ZingTruyen.Xyz

Vi Doi

Tôi có một người anh trai. Lúc tôi còn nhỏ, lúc anh chưa đi lính, anh hay hỏi tôi:

"Lớn lên út muốn lấy một người như thế nào?"

Y như rằng trăm lần như một, tôi đều đáp:

"Em muốn lấy một người xứng đáng với tình yêu của em."

Anh nghe thế, chỉ cười, rồi xoa đầu tôi.

Sau này, khi tôi đã lớn, khi anh đã đi lính được nhiều năm, trong một lần hiếm hoi anh trở về nhà, anh lại hỏi tôi:

"Sau này, út muốn lấy một người như thế nào?"

Tôi đáp:

"Em muốn lấy một anh bộ đội."

Anh tôi nghe thế, nở nụ cười buồn hiu. Mắt anh nhìn về phía giàn hoa giấy hai màu trắng và hồng đan xen, anh bảo:

"Đừng lấy chồng bộ đội. Khổ lắm em."
.
Ba tôi mất sớm, khi tôi vừa tròn một tuổi. Anh tôi hơn tôi mười tuổi, trưởng thành hơn tôi rất nhiều, tảo tần hết mọi việc. Người ta hay nói anh cả như cha, quả chẳng sai, vì trong mắt tôi, anh là một nửa của người cha, nửa còn lại là tấm ảnh đen trắng mờ mờ lặng yên nằm trên bàn thờ.

Hồi xưa, anh tôi từng yêu một người, duy nhất một người. Nhà chị ở đối diện nhà tôi, cái giàn hoa giấy trước cửa nhà chị cũng là một tay anh tôi chăm bẵm mà thành.

Anh tôi ngày xưa học rất giỏi, giỏi nhất cái huyện này. Còn chị là cô gái đẹp nhất làng, đẹp đến nỗi về sau chị theo chồng về xứ xa đã nhiều năm không quay về cái làng này nữa, mà tôi vẫn nhớ mang máng nụ cười của chị.

Ai cũng bảo anh và chị trời sinh một đôi. Nhưng đó là miệng người bảo vậy, chứ ông trời không cho là vậy.

Năm anh tôi mười tám tuổi, như bao tráng trong làng, anh đăng ký nghĩa vụ quân vụ. Bao người đăng ký, nhưng cuối cùng chỉ anh tôi được chọn. Ngày biết tin, mẹ tôi khóc hết nước mắt vì xót con. Nhà tôi neo người, lại chỉ có anh là đàn ông, anh đi rồi, mẹ con tôi biết làm sao?

Anh tôi vừa phải an ủi mẹ tôi lại phải an ủi tôi. Cách ngày anh đi càng gần, nước mắt mẹ tôi rơi lại càng nhiều. Tôi không biết anh thưa chuyện gì với mẹ tôi, nhưng tôi không thấy mẹ khóc nữa mà thấy mẹ và anh đi sang nhà chị, tặng chị một cặp vòng tay bằng vàng. Tôi nghe người ta hay kháo nhau khi yêu nhau người ta hay tặng nhau những vật làm tin, những vật ấy được gọi là "tín vật", nên tôi cũng gọi cặp vòng tay anh tặng chị là tín vật định tình. Dù ngoài miệng không nói, nhưng trong lòng, tôi vô số lần âm thầm gọi chị là "chị dâu".

Anh tôi đi rồi. Chị thi thoảng lại sang nhà tôi phụ giúp mẹ tôi, khi thì thái mớ rau cho đàn lợn, khi thì chẻ mấy bó củi mẹ tôi gom được từ xóm dưới. Ai đi sang nhà tôi thấy đều không ngớt miệng khen mẹ tôi kiếm được cô con dâu giỏi. Mẹ tôi nghe thấy chỉ cười, còn chị đỏ mặt chạy về.

Ngày vui ngắn, chẳng tày gang. Anh tôi đi được hơn một năm, thì mẹ chị bệnh nặng. Thời đó, chẳng hiểu từ đâu lại rầm rộ phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Làng tôi cũng có mấy cô gái mong thoát kiếp nghèo mà nhắm mắt đưa chân. Tôi không biết họ có thoát kiếp nghèo thật không, nhưng tôi chẳng thấy ai trong số họ quay về cái làng này nữa. Rồi ngày đó, tôi thấy người mai mối đến nhà chị cả một buổi chiều, tôi không biết họ nói gì mà chị ôm mặt khóc nức nở.

Rồi dăm ba hôm sau, tin chị sắp lấy chồng giàu lan ra. Chị sang nhà tôi, gặp riêng mẹ tôi, trả lại cặp vòng, liên tục lạy mẹ tôi. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, muốn đỡ chị dậy mà không được. Chị lạy mẹ tôi như quên cả cái đau, đầu chị đập bồm bộp xuống sàn nhà, đến khi trán chị bầm lên một mảng to chị mới chịu đứng dậy ra về. Từ hôm đó, chị không sang nhà tôi nữa. Tôi khi đó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, chỉ thắc mắc một điều, sao chị lại trả "tín vật" lại cho mẹ tôi?

Anh tôi đi nghĩa vụ, cách một hai tháng lại gọi về nhà một lần. Mấy lần anh tôi hỏi chị, mẹ tôi đều tìm cớ gạt đi. Cứ chiều chiều tôi thấy mẹ tôi lại thở dài, tóc mẹ hình như bạc nhiều thêm mấy phần.

Ngày đám cưới chị, không ai nói cho anh tôi biết, mà dẫu cho có nói, thì anh cũng chẳng về được. Tôi đứng trong nhà, len lén ngó sang nhà chị, thấy chị choàng tay một người đàn ông trung niên làm lễ, tôi mới vỡ lẽ giờ chị đã thành vợ người. Tôi bỗng đâm ghét chị ghê gớm, nhưng không làm gì được, muốn sang nhà chị ngăn chị lại thì mẹ tôi không cho. Tôi uất ức quá, đâm khóc òa, mẹ tôi dỗ mãi cũng không nín. Ngày ấy, chị theo chồng về dinh, trong tiếng nhạc xập xìn, xen lẫn cả tiếng nức nở của tôi.
.
Ngày anh về, mẹ tôi không thấy mừng, chỉ thấy lo. Anh về, hỏi thăm mẹ tôi và tôi xong thì nhắc đến chị, thấy mẹ tôi thở dài, anh bỗng đứng lên toan đi sang nhà chị. Nhưng mẹ tôi ngăn lại, rồi mẹ tôi bảo tôi đi ra ngoài chơi, để mẹ và anh nói chuyện.

Tôi vội vàng chạy đi kiếm lũ trẻ hàng xóm đi chơi ngay, anh và mẹ nói với nhau những gì, tôi không biết, chỉ biết khi tôi về, tôi thấy anh một mình ngồi sau nhà, một tay cầm cặp vòng, một tay cầm chai rượu. Ánh mắt anh da diết cái buồn, cái buồn mà một đứa trẻ tám tuổi chưa hiểu được. Nhưng thấy anh buồn, tôi đâm ra càng ghét chị hơn.

Rồi chị cũng về quê cũ sau nhiều tháng theo chồng, tôi gặp chị khi đi theo mẹ ra chợ. Chị vừa thấy mẹ con tôi liền quay mặt trốn đi. Tôi trông thấy, hứ một tiếng rõ to. Chị lúng túng không biết làm sao, đành phải bỏ về.
Mấy tháng không gặp, chị gầy đi nhiều. Dù chị cố tình quay mặt đi, tôi vẫn kịp nhìn thấy vết bầm nơi mắt chị. Khi đó, tôi vui lắm, chạy về kể với anh. Anh tôi nghe thấy, không bật cười sảng khoái như tôi nghĩ mà lại càng buồn hơn. Cứ chiều chiều, anh lại uống rượu, không nhiều, chỉ vài ba ly thôi, nhưng mà, trước giờ anh có uống rượu đâu, giờ buồn quá mới uống, mà anh lại sợ mẹ lo, nên chẳng dám uống nhiều.

Vài ba ly rượu, chẳng đủ say, chẳng đủ khiến người ta quên đi cái buồn. Mà hình như, nó lại nhân thêm cái buồn lên gấp mấy lần, nên tôi cứ thấy anh buồn hoài, buồn đến tận nhiều năm sau.

Trong chợ người ta đồn rằng chị bị chồng bạo hành, sống không hạnh phúc. Tôi không biết thật giả ra sao, nhưng vết bầm trên mắt chị ngày đó khiến người ta mười phần chắc chín. Sau này, không biết là vì anh tôi hay vì lời đồn thổi mà chị đi biền biệt không về nữa. Còn anh tôi, sau khi đi nghĩa vụ hai năm, lại đăng ký nhập ngũ, nơi anh đóng quân là nơi biển đảo xa xôi. Lần này, chẳng cần ai nói tôi hiểu, anh đi là vì chị.

Mấy năm, anh mới về một lần, lần nào về cũng chỉ dăm ba ngày. Ngày trước, anh tôi gầy, kiểu thư sinh. Sau hai năm đi nghĩa vụ rồi những năm nhập ngũ sau này, anh vẫn gầy, nhưng kiểu rắn rỏi mạnh mẽ. Bao nhiêu cô chết mê chết mệt từng thớ cơ bắp dưới quân phục của anh, nhưng anh đều từ chối những lời mai mối, cái cớ trăm lần như một, lần nào anh cũng bảo:

"Lấy chồng bộ đội khổ lắm."

Hôm nào, tôi nghe ai nói, chị đã có một đứa con. Còn anh tôi, vẫn hoài mình ên lẻ bóng.

.

Biển cả không giúp anh quên chị được. Nhưng nó khiến làn da anh đen sạm đi. Mấy lần anh vội vã về rồi vội vã đi, tôi như ngửi được mùi của biển hòa trong cái áo, cái quần, mái tóc của anh. Thứ mùi mang theo vị mặn đặc trưng của muối, của sóng gió, của những tang thương. Nó hằn sâu trong máu thịt, trong ánh mắt anh.

Những năm nhập ngũ khiến anh trở nên kiệm lời hơn, nhưng sâu trong ánh mắt anh, vẫn là sóng gió rì rào. Tôi chẳng phân biệt được đó là nỗi tiếc hận hay là nhớ nhung. Tôi chỉ biết nó rất buồn, mà thôi.

Rất buồn. Nhưng tôi chẳng cách nào ủi an anh được, mà anh cũng chẳng cần tôi ủi an. Chỉ thi thoảng trong những cơn say, tôi lại nghe anh gọi tên chị, rồi anh lại bùi ngùi lẩm bẩm một mình:

"Trời thương cho một đoạn duyên
Hết duyên thì chớ, làm sao đòi vòi?"

Muôn đời, biển cả thương bờ cát mà thương hoài thương không đặng, nên muôn đời biển cả cứ rì rào vỗ bờ. Anh tôi thương một người, mà trời đành lòng chia cắt lứa đôi, nên giờ anh tôi cứ như biển, đêm ngày gửi nhớ thương vào từng cơn sóng.

Anh cởi lớp áo trắng học trò, khoác lên người chiếc áo lính. Áo anh xanh màu biển, đầu vai sứt chỉ, nhưng giờ người con gái năm xưa vá áo cho anh đã không còn, anh tôi biết tìm ai vá hộ? Mà vá hộ được chiếc áo, sao vá được đoạn duyên đã đứt lìa?

Lộ Hi Vũ 

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz