ZingTruyen.Xyz

Tu Viet Oneshot Enjoyjune Exsisto In Oculis Tuis


Mạch truyện chính được viết theo góc nhìn của Enjoy.

-

CÔ ẤY KHÔNG TIN VÀO HÌNH ẢNH

Enjoy – Năm Nhất Cao Học, Massachusetts.

Tôi gặp cô ấy vào buổi chiều đầu tiên của mùa thu đầu tiên. Hành lang dài màu kem dẫn đến lớp “Hiện sinh và Tự do” gần như trống trơn, chỉ còn tiếng bước chân rơi nhẹ như bút mực xuống lòng bàn tay. Tôi đi phía sau, không cố ý, nhưng bị hút theo như thể lưng áo cô ấy là một cánh cửa đóng im lìm mà tôi buộc phải chạm vào.

Người con gái ấy đi thẳng, vai không đung đưa, dáng đi không gấp gáp nhưng cũng không thư thả — như thể cô đang bước giữa một định nghĩa không ai có quyền gián đoạn. Mái tóc đen dài không buộc, rơi kín nửa vai trái, và bộ vest xám than hoàn toàn không hợp với tháng Chín dịu dàng của vùng Đông Bắc nước Mỹ. Tất cả ở cô vừa mâu thuẫn vừa trọn vẹn — như một câu triết học được phát âm bằng ánh sáng.

Tên cô được giáo sư Beckett đọc đầu tiên trong danh sách: “Junenirin K.”

Cô chỉ gật đầu — không “có mặt”, không “vâng”, chỉ một cái gật lặng lẽ. Cô chọn chỗ sát cửa sổ, góc trái dãy cuối. Tôi chọn chỗ ngay sau cô, gần như vô thức. Có lẽ vì ánh sáng từ cửa kính chiếu xuống tóc cô tạo nên một quầng sáng mờ như sương, gợi liên tưởng đến các tranh Phục Hưng — nhưng thay vì thần thánh, lại có một vẻ thản nhiên như người đứng ngoài niềm tin.

Lúc Beckett bắt đầu nói về Sartre và “án tử của tự do”, cả lớp chìm vào bầu không khí sôi động. Những câu hỏi trĩu nặng:

“Nếu không có Chúa, con người còn lý do nào để hành động có đạo đức?”

“Nếu giá trị do ta tạo ra, thì phản bội còn là tội lỗi?”

“Tự do tuyệt đối có khiến con người tan rã?”

Junenirin không nói gì. Cô mở cuốn sổ da màu nâu đỏ, cây bút Pilot Vanishing Point lướt nhẹ qua giấy. Mỗi lần cô viết, cổ tay nghiêng một góc rất lạ — giống như ai đó đang vẽ trong im lặng những lát cắt tư duy chưa thành hình.

Beckett hỏi:

“Có ai trong số các bạn đồng tình với Sartre rằng «Tự do là bản án con người không thể trốn tránh»?”

Tôi không giơ tay. Junenirin gật đầu.

Beckett mỉm cười:

“Em, Junenirin. Em nghĩ sao?”

Cô không cần thời gian suy nghĩ. Giọng nói cô vừa khô vừa sâu:

“Con người không bị kết án phải tự do. Họ bị kết án vì không thể chịu nổi tự do. Tự do đòi hỏi phải chọn, và mọi chọn lựa là một sự từ bỏ. Không có máu, nhưng luôn để lại ám ảnh.”

Cả lớp im lặng. Tôi thì lạnh sống lưng. Không phải vì triết lý, mà vì lần đầu tôi thấy có người nói bằng một dạng tổn thương không thành tiếng.

Tối hôm đó, tôi mở laptop, định viết bài phân tích về “Buồn nôn”. Nhưng tôi chỉ viết được một câu:

“Tôi không biết có nên tin vào những người không tin vào hình ảnh hay không.”

Ba tuần sau, danh sách ghép nhóm cho bài thuyết trình giữa kỳ được dán lên bảng thông báo. Tôi và Junenirin ở cùng nhóm. Beckett gọi đó là “định mệnh triết học”, nhưng tôi nghĩ đó là một nghịch lý có chủ đích.

Chúng tôi chọn đề tài thứ tư: “Tình yêu như một sự phủ định tự do?”

Cuộc hẹn đầu tiên để bàn bài là tại thư viện Hayden. Tôi đến sớm mười phút. Cô đã ngồi đó từ trước, tay gấp lại một tờ báo tiếng Pháp. Không laptop, không điện thoại — như thể cô đến từ một thập niên chưa có internet.

“Cô nghĩ tình yêu có phủ định tự do không?”, cô ấy hỏi ngay, không rào trước mở đầu.

“Tùy tình yêu. Có thứ tình yêu giam cầm, có thứ mở cửa.” - tôi đáp.

Cô nghiêng đầu, ánh mắt không phải tìm kiếm sự đồng thuận mà đang xét nghiệm một giả định.

“Nhưng nếu ai cũng giữ tự do, thì còn gì kết nối hai người?”

“Còn lựa chọn không rời đi,” - tôi nói, “tự do cũng là được phép ở lại.”

“Vậy, ở lại là một hành vi có chủ ý, chứ không phải bản năng?”

“Ở lại là một sự chọn lựa có thể đau đớn.”

Cô ấy nhìn tôi, không chớp.

“Nhưng nếu người kia không chọn lại, thì sao?”

“Thì tôi vẫn sẽ ở lại, đủ gần để không biến mất, đủ xa để họ không phải chọn.” - tôi kiên nhẫn đáp.

Lần đầu, tôi thấy khóe môi cô ấy cong nhẹ, không phải là nụ cười, mà là một sự giãn nở của điều gì đó vốn luôn được kìm giữ.

Chúng tôi làm việc ba tiếng. Tôi phân tích “Being and Nothingness”, cô nhấn mạnh những điểm Sartre viết về sự tha hóa trong tình yêu. Giọng cô khi trích dẫn triết lý nghe như đang kể một giấc mơ có cấu trúc.

Sau một đoạn dài tôi đọc, cô ấy hỏi:

“Cô có yêu ai chưa?”

Tôi ngẩn ra.

“Ý tôi là: thật sự yêu. Không phải bị thu hút, không phải ngưỡng mộ, mà là cảm thấy bị thay đổi bởi sự hiện diện của họ.” - cô ấy nói.

Tôi im lặng rất lâu. Cuối cùng, tôi hồi đáp:

“Có. Một lần. Nhưng tôi không chắc đó là yêu, hay là muốn được nhìn thấy bởi người ấy.”

Cô ấy gật: “Cô không phân biệt được đâu là yêu, đâu là nhu cầu được công nhận?”

“Còn cô thì sao June Nannirin?

“Tôi từng tin rằng mình không có nhu cầu đó. Nhưng rồi tôi phát hiện, chính việc từ chối nó là một nhu cầu khác.”

Tôi cười buồn.

“Cô có vẻ không tin vào sự thật đơn giản.”

“Vì đơn giản thường là cách tinh vi nhất để tránh đối diện.”

Vài hôm sau, tôi đưa cô ấy một bản phác thảo -;hai bóng người trong căn phòng không có cửa sổ, chỉ một vết sáng nhỏ hắt vào từ góc trần.

Cô ấy nhìn rất lâu.

“Đây là tôi và cô?” - June hỏi.

“Là tôi tưởng tượng, nhưng không hoàn toàn bịa đặt.”

“Cô luôn vẽ dựa trên người thật?”

“Tôi vẽ dựa trên điều tôi chưa từng dám nói.”

Cô nàng không hỏi tiếp. Cô gái trẻ gập bức tranh lại, chậm rãi như đang gập lại một ý niệm vừa mới hình thành.

“Cô biết không, tôi luôn phải nhắc mình rằng: đừng tin vào hình ảnh.”

“Vì sao?”

“Vì hình ảnh nói điều chúng ta muốn nghe, không phải điều chúng ta cần biết.”

“Còn triết học?” - tôi ngạc nhiên.

“Ít nhất, nó không vẽ nên ảo tưởng. Nó cứa thẳng vào suy nghĩ. Cô đau, nhưng biết lý do.”

Tôi hỏi nhỏ:

“Nhưng nếu có một hình ảnh nào đó khiến cô muốn tin thì sao?”

Cô ấy im lặng. Rất lâu. Rồi đáp:

“Thì tôi sẽ ghi nhớ cảm giác chân thực đó, không phải từ hình ảnh vô tri.”

Buổi thuyết trình diễn ra vào tuần thứ tám. Beckett ngồi khoanh tay, mắt nheo lại như thể đang xem một bản hoà tấu kỳ lạ. Junenirin dẫn dắt, tôi trình bày phản biện. Câu kết luận của cô ấy là:

“Tình yêu không phủ định tự do. Nó chỉ khiến tự do có hậu quả.”

Một sinh viên năm trên hỏi:

“Nếu vậy, điều gì khiến một người không rời đi?”

Cô ấy đáp, không do dự: “Vì đôi khi, được ở lại là cách duy nhất để tự do không vô nghĩa.”

Tôi không vỗ tay. Tôi chỉ nhìn cô ấy, không phải ánh mắt mà là đường cong của lưng cô khi cúi xuống thu dọn tài liệu. Có một vẻ gì đó trong tư thế ấy khiến tôi muốn giữ lại, không bằng tranh vẽ, mà bằng điều sâu hơn: hồi ức.

Ba tuần sau, tôi chuyển khoa.

Tôi rời khoa Triết, vào ngành Nghệ thuật thị giác. Không thông báo, không lời chào. Chỉ có một email gửi Beckett: “Tôi sẽ tiếp tục hỏi bằng ngôn ngữ khác.”

Chiều hôm đó, tôi tình cờ gặp lại cô ấy bên hành lang.

“Cô chuyển khoa?”

“Ừ. Tôi nghĩ màu sắc nói thật hơn từ ngữ.”

“Cô tin hình ảnh hơn lý trí?”

“Không phải tin. Chỉ là tôi chịu đựng được sự im lặng của nó hơn.”

Cô ấy gật nhẹ. “Tôi sẽ nhớ cô trong lớp học.”

Tôi hỏi, rất nhỏ:

“Chỉ trong lớp học thôi à?”

Cô nhìn tôi. Rất lâu. Rồi nói:

“Có những định nghĩa không cần ngôn từ. Chúng chỉ cần một người tiếp tục ở lại.”

Tối đó, tôi viết một bức thư, chưa từng gửi.

“Junenirin,

Nếu lý trí là ánh sáng, thì em đã nhìn thấy chị bằng gì?

Nếu tự do là bản án, thì em muốn sống trong phiên tòa nào?

Em chưa từng tin vào hình ảnh. Nhưng chính em là hình ảnh duy nhất khiến tôi tin vào điều không thể minh định: yêu.

Tôi biết, em sẽ không giữ tôi trong ngôn từ. Nhưng tôi sẽ ở đó – như một nét phác chưa hoàn thiện. Không mời gọi, không xâm phạm – chỉ hiện diện đủ lâu, để em không quên rằng đã từng có một người nhìn em bằng đôi mắt không cần bằng chứng.”

-

NHỮNG BÀI GIẢNG KHÔNG TÊN

Căn phòng tầng năm của khoa Triết học nhìn thẳng xuống khu vườn phía sau thư viện chính. Mỗi chiều thứ Tư, khi bóng nắng lùi dần ra sau tán cây phong đỏ, Enjoy lại thấy mình ngồi cùng Junenirin ở đó, như thể thời gian chỉ trôi để kéo họ gần nhau thêm một chút, rồi dừng lại.

“Tôi không nghĩ mình cần thuyết phục người khác về thứ mình tin,” Junenirin nói, mắt không rời khỏi quyển sách tiếng Đức cũ kỹ.

“Vì chị biết chắc mình đúng?” Enjoy nghiêng đầu.

“Vì tôi không cần ai đồng ý để tiếp tục nghĩ như vậy.”

Lặng im. Trong vài giây, những dòng chữ in nghiêng trên giấy như mất đi hình dạng, chỉ còn âm thanh của câu nói đó vang vọng trong đầu Enjoy. Có điều gì đó ở Junenirin luôn khiến mọi lập luận đột ngột trở nên thừa thãi. Không phải vì cô áp đặt, mà vì cô quá yên tĩnh. Mà cái yên tĩnh ấy lại có trọng lượng.

“Vậy nếu một ngày chị sai?”

“Tôi sẽ lắng nghe.” Junenirin ngẩng lên. “Tôi không cứng đầu. Tôi chỉ không gật đầu theo phép lịch sự.”

Bàn tay Enjoy đặt trên bìa sổ. Cô viết nửa dòng rồi gạch đi. Mùa thu ở Massachusetts đủ lạnh để khiến mực không kịp khô khi ai đó còn đang do dự.

-

Lớp học hôm ấy kết thúc bằng một cuộc thảo luận gay gắt về Heidegger. Mọi người tản ra sớm, còn lại hai người.

“Tôi nghĩ Heidegger không phải là để hiểu, mà là để cảm,” Enjoy nói khi họ cùng bước dọc hành lang gạch xám.

“Và đó là lý do em chọn học triết?”

Enjoy cười nhẹ. “Không. Tôi chọn triết để biết lý do vì sao tôi cảm.”

Junenirin khựng lại một chút. “Đó là lý do đẹp nhất tôi từng nghe.”

Khoảnh khắc ấy không kéo dài, nhưng Enjoy ghi lại trong lòng. Không phải vì lời khen, mà vì sự thừa nhận hiếm hoi từ một người thường tránh dùng ngôn từ cho việc cảm nhận.

-

Tuần sau, họ gặp lại ở quán cà phê cạnh khu giảng đường. Không ai nhắc về cuộc trò chuyện trước. Cà phê đen của Junenirin không đường, không sữa. Cà phê của Enjoy nhiều kem, thơm vanilla.

“Tôi hay nghĩ về việc nếu tôi không học triết, thì tôi đã làm gì.”

“Em sẽ làm nghệ thuật.”

“Sao chị biết?”

“Vì cách em chọn màu bìa sổ tay, cách em viết chữ như đang vẽ.”

Enjoy bất giác nhìn xuống quyển sổ bìa vải màu mận chín. Cô không biết nên thấy vui hay bị phát hiện.

“Vậy chị thì sao?”

“Tôi không nghĩ về điều đó.” Junenirin trả lời chậm rãi. “Tôi không biết mình sẽ là gì nếu không là điều này.”

“Có bao giờ chị cảm thấy mệt vì phải kiên định như thế?”

“Có. Nhưng nếu tôi không giữ lấy điều này, tôi không còn gì.”

Lại một lần nữa, Enjoy không biết phải phản ứng ra sao. Cô muốn hỏi "chị đang đau à?", nhưng cô biết đó không phải câu hỏi cần được nói ra, mà cần được ở lại.

-

Tối hôm ấy trời mưa nhẹ. Junenirin nhắn tin: “Tôi đang ở sân thượng thư viện. Nếu em rảnh.”

Không lý do. Không lời giải thích. Nhưng Enjoy đi.

Cô thấy Junenirin ngồi dưới mái hiên, tay ôm quyển sách, chân đi dép lê, tóc có vài sợi ướt.

“Tôi tưởng chị không thích ướt mưa.”

“Tôi không thích ướt. Nhưng tôi thích nghe mưa.”

Enjoy ngồi xuống cạnh. Cô không hỏi lý do cô được mời lên đây. Cô biết có những mời gọi không cần lời.

“Mỗi lần trời mưa,” Junenirin nói, “tôi lại nghĩ đến lúc còn nhỏ. Tôi hay trốn dưới gầm bàn và nghe tiếng giọt rơi. Cứ như thể, chỉ khi đó, thế giới mới không chờ tôi làm gì.”

“Và chị thấy an toàn?”

“Không. Tôi thấy tự do.”

Cả hai ngồi im trong vài phút. Mưa vẫn rơi đều. Enjoy cảm giác rõ rệt về khoảng cách rất gần giữa hai người, mà cũng rất xa – như thể mỗi người là một thế giới đang cố đứng yên để không va chạm.

“Tôi thích chị.” Enjoy nói khẽ, không nhìn sang.

Junenirin không quay lại. “Tôi biết.”

Tim Enjoy siết lại.

“Và chị không cảm thấy gì?”

“Tôi không nói thế.” Junenirin khẽ nghiêng đầu. “Tôi chỉ không biết cảm như em.”

“Vậy chị cảm như thế nào?”

“Như khi em bước vào phòng và tôi biết mình không cần phải giải thích mình là ai.”

-

Sau đêm đó, họ không nói thêm gì về chuyện ấy. Nhưng có những thay đổi nhỏ. Junenirin bắt đầu chờ Enjoy sau giờ học. Cô ngồi cạnh cô nhiều hơn. Cô không nói nhiều, nhưng mỗi cái nhìn đều đậm đặc hơn.

Một lần, trong buổi hội thảo cuối kỳ, Enjoy căng thẳng trình bày bài về Hume. Cô lúng túng giữa chừng, tay run nhẹ khi chuyển slide.

Junenirin ngồi hàng ghế ba, không ghi chép. Nhưng ánh mắt cô không rời khỏi Enjoy. Và khi Enjoy dừng lại, thiếu hơi, Junenirin khẽ gật đầu.

Chỉ một cái gật.

Nhưng như cả căn phòng yên tĩnh lại vì nó.

-

Kỳ nghỉ đông đến sớm. Tuyết phủ mỏng lên mọi thứ. Enjoy gửi Junenirin một tin nhắn: “Chị có về nhà không?”

Junenirin trả lời: “Nhà tôi là bất kỳ nơi nào tôi không cần giải thích vì sao tôi ít nói.”

“Vậy giờ chị ở đâu?”

“Sân sau khoa Triết. Gần bức tượng Simone Weil.”

Enjoy đến. Trời trắng mờ. Hai người ngồi trên băng ghế gỗ. Junenirin cầm một quả táo, không ăn, chỉ lăn nó giữa hai tay.

“Em nghĩ gì về sự cô đơn?” cô hỏi.

“Rằng nó không phải một hình phạt. Mà là một điều kiện để được là mình.”

Junenirin quay sang. “Em biết không, đôi khi tôi ước gì tôi đừng hiểu hết những điều như vậy. Để tôi có thể tin vào một cảm giác đơn giản hơn: thích một người và được thích lại.”

Enjoy thì thầm. “Có đôi khi đơn giản vậy mà.”

Junenirin im lặng. Rồi cô đưa tay ra. Một cách chậm rãi. Không đòi hỏi. Không nắm lấy. Chỉ là mở bàn tay.

Enjoy đặt tay mình vào đó.

Lần đầu tiên, Junenirin không lập luận, không triết lý, không lùi lại.

Lần đầu tiên, hai thế giới chọn bước vào nhau.

-

NHỮNG DÒNG KHÔNG GỬI ĐI

Enjoy – Thời điểm trước khi tốt nghiệp Cao Học.

Tôi ngồi trong căn phòng tầng ba của khu xưởng nghệ thuật, ánh sáng muộn trượt qua khung cửa kính loang vệt lên sàn bê tông lạnh. Trước mặt tôi là tấm toan chưa hoàn thiện, một vòng xoáy không màu, đang mở miệng như thể muốn nuốt mọi âm thanh trong căn phòng. Tôi nghe tiếng gió chạm vào những ô kính cũ, lẫn tiếng chuông nhà thờ xa xa. Nhưng không một tiếng nào vọng lại từ cô – Junenirin.

Đã ba tuần từ khi cô biến mất khỏi lớp “Triết học hậu cấu trúc”. Không một lời báo trước, không một dấu vết. Beckett chỉ nói khô khốc: “Nghỉ học cá nhân. Không cần hỏi thêm.” Còn tôi – tôi biết, không ai đi khỏi mà không để lại điều gì. Ngay cả khi dấu vết đó chỉ là một khoảng trống không tên, nó vẫn là một hình ảnh.

-

Chúng tôi từng hứa sẽ đi đến tận cùng của luận đề cuối cùng: “Hiện tồn như một sự kiến tạo giao cảm”. June nói, một cách rất Cô ấy:

“Tình yêu không phải là giao kèo, mà là sự đồng ý cùng bất toàn.”

“Vậy đồng ý yêu có phải là cách chấp nhận không hoàn thiện?” - tôi hỏi

“Không. Là chấp nhận cả việc người kia không thể chấp nhận mình hoàn toàn.”

Tôi từng nghĩ, không ai có thể gọi tên được sự bất an của tôi như cô đã làm. Cũng không ai có thể đứng yên giữa một luồng gió phân mảnh mà không bị xô lệch. Nhưng Junenirin không đứng yên – cô đơn giản là không bước theo cách thế giới buộc người ta phải bước. Và rồi, như một chiếc bóng quá sát với ánh sáng, cô biến mất mà không để lại biên giới nào giữa thật và mộng.

-

Ba tuần. Tôi viết ba bức thư. Không bức nào gửi đi.

Bức đầu tiên, tôi viết như người gào thét vào đá:

"Junenirin, nếu cô đã từng nhìn tôi bằng đôi mắt không phán xét, thì giờ tôi xin cô hãy nhìn tôi lần nữa – bằng vắng mặt. Tôi cần biết khoảng trống ấy có hình dạng gì. Tôi cần vẽ nó, đặt tên cho nó. Tôi không sợ sự vắng mặt – tôi chỉ sợ không biết phải gọi nó bằng gì."

Bức thứ hai, trầm hơn, như nước thấm vào nền xi măng:

"Junenirin, tôi không cần cô phải quay lại. Nhưng nếu cô từng nghĩ đến tôi như một hình ảnh, hãy để hình ảnh đó được sống đúng với chiều sâu mà cô từng cho phép. Đừng để nó trở thành ảnh phản chiếu méo mó trong vùng sáng bị cắt."

Và bức thứ ba – là một bản nháp không ngôn ngữ. Tôi vẽ đôi mắt cô bằng than chì, chỉ mắt – không mày, không mi, không tròng trắng. Một đôi mắt không nhìn ai cụ thể, chỉ nhìn về phía mà ánh sáng không thể chiếu tới.

-

Tôi gặp lại cô ấy vào buổi chiều thứ hai của tuần cuối cùng. Bên ngoài, mùa xuân đang cố nở ra những nụ đầu tiên, nhưng bầu trời vẫn có màu của tro giấy. Junenirin đứng trước giá sách ở thư viện Widener, tay cầm cuốn L’être et le néant, trang mở giữa chừng. Tôi không nhận ra cô trước ánh sáng. Tôi nhận ra cô nhờ dáng đứng – nghiêng nhẹ, như người đang lắng nghe một bản nhạc không ai hát.

“Cô đã đi đâu?” – Tôi hỏi, không giấu sự run rẩy.

Cô ấy không quay lại, chỉ nói, rất khẽ:

“Đi về nơi tôi từng quên mình đến từ đó.”

Tôi đứng yên. Một phần vì tôi không hiểu. Một phần vì tôi sợ, nếu hỏi thêm, cô sẽ tan đi như bóng nắng qua khung gạch cũ.

“Tôi không trách cô”, tôi nói ngay sau đó, “nhưng cô đã để lại một lỗ thủng không có viền.”

Cô gập sách lại, quay sang tôi. Gương mặt cô không khác. Chỉ đôi mắt sâu hơn, như thể đã qua một lớp cửa khác để nhìn ngược lại chính mình.

“Tôi biết. Nhưng tôi cần mất mình để biết mình có thể quay về đâu.”

Tôi cười. Không nhẹ. Không đắng. Chỉ cười như người vừa nghe lại giọng một giấc mơ:

“Vậy giờ cô đã biết chưa?”

Cô không trả lời. Nhưng mắt cô không rời khỏi tôi.

-

Tối hôm đó, chúng tôi ngồi bên nhau ở mái nhà khu xưởng. Một chai vang cũ. Một chiếc máy cassette phát nhạc của Satie. Và khoảng cách giữa hai người là một sợi chỉ không được buộc, nhưng không đứt.

“Tôi từng nghĩ mình chọn triết vì không chịu nổi sự giả dối,” cô ấy nói, giọng thấp, như một lời xưng tội.

“Và giờ?” - tôi hỏi.

“Giờ tôi hiểu, mình chọn nó vì tôi không chịu nổi im lặng. Tôi tưởng lập luận có thể thay cho cảm xúc. Tôi sai rồi.” - cô ấy bật cười nhẹ.

Tôi đặt ly xuống. Lần đầu tiên, tôi dám chạm vào tay cô mà không run:

“Cô không cần lập luận để yêu ai đó.”

“Nhưng tôi cần sự im lặng để nghe rõ điều đó trong mình.” - June đáp.

Tôi im. Nhưng lần này không vì sợ. Mà vì biết mọi từ lúc này đều thừa.

-

Sáng hôm sau, tôi thức dậy một mình. Không có ghi chú nào. Không có lời từ biệt. Nhưng có một bức tranh – cô vẽ, bằng bút than, lên mặt sau một bức thư cũ. Hai người đứng cạnh nhau, giữa một cánh đồng không hoa, tay không chạm, mắt không nhìn. Nhưng bóng của họ – kéo dài trên đất – lại đang siết chặt nhau như thể sợ nếu buông ra, sẽ tan vào đất.

Phía dưới, cô ấy viết:

"Tôi không biết làm thế nào để yêu mà không biến mất. Nhưng tôi đã học được cách ở lại mà không cần giữ. Nếu cô còn nhớ tôi – thì tôi chưa từng đi."

-

Tôi dán bức tranh đó lên trần phòng vẽ. Mỗi khi ngửa đầu, tôi lại thấy mình không còn cô độc trong việc tìm lời cho hình ảnh. Và có lẽ, như chính cô từng nói, không phải mọi thứ đều cần lời. Có những điều – chỉ cần được giữ lại. Như ánh sáng trên tóc ai đó trong buổi chiều đầu tiên. Như tiếng "có mặt" không thành lời. Như một cái nhìn không lặp lại nhưng không phai.

Tôi bắt đầu vẽ trở lại – không để giữ cô, mà để giữ mình bên cạnh điều tôi từng suýt đánh mất.

-

Tôi không cần cô gái ấy phải quay lại lần nữa.

Vì người tôi yêu thương nhất, chưa từng rời đi.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz