiện bằng chứng cho thấy mặc dù tốc độ tan chảy ở dưới thềm băng có thể chậm hơn tính toán, các vết nứt trong khối băng đang tan nhanh hơn dự kiến.Dòng sông băng có diện tích tương đương Florida này rất quan trọng vì nó có tác dụng như một cái đập bằng khối băng giữ lại một dòng sông băng khác lớn hơn trên đất liền ở Tây Nam Cực. Nếu phá vỡ cái đập thì toàn bộ khối băng kia sẽ bắt đầu trượt xuống biển, gây ra mực nước biển dâng cao thảm khốc trên khắp thế giới.Khi nào thì chuyện này xảy ra. Các nhà khoa học không có câu trả lời.
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz