ZingTruyen.Xyz

Vi Doi


Ông Bảy bắt đầu bán hoa từ ngày hai mốt âm lịch. Cứ độ này vào mỗi năm, ông lại tự thuê chiếc xe ba gác chở đầy hoa và cây cảnh đến bán ở cái huyện vùng sông nước miền Tây này. Đến nay cũng đã được mười năm.

Miền Tây được trời cho nhiều sản vật, nên người miền Tây cũng hào sảng phóng khoáng, đôi khi hơi bổ bã nhưng ít nhiều được cái chân thành. Năm đầu tiên ông đến bán ở vùng này, ông ngỏ lời thuê bãi đất trống, người chủ đất cười hề hề phẩy tay bảo "thôi" rồi cho ông mượn đất bán hoa.

Ông Bảy biết ơn lắm, nên năm nào cũng chọn ra bốn chậu vạn thọ to nhất, đẹp nhất tặng cho chủ đất. Người ta cũng tặng lại ông khi thì ít đặc sản miền Tây, khi thì ít nhan đuổi muỗi.

Năm thứ ba, thứ tư ông Bảy bán hoa ở vùng đất này. Người chủ đất thấy ông trải chiếu ngủ giữa bãi đất, bèn dọn một gian phòng trống rồi rủ ông đến ngủ. Nhưng ông Bảy từ chối, vì ông Bảy còn phải canh chừng mớ hoa. Người chủ nhà nghe ông phân trần, không rủ ông đến nhà mình ngủ mà thi thoảng lại mang trà nước đến chuyện trò với ông, khi thì sai thằng con trai lớn đến cùng ông canh chừng mớ hoa.

Ngày hai mốt, hai hai, hai ba, Tết còn chưa đến nên không mấy người mua hoa. Chỉ có mấy người nhà bán hàng là mua về chưng sớm. Ông Bảy còn rảnh rỗi. Tối ngày hai ba, ông gọi về nhà. Người bắt máy là đứa con thứ hai, đang học lớp mười.

Ông Bảy có ba đứa con, đều là trai. Mấy năm trước khi người con lớn nhất chưa đi làm ăn xa, ông thường đưa nó theo để phụ mình. Từ dạo anh con cả đi làm ăn xa, bà Bảy thế chỗ, nhưng năm nay bà Bảy ốm một trận thập tử nhất sinh. Đến này vẫn còn chưa khỏi hẳn, ông đành đi một mình, để thằng con thứ hai lại lo cho mẹ và đứa út mới học lớp hai.

Trong điện thoại, ông nghe giọng thằng út đầy dỗi hờn. Nó trách ông không năm nào ở nhà để đưa nó đi thả cá tiễn ông Táo về trời. Thằng con thứ hai nghe vậy, mắng nó. Ông Bảy vội ngăn thằng thứ hai lại. Thằng út còn nhỏ quá, nó đâu hiểu những nhọc nhằn mưu sinh của bậc cha anh.

Năm nay, ông Bảy vẫn theo lệ thường mua một bịch cá, toàn mấy con bé tí teo nên chẳng mấy đồng. Ông cùng lác đác vài ba người nữa thả cá xuống sông. Lũ cá còn chưa kịp hưởng đủ mùi tự do thì hai bên bờ sông đã có mấy chiếc thuyền chèo lại vớt sạch lũ cá lên. Mấy người đàn bà thấy cá mình vừa thả xuống đã bị vớt lên, tức quá bèn chống hai tay vào hai bên hông mà chửi đổng.

Ông Bảy thấy, nhưng chỉ lắc đầu rồi thôi. Đời mỗi người mỗi khác, có người sung túc, có người không. Chính ông cũng oằn mình vất vả mưu sinh, nên ông chỉ thấy thương chứ không thấy trách. Nếu có thể, ai mà muốn làm cái việc thất đức thế này.

Hai bốn, hai lăm, hai sáu...càng về sau càng nhiều người mua hoa, vì tâm lý chung của người dân là càng về sau hoa sẽ càng rẻ nên họ đợi gần sát mới mua. Có người mua không trả giá, có người cò kè bớt một bớt hai. Ông Bảy chỉ cười cười, nụ cười có phần cam chịu. Đời mà, ai chẳng ham của rẻ. Chính ông cũng vậy, thì ông trách ai?

Chiều hai chín, ông Bảy bán gần hết hoa và cây cảnh, chỉ còn chừng mười chậu. Có mấy người chực chờ giây phút này, bắt đầu giở ngón nghề trả giá lên trả giá xuống, hết trả giá lại chê hoa để ép ông giảm giá.

Ông Bảy nhìn chiếc đồng hồ cũ mèm trên tay, thấy đã năm giờ chiều, liền tặc lưỡi bán một chậu mười nghìn. Nếu tính tiền giống, tiền phân, tiền nước, tiền chậu, tiền công chăm sóc, thì ông Bảy lỗ sặc gạch. Ông không xót số tiền chưa tới một trăm nghìn ấy, chỉ xót cái công mà mình chăm sóc, nên ông đành nhắm mắt đưa chân. Ít nhất, mấy chậu hoa này còn được người ta tưới tắm chăm sóc, được tỏa sắc tỏa hương cho vẹn cái đời hoa của nó.

Ông Bảy leo lên xe bắt đầu chuyến hành trình về nhà. Dọc đường, ông nhẩm tính lời lỗ, thấy mình cũng lời được dăm ba triệu đủ tiêu Tết, ông thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cái thở phào ấy tắt ngúm khi ông nhìn thấy hai đường đầy những chậu hoa bị đập tan nát của "đồng nghiệp" của ông, những người vì phẫn uất mà dứt khoát đập tan nát chứ không bán rẻ như cho. Càng cay đắng hơn khi ông thấy lác đác một hai người đang bới móc tìm chậu hoa nào đỡ dập để mang về chưng.

Bỗng ông Bảy thấy lòng buồn khủng khiếp, dù ông không biết mình buồn vì thời thế ngày càng khó khăn, đẩy người ta rơi vào thế khốn cùng phải dày dạn mà sống hay buồn cho số phận những người làm nghề trồng hoa chưng Tết như ông, hay là vì cả hai nữa...

Lộ Hi Vũ

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz