Thien Ac Va Smartphone
THỜI CỦA NHỮNG DÂN PHÒNG TRÊN MẠNG
_
"Độc ác với người khác không phải là cái gì mới. Nhưng trên mạng, với công nghệ hỗ trợ, sự lăng nhục được phóng đại lên, không bị kiềm chế, và ở đó mãi mãi." - Monica Lewinsky
(Năm 1995, tổng thống Bill Clinton có một cuộc ngoại tình với Monica Lewinsky, 22 tuổi, khi cô làm thực tập sinh trong Nhà Trắng. Lewinsky được coi là nạn nhân đầu tiên của hiện tượng lăng nhục công cộng ở thời kì công nghệ số.)
"Mỗi chúng ta đều rộng lớn hơn điều tồi tệ nhất mà chúng ta đã từng làm." - Bryan Stevenson
Tôi nhớ rõ ngày Internet chỉ cho tôi thấy rõ cái mặt u ám của nó. Đó là mùa hè năm 2015, và câu chuyện liên quan đến hai anh em Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương, trên dưới 30 tuổi, chủ một đại lý bia ở Long Biên, Hà Nội. Đó là ngày cái Internet mà tôi vẫn biết - lạc quan, trong trắng, vô tư, yên bình - đã chết, và thay vào đó là một Internet tục tĩu, chói tai và xấu xí.
Hai thập kỷ trước, khi Internet đang trong tuổi dậy thì, Rheingold Howard, một nhà tiên phong về công nghệ mạng người Mỹ, phấn khởi tiên đoán nó sẽ đưa chất lượng tương tác của chúng ta trong xã hội lên một tầng mới. "Nó như là một cái xa lông nhỏ," ông mô tả cho những người còn chưa biết mạng là gì, nghĩa là đa số trong xã hội thời đó, "tôi có thể tham gia vào hàng trăm câu chuyện, nơi người ta không quan tâm mặt mũi tôi thế nào, giọng nói tôi ra sao, mà chỉ quan tâm tới những ý nghĩ của tôi." (Globalizing Networks: Computers and International Communication, Linda Harasim, MIT Press, Cambridge, 1993.) Cư dân mạng không nhìn thấy hình hài, tuổi tác và xuất xứ của nhau, ông lạc quan, do đó mạng sẽ là một vùng đất không có định kiến.
Ai có thể trách được sự ngây thơ của Rheingold Howard?
Tới giờ, sự lạc quan này đã phải nhường chỗ cho một thừa nhận cay đắng. Chính sự vô danh và vô hình trên mạng khiến người ta cư xử vô cảm và độc địa. Khi không phải nhìn vào mắt nhau, người ta sẵn sàng làm đau kẻ khác. Chúng ta sẽ nhìn kĩ vào hiện tượng này ở phần sau của cuốn sách. Nhưng trước hết, chúng ta hãy quay lại ngày Internet chỉ cho tôi cái mặt u ám của nó.
Sự phục sinh của làm nhục công cộng
Vào giữa tháng 7 năm 2015, Tiến Dũng và Hồng Phương vừa có một chuyến du lịch châu Âu sáu ngày. Qua những bức ảnh mà về sau trôi nổi trên mạng, người ta nhìn thấy hai anh em cùng nhảy lên không trên nền tuyết trắng của núi Alpen, giơ hai tay hai chân lên pha trò, đằng sau là bầu trời xanh ngắt, hoặc ảnh họ selfie trong cung điện Versailles sơn son thếp vàng. Thảm họa xảy ra vào ngày cuối cùng của chuyến đi, tại Zurich, Thụy Sĩ, nơi cả đoàn đi mua sắm trước khi bay về Việt Nam vào hôm sau. Tiến Dũng và Hồng Phương bị công an bắt về đồn vì ăn cắp ba cái kính trị giá 300 euro mỗi chiếc trong một cửa hàng. Đến tận đêm hôm đó họ mới được thả sau khi nộp phạt 2000 euro.
Chừng một tuần lễ sau, những bức ảnh chụp họ ngồi trong đồn, cộng với hai biên lai nộp phạt cho cảnh sát địa phương được người hướng dẫn viên du lịch của đoàn đưa lên Facebook. Một siêu bão nổi lên trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam. Vào những ngày đó sẽ khó tìm được một tờ báo hay một trang mạng nào không đăng tin về vụ trộm kính trị giá 20 triệu VND này. Các báo lớn thì xóa tên trên biên lai nộp phạt và làm mờ mặt hai anh em trong bức ảnh chụp họ đang bị lập biên bản, nhưng tường thuật tỉ mỉ diễn biến của buổi tối định mệnh từ lúc đoàn lạc hai người tới lúc nhận được hung tin bằng tiếng Đức. Kênh Youtube hải ngoại Người Việt online chạy tin này trong chương trình thời sự, cùng mức độ quan trọng với "Phi cơ dân sự Đức suýt đụng phi cơ không người lái gần Warsaw" và "Tòa liên bang Đức buộc chính phủ bỏ trợ cấp để cha mẹ ở nhà trông con". Rất nhanh chóng, người ta tìm ra tung tích của hai người qua giấy phép kinh doanh trên trang mạng của Sở Giáo dục và Đầu tư, họ tung lên mạng tên và địa chỉ công ty, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại và tài khoản Facebook của cả hai. Tôi gặp khó khăn để miêu tả mức độ sỉ nhục khổng lồ mà Tiến Dũng và Hồng Phương gặp phải. Để có thể có chút ít cảm nhận về nó, đây là một gáo nước, lấy từ đại dương mênh mông các phát ngôn về câu chuyện này:"Quá xấu hổ. Nếu là cán bộ công nhân viên thì phải đuổi ngay việc và thông báo về địa phương.""Đề nghị không làm mờ ảnh để mọi người được 'chiêm ngưỡng'."
"Đẹp mặt lắm đấy mà còn chụp ảnh lưu niệm. Còn thiếu cái còng số 8 ở tay nữa. Không biết 2 con chó này quê ở đâu vậy?"
"Theo tôi cứ chụp ảnh dán vào bảng tin nơi đối tượng cư trú."
"Thành thật xin lỗi cảnh sát Thụy Sĩ."
"Hai gương mặt ăn cắp xuyên lục đại, từ VN sang Thụy Sĩ ăn cắp kính thời trang."
"Bọn này đã quen ăn cắp, ăn cướp của nhân viên và khách hàng ở VN rồi. Nay ra nước ngoài còn làm nhục dân VN, đúng là đồ khốn nạn!!!"
"Chúng đã làm nhục quốc thể, bôi nhọ danh dự của người Việt, quá xứng đáng để mọi người phỉ nhổ! Ai còn bênh chúng thì cũng là loại người chả ra gì!"
"Loại này mấy đời ăn cắp nên có gen di truyền rồi, không thể bỏ được..."
"Hai đứa đánh đổi tất cả để lấy chữ nhục rồi, ngu hết cả phần trâu, phần chó"
"Nhục nhã chưa, sao không thấy anh em nó nhảy sông hồng?"
"Nước sông Hồng cần trong sạch :-)... Đừng làm bẩn đi... Không nên cho họ nhảy xuống."
"Tôi đoán 2 người ăn cắp ấy là người trong băng đảng"
"Lạy 2 ông bà xin 2 ông bà đừng bơi vào TP.HCM"
"Loại này đập chết chôn ngay k nó lại đẻ chứng." (sai chính tả trong nguyên bản)
"ĐỒ CẶN BÃ CỦA XÃ HỘI."Sẽ khó để giải thích tại sao trong vô vàn những vụ vi phạm lớn nhỏ xảy ra hằng ngày người ta lại chọn đưa hai anh em này ra đoạn đầu đài. Có lẽ sự kết hợp của nhân thân của họ (doanh nhân được cho là thành đạt), của bối cảnh câu chuyện (một cuộc du lịch châu Âu xa xỉ), sự khôi hài của tình huống (ba cái kính), và lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương (chữ "nhục quốc thể" là một trong những chữ được nhắc tới nhiều nhất) đã tạo nên thùng thuốc súng. Có thể hai anh em họ Nhâm đã không gặp may vì câu chuyện của họ được một vài Facebooker ngàn sao nhìn thấy và chia sẻ. Nếu tối hôm đó có một trận chung kết bóng đá trên ti vi và những vị chúa tể trên Facebook không có thời gian để kiểm tra newsfeed của mình, số phận của họ chắc sẽ khác. Nhưng sự thất thường là một đặc tính của công lý trên mạng, chúng ta sẽ trở lại khía cạnh này ở một chương tiếp theo.Tôi vốn là người tin tưởng vào sức mạnh và vẻ đẹp trên Internet. Tôi vẫn say mê nói với bạn bè về tiềm năng dân chủ của mạng xã hội, về sự sáng tạo và quyền lực của báo chí công dân. Ở thế kỉ 21, chúng ta không cần "trời có mắt" nữa, bởi Internet đã có mắt, có tai, có tay ở mọi nơi. Khi trước đó nửa năm, khi cộng đồng mạng Singapore phát hiện tung tích và chế giễu Jover Chew, tay chủ một cửa hàng điện tử đánh lừa anh công dân Phạm Văn Thoại lúc anh mua chiếc iPhone ở đây khiến anh phải khóc và quỳ xuống van lạy, tới mức anh ta phải đóng cửa hàng và chuyển nhà, tôi vẫn còn hoan hỉ cùng mọi người. Công lý nằm trong tay của chúng ta, những con người bé nhỏ. Cùng nhau, chúng ta có thể trở thành Robin Hood, hay ít nhất là Lục Vân Tiên.Nhưng lần này, thay vì hào hứng và phấn khởi, tôi thấy có vị chát trong miệng. Tôi bắt đầu thấy bất an. Không khí lãng mạn của Lục Vân Tiên đã biến mất. Tôi không chắc mình vừa chứng kiến một cuộc đấu tranh cao đẹp giữa cái thiện và cái ác. Nó gần với một cuộc đấu tố hơn là công cuộc kiến tạo đạo đức xã hội. Sự gầm thét của cơn bão sỉ nhục vì ba cái kính này chính là âm thanh của cỗ máy công lý đang vận hành? Chúng ta có muốn sống trong một xã hội mà không ai được quyền phạm lỗi? Chúng ta đang kiêu ngạo tới mức cho rằng mình không bao giờ sa ngã? Khi nào thì chúng ta vẫn đang góp tay xây dựng xã hội, và khi nào thì chúng ta trở nên độc ác? Có một điều đã rõ: chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Những kẻ vi phạm chuẩn của cộng đồng bị đem ra bêu riếu và ném đá trước toàn dân thiên hạ, và ở thế kỉ 21, có một không gian công cộng nào thích hợp hơn, có được sự chú ý của mọi người tốt hơn, trưng bày kẻ xấu tốt hơn, là trên mạng?Sự trỗi dậy của những dân phòng trên mạng Đằng sau hiện tượng làm nhục công cộng online là sự trỗi dậy của những dân phòng trên mạng (thuật ngữ tiếng Anh là digital vigilantism). Nhìn bề ngoài, người ta có thể thấy những dân phòng và những kẻ bắt nạt trên mạng giống nhau, nhưng có một khác nhau cơ bản, chính ở chỗ họ nhìn nhận bản thân như thế nào.Những kẻ bắt nạt trên mạng, còn được gọi là troll, chúng ta sẽ còn quay lại với họ, quấy rối và hành hạ người khác để mua vui, họ biết mình là những kẻ du côn. Dân phòng trên mạng, những người hằng ngày đi tuần để khui ra và trừng phạt những "kẻ xấu" có thể gây hại, ngược lại, cho rằng mình đang bảo vệ cộng đồng.Ở Trung Quốc, nơi tất cả được đẩy lên đỉnh điểm, có hẳn một khái niệm riêng cho những chiến dịch dân phòng này: "tìm kiếm thịt người" (renrou sousuo yinqing). Trong những chiến dịch này, hàng chục ngàn cư dân mạng trở thành thám tử, hợp tác để truy lùng danh tính của những kẻ họ cho là cần bị trừng phạt. Vì "không yêu nước", "hành hạ động vật", hay vì "ngoại tình"."Truy tìm nó và đạp chết nó như nó đã làm với con mèo", cộng đồng mạng phát lời hiệu triệu sau khi clip quay cảnh một phụ nữ lấy gót giày cao gót giẫm chết một con mèo lan truyền trên mạng. Các thám tử online phân tích từng chi tiết nhỏ trong các khung hình, như là phong cảnh bờ sông nơi video được quay, để tìm ra một con người trong một tỉ người. Sáu ngày sau, họ thành công, Wang Jiao, người giết con mèo trong lúc thất tình, bị đuổi việc và phải bỏ đi nơi khác sinh sống.Một năm sau, người ta dùng sơn đỏ viết lên cửa nhà Wang Fei, một luật sư ở Bắc Kinh: "Nợ máu phải trả bằng máu". Trước đó, vợ anh nhảy lầu tự tử sau khi phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Những tâm sự trên blog của cô khiến cư dân mạng cho rằng họ có trách nhiệm trả thù. Wang và Dong Fang, người tình của anh ta, bị đuổi khỏi công ty quảng cáo danh giá Saatchi. Chưa bằng lòng, dân phòng mạng còn thông báo: "Gửi tất cả những người sử dụng lao động: không bao giờ tuyển Wang Fei hay Dong Fang vào làm, nếu không chúng tôi sẽ tìm kiếm thịt người các anh." ("China's Cyberposse", The New York Times, Mar. 3, 2010.)Ngay từ năm 2008, Anne Chung, giáo sư luật của đại học Hong Kong đã nhận xét về những dịch chuyển trong việc sử dụng mạng ở Trung Quốc: "Việc dùng Internet để lăng nhục công khai, theo dõi và tẩy chay, để phục vụ cho mục đích trả thù cá nhân, đã trở nên phổ biến trong xã hội Trung Quốc." ("China's Internet Culture Goes Unchecked, for Now", The Wallstreet Journal, Sept. 12, 2008.) Tình hình tệ tới mức cuối năm 2014, chính quyền Trung Quốc ra quy định cho phép truy tố những người đứng đằng sau các chiến dịch "tìm thịt người". ("China clamps down on doxing, limiting human flesh research engine", PC World, Oct. 10, 2014.)Ngày nay, ở Việt Nam, với 40 triệu người sử dụng mạng, những dân phòng online hoạt động hằng ngày và có mặt ở những ngóc ngách nhỏ nhất của thế giới mạng rộng lớn. Họ ra tay vì hai mục đích: kiểm soát tội phạm và kiểm soát xã hội.Mục tiêu của nhóm kiểm soát tội phạm là đem lại sự trừng phạt nhanh chóng tới những kẻ vi phạm pháp luật, những người như Tiến Dũng và Hồng Phương. Tuy nhiên, nhiều khi người ta bị sờ tới chỉ vì đã có một cư xử "không đẹp", trong con mắt của dân phòng online. Tấm ảnh chụp một bác sĩ để chân lên giường bệnh nhân khi nói chuyện với người bệnh khiến anh bị mất việc. ("Bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh nhân gây tranh cãi", VNExpress, 29/6/2015.) Không ai biết, không ai quan tâm xem người bác sĩ đó có lịch sử công tác thế nào, anh ta được bệnh nhân cũng như đồng nghiệp đánh giá ra sao. Một bình luận trên báo khiến ta lạnh gáy: "Khéo khen ai chụp được tấm hình này."Nếu như các dân phòng kiểm soát tội phạm tự trao cho mình nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, thì mục đích của nhóm kiểm soát xã hội là bảo vệ những chuẩn mực luân lý của cộng đồng trước những mối đe dọa. Sự trừng phạt Wang Fei rơi vào thể loại này. Hồ Ngọc Hà là một câu chuyện tương tự.Không chỉ những giá trị đạo đức liên quan tới hôn nhân và gia đình, các sở thích cá nhân cũng có thể nằm trong tầm kiểm soát của những dân phòng mạng kiểm soát xã hội. Một ví dụ điển hình là chiến dịch của các thành viên của Vozforum, vốn là một diễn đàn về công nghệ, vào tháng 3 năm 2016. Không ưa ngôn tình và cho rằng nó có hại cho thanh niên Việt Nam, các vozer, tên gọi các thành viên của diễn đàn, kêu gọi nhau đánh sập các trang ngôn tình ảo mộng trên Facebook qua hình thức tố cáo (report). Thông tin các nhân của một số thành viên chủ chốt của các trang này bị đưa tràn lan trên mạng ("Đại diện VOZ lên tiếng về cuộc thanh trừng những trang tin ngôn tình nổi tiếng", Sao Star, 6/3/2016.), "vì một tương lai không còn ngôn lù" (Chữ này được dùng thay cho "ngôn tình" để có thể nói lái được ). Có lẽ các vozer nhìn bản thân giống Batman, họ làm "sạch" xã hội, chỗ mà quyền lực nhà nước không với tới được.Trên không gian mạng ẩn danh, người mạnh thắng kẻ yếu. Ở đây, những dân phòng online an toàn, họ không phải trả giá, nạn nhân không có cơ hội trả đũa. Một vozer tóm tắt điều này một cách sinh động: "mày biết tao là thằng nào ko? đéo biết phải ko? bất lực quá đi mà hợ hợ". Được làm Batman trên mạng, với chi phí và rủi ro bằng không, gây hưng phấn. Cảm giác được trao quyền hấp dẫn và ngọt ngào vì nó cho chúng ta cảm giác chúng ta đang làm chủ cuộc sống của mình, đang kiến tạo xã hội. Chúng ta là những activist.Liệu các vozer có đang làm người khác sợ hãi không? Một vozer chủ chốt trấn an trong một phỏng vấn: "Voz ko phải là một cái gì đó quá đáng sợ (...), chẳng ai phải dè chừng ai cả, cứ đúng mà làm."Tất nhiên, "đúng" ở đây là đúng theo ý của các dân phòng online này. Một vozer giải thích về triết lý hành động của họ khi có người thắc mắc về tính chính danh của chiến dịch này: "Bọn tao làm vậy là vì cả 1 thế hệ sau này (...) Bọn tao muốn xóa bỏ những cái cổ xúy đi ngược lại dòng phát triển của loài người."Triết lý này được trình bày bởi một nhóm dân phòng của Singapore một cách tinh tế hơn: "Có đúng luật hay không, chúng tôi không quan tâm. Chúng tô chỉ biết rằng để chống lại một con rồng thì bạn không thể dùng một con hổ móm. Bạn phải có một con rồng tầm cỡ tương đương, bất kể con rồng đó có tuân thủ pháp luật của đất nước hay không. Đôi khi, ác quỷ dọn đường cho một cái thiện lớn hơn." ("SMRT Ltd (Feedback): From Troll Group To Internet Vigilantes", Vulcan Post, Nov. 10, 2014.)Kỳ lạ hơn hư cấuKiểm soát xã hội có thể không mang lại những thiệt hại rõ rệt về người và của. Khi các trang ngôn tình bị sập, không có cuộc sống nào bị phá hủy như cuộc sống của Tiến Dũng và Hồng Phương, không có cá nhân nào phải bỏ quê mà đi như Wang Jiao, "người phụ nữ giết mèo", nhưng nó có tác động sâu sắc. Kiểm soát xã hội trên mạng reo rắc sự sợ hãi và bóp nghẹt tự do biểu đạt như một cơ quan quản lý văn hóa hiệu quả nhất. Điều mà các vozer làm chính là kiểm duyệt văn hóa, bịt miệng những giọng nói, xóa sổ những nội dung họ không ưa. Trên mạng, kẻ mạnh (tức là kẻ to tiếng hơn, thạo công nghệ hơn và đông hơn) là người có thể cho phép người khác được xem gì, đọc gì, thảo luận gì. Họ có quyền lực thiết lập các chuẩn mực xã hội cùng các hình phạt - cho tới khi những kẻ mạnh hơn họ xuất hiện. Sau câu chuyện của Tiến Dũng và Hồng Phương, tôi bắt đầu chú ý tới những thân phận bị sa vào vòng lao lý của cộng đồng mạng, và tôi không ghi chép kịp với những gì xảy ra. Cộng đồng mạng cần kịch tính. Mỗi một ngày lại có một người bị khoác lên tấm biển "quái vật" và đẩy ra ngoài ánh sáng.Nhiều lúc, thực tế còn kì lạ hơn hư cấu, và có khi, tai họa được gió mang tới, theo đúng nghĩa đen. Ngày 17 tháng 2 năm 2016, một nữ phóng viên VTV đứng trên bờ biển Đà Nẵng đầy gió làm phóng sự kỷ niệm cuộc chiến 17-2-1979. Cô đội một cái mũ vải mềm màu xanh lá cây, có ngôi sao đằng trước, để tóc khỏi bay vào mặt. Tối hôm đó, một Facebooker báo động: "Phóng viên Diệu Quỳnh đội nón lính Trung Cộng lên truyền hình VTV đúng ngày 17/2. Dấu hiệu gì đây?" đi kèm là ảnh cô phóng viên và ảnh lính Trung Quốc đặt cạnh nhau để so sánh. Nhìn kĩ thì hai loại mũ không giống nhau lắm, và sau này người ta xác nhận mũ cô đội là mũ của Che Guevara, được bán rất nhiều ở Hội An. Nhưng tất nhiên không ai nhìn kĩ cả, và chỉ sau một đêm, một dòng thác bình luận đã kịp đổ xuống và lan đi các ngóc ngách trên mạng, với các kêu gọi tử hình cô hoặc gửi cô tới các lò mổ nội tạng, gọi cô là phản quốc và so sánh cô với các động vật cấp thấp nhất.Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế nào? Đây là cuộc cách mạng công nghệ số mà chúng ta vẫn mong đợi? Ở nơi công cộng, bất cứ hành vi nào của bạn cũng có thể được ghi lại rồi tái xuất hiện trên Youtube. Lên mạng tán nhảm, bạn cũng phải nhận được bảo kê. Tôi không tránh khỏi cảm giác là chúng ta đã trở thành con sâu cái kiến trong cuộc bể dâu mang tên Internet mà chính chúng ta đã tạo nên. Cái công lý lãng mạn trên mạng mà tôi đã từng hy vọng và hình dung ra, ngày càng mang hình dạng của một thứ công lý của cuồng nộ và sự trả thù của đám đông.
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz