Sung Vi Trung Va Thep
Trên quần đảo Chatham, cách New Zealand 500 dặm (khoảng 800 km, ND) về phía Đông, dân tộc Moriori từng sống nhiều thế kỷ trong độc lập nhưng rồi lại gặp kết cục tàn khốc vào tháng Mười hai năm 1835. Vào ngày 19 tháng Mười một năm đó, một con tàu chở 500 người Maori mang theo súng ống, gậy gộc và rìu đổ bộ lên quần đảo, sau đó vào ngày 5 tháng Mười hai lại thêm một tàu nữa chở 400 người Maori đến. Những nhóm người Maori bắt đầu đi khắp các làng mạc của người Moriori, tuyên bố rằng từ nay người Moriori là nô lệ của họ, ai phản đối là họ giết. Giá như người Moriori lúc đó tiến hành một cuộc kháng chiến quy mô thì hẳn đã có thể đánh bại người Maori bởi người Moriori đông gấp đôi. Tuy nhiên, người Moriori có truyền thống giải quyết các cuộc tranh chấp bằng cách hòa bình. Tại một cuộc họp cộng đồng, họ quyết định không đánh lại người Maori mà đề xuất hòa bình, hữu nghị và phân chia tài nguyên.Nhưng người Moriori chưa kịp đưa ra đề xuất đó thì người Maori đã tấn công đại quy mô. Chỉ trong mấy ngày sau họ đã giết hàng trăm người Moriori, đem nhiều xác chết của người Moriori ra nấu nướng rồi ăn thịt, bắt tất cả những người khác làm nô lệ và chỉ vài năm sau đã tùy ý giết chết hầu hết số người đó. Một người Moriori sống sót kể lại: "Người Maori bắt đầu giết chúng tôi như giết cừu... Chúng tôi sợ chết khiếp, trốn trong bờ trong bụi, nấp trong hố dưới đất, bất cứ ở đâu để tránh kẻ thù. Nhưng vô ích; họ tìm ra và giết hết chúng tôi, không phân biệt đàn ông đàn bà, già trẻ lớn bé". Một người chinh phục Maori giải thích: "Chúng tôi nắm quyền sở hữu theo phong tục của chúng tôi, chúng tôi bắt hết người. Không ai thoát cả. Một vài người bỏ chạy, những kẻ đó chúng tôi giết, những người khác chúng tôi cũng giết - thì đã sao? Đó là theo phong tục của chúng tôi mà".Hậu quả tàn khốc của sự đụng độ này giữa người Moriori với người Maori lẽ ra có thể dễ dàng tiên đoán được. Người Moriori là một nhóm người săn bắt hái lượm nhỏ sống cô lập, chỉ có công nghệ và các vũ khí thô sơ nhất, hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến tranh, lại thiếu người lãnh đạo hay tổ chức mạnh. Những người Maori xâm lược (từ đảo Bắc New Zealand) đến từ một vùng đông dân cư gồm những người làm nông thường xuyên dính vào những cuộc chiến tranh khốc liệt, có công nghệ và vũ khí tiên tiến hơn, hoạt động dưới quyền một nhóm lãnh đạo mạnh. Dĩ nhiên, khi hai nhóm này rốt cuộc cũng tiếp xúc với nhau thì chính người Maori tàn sát người Moriori chứ không phải là ngược lại.Bi kịch của người Moriori giống như nhiều tấn bi kịch khác đã diễn ra ở cả thế giới hiện đại lẫn thế giới cổ xưa, khi những dân tộc đông người và được trang bị tốt đối đầu với những dân tộc ít người và trang bị kém. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa người Maori và người Moriori soi sáng cho chúng ta một cách đáng buồn rằng cả hai nhóm này đã tách ra từ một nguồn chung trước đó chưa đầy một ngàn năm. Cả hai đều là dân Polynesia. Người Maori hiện đại là hậu duệ của các nông dân Polynesia từng di cư sang New Zealand vào khoảng năm 1000. Chẳng bao lâu sau đó, một nhóm người Maori này đến lượt mình lại di cư sang quần đảo Chatham và trở thành người Moriori. Trong các thế kỷ sau khi hai nhóm tách nhau ra, họ tiến hóa theo hai hướng trái ngược nhau, người Maori ở Đảo Bắc phát triển công nghệ và tổ chức chính trị phức tạp hơn, người Moriori thì ít phức tạp hơn. Người Moriori trở lại sống bằng săn bắt hái lượm, còn người Maori Đảo Bắc chuyển sang làm nông nghiệp triệt để hơn.Những lộ trình tiến hóa trái ngược nhau này đã quyết định hệ quả khi hai nhóm này rốt cuộc đối đầu nhau. Nếu ta có thể hiểu những nguyên nhân dẫn tới sự phát triển khác biệt nhau của hai nhóm xã hội hải đảo này, ấy là ta đã có một mẫu hình để thấu hiểu câu hỏi lớn hơn là những hướng phát triển khác nhau trên các lục địa khác nhau.Lịch sử Moriori và Maori là một thí nghiệm nhanh trên quy mô nhỏ nhằm kiểm chứng xem môi trường có ảnh hưởng thế nào lên xã hội loài người. Trước khi đọc cả một cuốn sách khảo cứu những tác động của môi trường trên quy mô thật lớn - chẳng hạn như tác động lên các xã hội loài người trong vòng 13.000 năm trở lại đây - hẳn bạn cần có sự đảm bảo - từ các thí nghiệm nhỏ hơn - rằng những tác động đó là thực sự quan trọng. Nếu bạn là nhà khoa học phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu chuột, bạn hẳn sẽ tiến hành một thí nghiệm như vậy bằng cách lấy một đàn chuột, chia số chuột tổ tiên này ra thành nhiều chuồng mỗi chuồng có một môi trường khác nhau, đến khi chuột đã sinh sôi được nhiều thế hệ thì bạn quay lại xem điều gì đã xảy ra. Dĩ nhiên, những thí nghiệm có chủ đích này không thể thực hiện đối với các xã hội loài người. Thay vào đó, nhà khoa học phải tìm những "thí nghiệm tự nhiên" mà ở đó một điều gì tương tự cũng đã xảy ra với con người trong quá khứ.Một thí nghiệm như vậy đã diễn ra trong quá trình con người di cư sang Polynesia. Rải rác khắp Thái Bình Dương bên ngoài New Guinea và Melanesia là hàng ngàn hòn đảo khác nhau rất nhiều về diện tích, mức độ cô lập, độ cao, khí hậu, tính năng sản, tài nguyên địa chất và tài nguyên sinh học (Hình 2.1). Trong hầu hết lịch sử loài người, các hòn đảo này nằm ngoài tầm với của kỹ thuật hàng hải. Vào khoảng 1.200 năm tr.CN một nhóm người làm nông, đánh cá và đi biển từ quần đảo Bismarck về phía Bắc New Guinea cuối cùng cũng tới được một vài đảo trong số này. Trong vài thế kỷ sau, hậu duệ của họ đã định cư ở hầu như bất cứ rẻo đất nào có thể sống được ở Thái Bình Dương. Quá trình này hầu như hoàn tất vào năm 500, vài ba hòn đảo cuối cùng cũng có người định cư từ sau năm 1000.Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian không dài, những môi trường hải đảo hết sức đa dạng đã được chiếm lĩnh bởi những người định cư mà tất cả đều phát nguyên từ cùng một nhóm người thủy tổ. Thủy tổ tất cả những người Polynesia ngày nay đều có cùng một nền văn hóa, ngôn ngữ và công nghệ như nhau, cùng một số cây trồng và vật nuôi như nhau. Từ đó, lịch sử Polynesia là một thí nghiệm tự nhiên cho phép ta nghiên cứu sự thích nghi của con người mà không vướng phải những khó khăn thường gặp khiến ta nản lòng khi nghiên cứu những làn sóng di dân khác nhau hòng thấu hiểu sự thích nghi của con người ở các nơi khác trên thế giới.Trong phạm vi thí nghiệm cỡ trung này, số phận của người Moriori là một thí nghiệm nhỏ hơn. Mô tả cho thấy các môi trường khác nhau ở quần đảo Chatham và New Zealand đã nhào nặn nên những người Moriori và Maori khác nhau đến thế nào là việc không khó. Tuy những người gốc gác Maori đầu tiên di cư sang Chatham có thể vẫn làm nghề nông, song vì các cây trồng nhiệt đới Maori không thể mọc ở khí hậu lạnh của vùng Chatham cho nên những người định cư này chẳng có cách nào khác ngoài trở lại sống bằng săn bắt hái lượm. Bởi là người săn bắt hái lượm nên họ không sản xuất ra lương thực thặng dư đủ để tái phân phối hay dự trữ, họ không thể nuôi ăn những thợ thủ công, quân đội, quan lại và tù trưởng chuyên làm việc của mình mà không săn bắt. Con mồi của họ là hải cẩu, sò ốc, chim biển làm tổ và cá, những loài có thể bắt bằng tay hay bằng gậy và không cần phải có công nghệ tinh xảo. Ngoài ra, Chatham gồm những hòn đảo tương đối nhỏ và cách xa nhau, chỉ có thể nuôi sống một nhóm người săn bắt hái lượm với nhân khẩu không quá hai ngàn. Không còn hòn đảo nào khác để đến định cư, người Moriori đành phải ở lại quần đảo Chatham và học cách sống hòa thuận với nhau. Họ làm được điều đó bằng cách từ bỏ chiến tranh, và họ giảm thiểu những xung đột tiềm tàng do dân số quá đông bằng cách thiến một số bé trai. Kết quả là người Moriori trở thành một nhóm người nhỏ không ưa chiến tranh, có công nghệ và vũ khí thô sơ, không có người lãnh đạo hoặc cơ cấu tổ chức mạnh.(Các vùng/đảo có tên trong ngoặc đơn thì không phải là Polynesia).Ngược lại, phần phía bắc (ấm hơn) của New Zealand, nhóm đảo lớn nhất ở Polynesia, thì thích hợp với nghề nông của người Polynesia. Những người Maori nào ở lại New Zealand thì sinh sôi nảy nở dần cho đến khi đạt tới dân số hơn 100.000 người. Họ phát triển thành những nhóm dân cư đông đúc thường xuyên đánh nhau ác liệt với các nhóm láng giềng. Với chỗ lương thực thặng dư có thể trồng và dự trữ được, họ có thể nuôi ăn các thợ thủ công, tù trưởng và binh lính làm việc bán thời gian. Họ cần có và đã phát triển được nhiều công cụ để thu hoạch mùa màng, chiến đấu và làm nghệ thuật. Họ dựng lên những công trình tế lễ tinh vi và nhiều pháo đài sừng sững.Như vậy, các xã hội Moriori và Maori đã phát triển từ cùng một xã hội tổ tiên nhưng theo hai hướng rất khác nhau. Hai xã hội phát sinh từ đó không còn biết đến sự tồn tại của nhau và không hề tiếp xúc lại với nhau trong suốt nhiều thế kỷ, có thể tới 500 năm. Cuối cùng, một con tàu săn hải cẩu của Úc ghé thăm quần đảo Chatham trên đường đến New Zealand đã mang về New Zealand thông tin về những hòn đảo nơi "biển ê hề, cơ man nào là cá; ao hồ lèn chặt những lươn là lươn; lại có lắm quả dâu karaka... Dân cư rất đông, nhưng họ không biết đánh nhau, không có vũ khí". Tin ấy là quá đủ để xui 900 người Maori dong thuyền đến quần đảo Chatham. Hệ quả này cho thấy rõ môi trường có thể ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, công nghệ, tổ chức chính trị và kỹ năng chiến đấu của con người trong một thời gian ngắn.Như tôi đã nhắc ở trên, sự đụng độ Maori-Moriori là một thí nghiệm nhỏ bên trong một thí nghiệm cỡ trung. Ta có thể học được gì từ các dân Polynesia về ảnh hưởng của môi trường lên xã hội loài người? Những khác biệt nào giữa các xã hội khác nhau trên những đảo Polynesia khác nhau cần phải được chúng ta lý giải đến nơi đến chốn?Polynesia, về tổng thể, bao gồm một loạt điều kiện môi trường đa dạng hơn nhiều so với New Zealand và quần đảo Chatham mặc dù Chatham là một thái cực (cực đơn giản) của tổ chức xã hội Polynesia. Về loại hình phương thức tồn tại, người Polynesia bao gồm từ dân săn bắt hái lượm ở quần đảo Chatham, những người trồng trọt chuyên chặt rừng đốt rẫy, cho đến những nông dân sản xuất lương thực thâm canh sống ở một trong những quần thể dân cư dày đặc nhất so với bất cứ xã hội loài người nào khác. Những người sản xuất lương thực Polynesia nuôi thâm canh lợn, chó hoặc gà. Họ tổ chức lực lượng lao động để xây dựng các hệ thống tưới tiêu lớn phục vụ nông nghiệp và xây những hồ lớn để nuôi cá. Cơ sở kinh tế của các xã hội Polynesia bao gồm những hộ gia đình ít nhiều tự cấp tự túc, nhưng ở một số đảo cũng có cả những hội thợ thủ công bán chuyên nghiệp cha truyền con nối. Về tổ chức xã hội, các xã hội Polynesia bao gồm từ những xã hội làng xã tương đối bình đẳng cho đến một số xã hội thuộc loại nhiều đẳng cấp nhất trên thế giới, với nhiều dòng dõi cha truyền con nối theo thứ bậc, có đẳng cấp tù trưởng và lớp thường dân, ai ở giai cấp nào thì chỉ lấy vợ lấy chồng trong giai cấp đó. Về tổ chức chính trị, các đảo Polynesia bao gồm từ các vùng bị chia cắt thành những đơn vị làng hoặc bộ lạc độc lập cho tới những đế quốc sơ khai trải rộng trên nhiều đảo, có quân đội thường trực đi xâm chiếm các hòn đảo khác và tiến hành chiến tranh chinh phạt. Cuối cùng, về văn hóa vật thể, Polynesia bao gồm từ những xã hội chỉ biết sản xuất dụng cụ cá nhân cho đến các xã hội xây dựng được những công trình kỳ vĩ bằng đá. Làm sao lý giải được sự đa dạng đến nhường này?Góp phần vào những khác biệt đó giữa các xã hội Polynesia là ít nhất sáu tập biến tố môi trường giữa các hòn đảo Polynesia: khí hậu đảo, loại hình địa chất, tài nguyên biển, diện tích, độ cắt xẻ địa hình, mức độ cô lập. Ta hãy xét chuỗi nhân tố này trước khi xét hậu quả cụ thể của chúng đối với các xã hội Polynesia.Khí hậu Polynesia thay đổi từ khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới ấm áp trên hầu hết các đảo nằm gần xích đạo, cho đến khí hậu ôn hòa ở hầu hết các đảo New Zealand, và khí hậu cận Nam cực lạnh trên quần đảo Chatham và phần phía nam của Đảo Nam thuộc New Zealand. Đảo Lớn của Hawaii, mặc dù nằm ngay trong vùng hạ chí tuyến, có những ngọn núi đủ cao để có môi trường sống cho các loài ở vùng núi, thỉnh thoảng còn có cả tuyết rơi. Lượng mưa thay đổi từ cao nhất thế giới (tại Fjorland thuộc New Zealand và đầm lầy Alakai trên đảo Kauai thuộc Hawaii) cho đến chỉ bằng một phần mười như vậy ở những đảo khô đến mức khó lòng trồng trọt gì được.Loại hình địa chất của các đảo bao gồm đảo san hô, đảo đá vôi nổi, đảo núi lửa, mảnh lục địa, và hỗn hợp giữa các loại trên. Ở một cực, vô số hòn đảo nhỏ, như các đảo ở quần đảo Tuamotu, là những đảo san hô phẳng, thấp, chỉ cao hơn mực nước biển chút ít. Những đảo san hô khác như Henderson và Rennell thì lại được nâng lên cao hơn mực nước biển rất xa để thành những đảo đá vôi nổi. Cả hai loại đảo san hô này đều khó định cư đối với con người bởi chúng gồm toàn đá vôi chứ không có loại đá nào khác, chỉ có lớp đất cực mỏng và không có nước ngọt thường xuyên. Ở cực đối lập, hòn đảo Polynesia lớn nhất, New Zealand, là một vùng đất cổ, đa dạng về địa chất, một mảnh của lục địa Gondwana, có nhiều tài nguyên khoáng sản trong đó có sắt, than, vàng và ngọc bích có thể khai thác thương mại. Hầu hết các đảo Polynesia lớn khác là những núi lửa trồi lên khỏi mặt biển, chưa bao giờ là một phần lục địa và có thể bao gồm hoặc không bao gồm những khu vực đá vôi. Tuy thiếu sự phong phú về địa chất của New Zealand, các đảo núi lửa đại dương ít nhất cũng khá hơn các đảo san hô (theo quan điểm Polynesia) ở chỗ chúng có nhiều loại đá núi lửa đa dạng trong đó có những loại rất thích hợp để làm công cụ đá.Bản thân các đảo núi lửa cũng rất khác nhau. Một số nhô cao hơn nên có mưa trên núi vì vậy các đảo này có thời tiết phân biệt rõ rệt, có lớp đất sâu và dòng chảy thường xuyên. Đó là trường hợp các đảo Society, Samoa, Marquesas và đặc biệt Hawaii, quần đảo Polynesia có những ngọn núi cao nhất. Trong số các hòn đảo thấp hơn, Tonga và (ở mức độ thấp hơn) đảo Phục Sinh cũng có lớp đất màu mỡ vì có tro núi lửa rơi xuống nhưng lại thiếu những dòng chảy lớn như ở Hawaii.Về tài nguyên biển, hầu hết các đảo Polynesia đều được nước nông và đá ngầm bao quanh, nhiều đảo lại vây quanh những đầm phá. Những môi trường này đầy ắp cá tôm, sò ốc. Tuy nhiên, bờ biển lắm đá của đảo Phục Sinh, Pitcairn và quần đảo Marquesas, cũng như đáy biển dốc và xung quanh không có rạn san hô khiến cho các đảo này cung cấp ít hải sản hơn nhiều.Diện tích cũng là một biến tố hiển nhiên khác. Từ 100 ha như Anuta, hòn đảo Polynesia nhỏ nhất có người thường trú, cho tới 103.000 dặm vuông của tiểu lục địa New Zealand. Địa hình có thể sinh sống được của một số đảo, đặc biệt là Marquesas, bị những dãy núi chia cắt thành các thung lũng dốc, trong khi những đảo khác như Tonga và Phục Sinh lại có địa hình hơi mấp mô không gây trở ngại gì cho việc đi lại và giao tiếp.Biến tố môi trường cuối cùng cần xét là mức độ cô lập. Đảo Phục Sinh và quần đảo Chatham nhỏ bé và xa các đảo khác đến nỗi khi đã có con người đặt chân tới rồi, các xã hội hình thành từ đó phát triển một cách hoàn toàn cách biệt với phần còn lại của thế giới. New Zealand, Hawaii và Marquesas cũng rất xa, nhưng ít nhất thì Hawaii và Marquesas rõ ràng đã có vài sự giao tiếp với các quần đảo khác sau khi có người đặt chân đến đầu tiên, và cả ba đều bao gồm nhiều đảo đủ gần nhau để những người sống trên các đảo khác nhau của cùng một quần đảo có thể thường xuyên giao tiếp với nhau. Hầu hết các đảo Polynesia khác đều ít nhiều có giao tiếp với các đảo khác. Đặc biệt, quần đảo Tonga nằm gần các quần đảo Fiji, Samoa và Wallis đủ để cho phép người ta đi lại thường xuyên giữa các quần đảo này và rốt cuộc đã cho phép người Tonga tiến hành chinh phục Fiji.Sau khi lướt qua những môi trường khác nhau của Polynesia, giờ ta hãy xem các biến tố đó ảnh hưởng thế nào đến các xã hội Polynesia. Phương tiện sinh tồn là một khía cạnh thuận lợi để chúng ta khảo sát đầu tiên, bởi đến lượt mình nó ảnh hưởng đến các khía cạnh khác.Phương tiện sinh tồn của người Polynesia bao gồm nhiều kết hợp khác nhau giữa đánh cá, hái lượm quả dại, bắt tôm cua sò ốc, săn các loài chim sống trên mặt đất và chim biển đang giao phối, và sản xuất lương thực. Hầu hết các đảo Polynesia ban đầu là nơi sinh sống của những loài chim lớn không biết bay từng tiến hóa trong hoàn cảnh không hề bị bất cứ loài nào săn để ăn thịt, mà ví dụ nhiều người biết nhất là loài moa New Zealand và ngỗng không biết bay của Hawaii. Tuy các loài chim này từng là nguồn lương thực quan trọng cho những người đến định cư đầu tiên, nhất là trên Đảo Nam của New Zealand, song hầu hết chẳng bao lâu sau đều tuyệt chủng trên tất cả các đảo vì chúng quá dễ săn. Chim biển giao phối cũng nhanh chóng sụt giảm về số lượng nhưng vẫn là nguồn thực phẩm quan trọng trên một vài đảo. Tài nguyên biển là quan trọng trên hầu hết các đảo nhưng ở đảo Phục Sinh, Pitcairn và Marquesas thì lại không quan trọng lắm bởi dân cư các đảo này sống bằng lương thực tự sản xuất là chính.Người Polynesia xa xưa mang theo ba loài vật đã thuần hóa (lợn, gà và chó) đến những nơi định cư mới và không thuần hóa thêm bất cứ loài vật nào khác ở Polynesia. Nhiều đảo vẫn giữ tất cả ba loài đó, song những đảo Polynesia cô lập hơn thì không còn giữ một trong ba loài ấy hay còn nhiều hơn vậy, hoặc vì gia súc chở trên xuồng không sống được đến cuối cuộc hành trình dài trên biển hoặc vì gia súc một khi đã chết thì không thể đưa gia súc từ ngoài vào thay thế được. Chẳng hạn, New Zealand bị cô lập nên rốt cuộc chỉ còn mỗi loài chó; đảo Phục Sinh và Tikopia chỉ còn lại mỗi gà. Vì không thể tiếp cận các rạn san hô hay những vùng nước nông giàu hải sản còn những loài chim sống trên cạn thì nhanh chóng tuyệt chủng, dân đảo Phục Sinh đành chuyển sang xây chuồng gà để thâm canh nuôi gia cầm.Tuy nhiên, ba loài vật đã thuần hóa đó giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn dăm ngày ba bữa. Sản xuất lương thực của người Polynesia phụ thuộc chủ yếu vào cây trồng, nhưng ở các vĩ độ cận Nam cực thì không thể trồng trọt được bởi tất cả các loại cây trồng Polynesia đều là cây vùng nhiệt đới, được thuần hóa ở nơi khác rồi mới được di dân mang đến Polynesia. Vì vậy những người định cư ở Chatham và vùng phía nam giá lạnh của Đảo Nam New Zealand buộc phải từ bỏ di sản trồng trọt của tổ tiên tự hàng ngàn năm trước để lại trở thành dân săn bắt hái lượm.Dân cư trên các đảo Polynesia còn lại thì có làm nông nghiệp dựa trên các loại cây trồng đất khô (nhất là khoai sọ, khoai mỡ, khoai lang), cây trồng tưới nước (chủ yếu khoai sọ) và cây trồng có thân (như quả sa-kê, chuối và dừa). Năng suất và tầm quan trọng tương đối của các loại cây trồng này thay đổi đáng kể từ đảo này sang đảo khác tùy theo môi trường. Mật độ dân cư của người là thấp nhất trên đảo Henderson, Rennell và các đảo san hô do đất cằn và ít nước ngọt. Mật độ cũng thấp ở New Zealand có khí hậu ôn hòa bởi nơi đây quá lạnh so với một số loại cây trồng Polynesia. Người Polynesia trên các đảo này và một số đảo khác làm nông nghiệp theo lối không thâm canh mà là du canh, đốt rừng làm rẫy.Những đảo khác có đất màu mỡ nhưng lại không đủ cao để có những dòng chảy lớn thường xuyên, do đó cũng không thể có kênh mương. Cư dân các đảo này làm nông nghiệp thâm canh trên đất khô nên cần phải đầu tư nhiều sức lực để đắp nền, phủ bổi, xoay vòng cây, giảm thiểu hoặc loại trừ hẳn những thời kỳ bỏ hóa đất và chăm sóc các đồn điền. Nông nghiệp đất khô trở nên đặc biệt có năng suất cao ở đảo Phục Sinh, đảo Anuta bé tí và đảo Tonga phẳng, thấp, nơi người Polynesia dành hầu hết diện tích đất để trồng lương thực.Ngành nông nghiệp có năng suất cao nhất ở Polynesia là trồng khoai sọ ở các cánh đồng có tưới tiêu. Trong số các hòn đảo nhiệt đới đông dân nhất, lựa chọn này bị loại trừ đối với Tonga do đảo này có độ cao thấp nên thiếu sông ngòi. Nông nghiệp tưới tiêu đạt tới đỉnh cao ở các đảo cực tây Hawaii gồm Kauai, Oahu và Molokai vốn đủ rộng và ẩm ướt để có không chỉ những dòng chảy lớn thường xuyên mà cả dân số đông để có thể xây dựng các công trình. Những người lao dịch Hawaii đã xây dựng các hệ thống tưới tiêu tinh vi cho các cánh đồng khoai sọ cho năng suất đến 24 tấn một hécta, năng suất cây trồng cao nhất trên toàn Polynesia. Năng suất này đến lượt mình lại cho phép thâm canh nuôi lợn. Hawaii cũng là nơi duy nhất ở Polynesia sử dụng lao động quy mô lớn cho nghề thủy sản, xây những ao cá lớn để nuôi cá măng và cá đối.Do hệ quả việc phương tiện sinh tồn có liên quan đến biến tố môi trường, nên mật độ dân cư (đo bằng đơn vị số đầu người trên dặm vuông đất có thể trồng trọt) thay đổi khá nhiều trên toàn Polynesia. Mật độ thấp nhất là những người săn bắt hái lượm ở quần đảo Chatham (chỉ 5 người trên một dặm vuông) và Đảo Nam của New Zealand cũng như những người làm nông trên phần còn lại của New Zealand (28 người trên một dặm vuông). Ngược lại, nhiều hòn đảo có nền nông nghiệp thâm canh đạt mật độ dân số tới 210-250 người trên một dặm vuông, ở Hawaii lên tới 300. Cực cao nhất là 1.100 người trên một dặm vuông ở hòn đảo đất cao Anuta nơi cư dân đã biến hầu như toàn bộ hòn đảo thành đất thâm canh nông nghiệp cho nên chỉ vỏn vẹn một hécta mà lèn chặt tới 160 người, trở thành một trong những quần thể dân cư có mật độ cao nhất thế giới. Mật độ dân cư của Anuta vượt cả mật độ của Hà Lan hiện nay và thậm chí ngang ngửa với Bangladesh.Quy mô dân số là tích số của mật độ dân cư (số người trên dặm vuông) và diện tích (dặm vuông). Diện tích ở đây không phải là diện tích một hòn đảo mà là diện tích của một đơn vị chính trị, vốn có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn một hòn đảo. Một mặt, những hòn đảo gần nhau có thể được kết hợp thành một đơn vị chính trị duy nhất. Mặt khác, những hòn đảo duy nhất với địa hình cắt xẻ được chia thành nhiều đơn vị chính trị độc lập. Vì vậy, diện tích một đơn vị chính trị thay đổi không chỉ theo diện tích một hòn đảo mà cả theo mức độ chia cắt và tách biệt của hòn đảo đó.Với những hòn đảo nhỏ tách biệt mà không có những rào cản lớn đối với sự giao tiếp trong nội bộ đảo thì toàn bộ đảo là một đơn vị chính trị duy nhất, như trong trường hợp Anuta với vỏn vẹn 160 người. Nhiều đảo lớn hơn chẳng bao giờ thống nhất được về mặt chính trị, hoặc vì dân cư bao gồm nhiều bộ lạc khác nhau, mỗi bộ lạc chỉ gồm vài chục người săn bắt hái lượm (như quần đảo Chatham và phía nam Đảo Nam của New Zealand) hoặc gồm những người làm nông sống rải rác cách xa nhau (phần còn lại của New Zealand) hoặc những nông dân cư trú với mật độ cao song ở vùng địa hình lởm chởm gây trở ngại cho việc thống nhất về chính trị. Chẳng hạn, dân cư ở những thung lũng sườn dốc kề cận nhau ở Marquesas chỉ giao tiếp với nhau chủ yếu bằng đường biển; mỗi thung lũng là một thực thể chính trị độc lập gồm dăm ngàn cư dân, và hầu hết các đảo lớn của quần đảo Marquesa vẫn chia cắt thành nhiều thực thể như vậy.Địa hình các đảo Tonga, Samoa, Society và các đảo Hawaii thì lại cho phép thống nhất chính trị trong nội bộ các đảo, cho ra những đơn vị chính trị gồm 10.000 người hay nhiều hơn (trên 30.000 đối với các đảo lớn của Hawaii). Khoảng cách giữa các đảo của quần đảo Tonga cũng như khoảng cách giữa Tonga với các quần đảo láng giềng là đủ gần để rốt cuộc người ta có thể thiết lập một đế quốc đa đảo bao gồm 40.000 người. Vậy là, các đơn vị chính trị ở Polynesia thay đổi về quy mô từ dăm chục người đến bốn vạn người.Dân số của một đơn vị chính trị tương tác với mật độ dân số có ảnh hưởng đến công nghệ và tổ chức kinh tế, xã hội và chính trị của người Polynesia. Nói chung, dân số càng đông và mật độ càng cao thì công nghệ và tổ chức càng phức tạp và chuyên biệt, vì những nguyên nhân mà chúng ta sẽ xét chi tiết ở các chương sau. Nói ngắn gọn, khi mật độ dân cư cao thì chỉ một phần dân chúng trở thành nông dân, nhưng họ được huy động để dành hết công sức làm nông nghiệp thâm canh, nhờ đó có lương thực thặng dư đặng nuôi sống những người không sản xuất. Những người không trực tiếp sản xuất mà chuyên huy động nông dân là các tù trưởng, tăng lữ, quan lại và binh lính. Các đơn vị chính trị lớn nhất có thể tập hợp lực lượng lao động lớn để xây dựng các hệ thống tưới tiêu và ao cá, những việc này lại càng giúp tăng cường sản xuất lương thực. Những diễn biến này đặc biệt thấy rõ tại Tonga, Samoa và đảo Society, tất cả đều màu mỡ, mật độ dân số cao và diện tích tương đối rộng theo chuẩn của Polynesia. Những xu hướng này đạt tới đỉnh cao trên quần đảo Hawaii bao gồm những hòn đảo Polynesia rộng nhất ở vùng nhiệt đới, nơi mật độ dân số cao và diện tích đất rộng nên các tù trưởng có thể huy động những lực lượng lao động rất lớn khi cần.Những biến đổi khác nhau trong các xã hội Polynesia gắn liền với sự khác nhau về mật độ dân số và quy mô dân số là như sau: Nền kinh tế đơn giản nhất là nền kinh tế trên những đảo có mật độ dân số thấp (như săn bắt hái lượm trên đảo Chatham), quy mô dân số thấp (các đảo san hô nhỏ) hay cả mật độ thấp lẫn quy mô dân số thấp. Ở các xã hội này mỗi gia đình tự làm lấy những gì mình cần; ít có hoặc không có sự chuyên môn hóa trong kinh tế. Sự chuyên môn hóa tăng lên ở các đảo lớn hơn, dân cư đông hơn, đạt đỉnh cao ở Samoa, các đảo Society, đặc biệt là ở Tonga và Hawaii. Hai hòn đảo vừa nhắc sau cùng này có những thợ thuyền bán chuyên nghiệp cha truyền con nối trong đó có những thợ đóng xuồng, hoa tiêu, thợ xây đá, thợ bắn chim và thợ xăm mình.Tính phức tạp xã hội cũng thay đổi theo cách tương tự. Lại nữa, quần đảo Chatham và các đảo san hô có những xã hội đơn giản nhất, bình đẳng nhất. Tuy các đảo này vẫn duy trì truyền thống nguyên thủy của người Polynesia là có tù trưởng, song các tù trưởng của họ ít có hoặc không hề có những dấu hiệu phân biệt thấy rõ, sống trong những túp lều giống như của thường dân, và cũng tự trồng trọt hay săn bắt lương thực cho chính mình như mọi người. Sự phân biệt xã hội và quyền lực của tù trưởng tăng lên ở các đảo có mật độ cao và đơn vị chính trị lớn, đặc biệt là ở Tonga và Society.Tính phức tạp xã hội cũng lại đạt đỉnh cao ở quần đảo Hawaii, nơi những người là hậu duệ của tù trưởng được chia thành tám dòng dõi theo thứ bậc. Thành viên các dòng dõi tù trưởng này không kết hôn với thường dân mà chỉ kết hôn với nhau, đôi khi thậm chí với cả anh chị em ruột, anh chị em cùng mẹ hoặc cùng cha. Thường dân phải cúi rạp mình trước mặt các tù trưởng quyền cao chức trọng. Mọi thành viên của dòng dõi tù trưởng, quan lại và một số thợ thủ công được miễn làm công việc sản xuất lương thực.Cơ cấu chính trị cũng theo đúng xu hướng đó. Trên quần đảo Chatham và các đảo san hô, tù trưởng chẳng có nhiều quyền để ra lệnh, các quyết định đều đạt được thông qua thảo luận chung, và quyền sở hữu đất đai nằm trong tay cộng đồng với tư cách toàn thể chứ không phải trong tay tù trưởng. Những đơn vị chính trị lớn hơn, mật độ dân số cao hơn thì tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay tù trưởng. Tính phức tạp về chính trị là cao nhất ở Tonga và Hawaii nơi quyền lực của tù trưởng cha truyền con nối cũng gần như của vua chúa ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đất đai là do tù trưởng cai quản chứ không phải thường dân. Dùng các quan lại được bổ nhiệm làm trung gian, tù trưởng tiến hành trưng thu lương thực của thường dân và trưng dụng họ làm việc ở các công trình xây dựng. Hình thức các công trình này khác nhau tùy đảo: các hệ thống tưới tiêu và ao cá ở Hawaii, các trung tâm nhảy múa và lễ hội ở Marquesas, mộ tù trưởng ở Tonga, đền đài ở Hawaii, đảo Society và đảo Phục Sinh.Vào thời điểm người châu Âu đặt chân đến Polynesia ở thế kỷ XVIII, tù trưởng quốc hay nhà nước Tonga đã trở thành một đế quốc liên quần đảo. Vì bản thân quần đảo Tonga khá san sát nhau và gồm một số đảo có địa hình không chia cắt, nên mỗi đảo đều được thống nhất dưới quyền một tù trưởng duy nhất; sau đó các tù trưởng cha truyền con nối trên hòn đảo lớn nhất của Tonga (Tongatapu) thống nhất toàn bộ quần đảo, cuối cùng họ chinh phục cả những đảo khác bên ngoài quần đảo mà hòn xa nhất cách những 500 dặm (800 km, ND). Họ thường xuyên buôn bán đường dài với Fiji và Samoa, thiết lập những điểm định cư của người Tonga ở Fiji và bắt đầu tấn công, xâm chiếm từng phần của Fiji. Việc chinh phục và cai quản cái đế quốc hải đảo sơ khai này thực hiện được nhờ những hạm đội gồm các chiếc xuồng lớn mỗi chiếc chứa được tới 150 người.Cũng như Tonga, Hawaii đã trở thành một thực thể chính trị bao gồm vài hòn đảo đông dân, song là một thực thể chính trị chỉ gói gọn trong một quần đảo duy nhất bởi vị trí cực kỳ cách biệt của nó. Tại thời điểm người châu Âu "phát hiện" ra Hawaii vào năm 1778, sự thống nhất chính trị đã diễn ra trong từng hòn đảo Hawaii và đã manh nha có vài sự hợp nhất chính trị giữa nhiều hòn đảo. Bốn đảo rộng nhất - Đảo Lớn (Hawaii theo nghĩa hẹp), Maui, Oahu và Kauai - vẫn độc lập, nắm quyền kiểm soát (hoặc dùng mánh khóe để tranh nhau quyền kiểm soát) các đảo nhỏ hơn (Lanai, Molokai, Kahoolawe và Niihau). Sau khi người châu Âu đến, Vua Kamehameha Đệ Nhất của Đảo Lớn nhanh chóng tiến hành hợp nhất các đảo lớn bằng cách mua súng và tàu thuyền của người châu Âu để xâm chiếm và chinh phục đầu tiên là Maui, sau đó Oahu. Rồi Kamehameha đã chuẩn bị xâm lăng hòn đảo Hawaii cuối cùng còn độc lập là Kauai, nhưng cuối cùng tù trưởngđảo này đạt được một giải pháp với nhà vua thông qua đàm phán, đến đây cuộc thống nhất quần đảo đã hoàn tất.Loại biến tố còn lại giữa các xã hội Polynesia mà chúng ta cần xét là các công cụ và những phương diện khác của văn hóa vật thể. Việc mỗi nơi có những loại nguyên liệu thô khác nhau có tác động rõ rệt đến nền văn hóa vật thể. Ở một thái cực là Đảo Henderson, một rạn san hô nổi lên trên mặt biển và không có loại đá nào khác ngoài đá vôi. Cư dân trên đảo chỉ còn biết chế tác ra những chiếc rìu lưỡi vòm bằng vỏ trai. Ở thái cực đối lập là người Maori trên tiểu lục địa New Zealand, có trong tay một loạt nhiều loại nguyên liệu thô và trở nên đặc biệt đáng chú ý ở cách họ sử dụng ngọc bích. Giữa hai thái cực đó là các đảo núi lửa đại dương của Polynesia, vốn thiếu đá granit, đá lửa và các loại đá lục địa khác nhưng ít nhất cũng có đá núi lửa, người Polynesia chế tác đá này thành những chiếc rìu đá được mài hay đánh bóng dùng để phát quang đất làm ruộng.Về các loại vật dụng chế tác, dân quần đảo Chatham chẳng cần gì lắm ngoài những chiếc dùi cui và gậy cầm tay để giết hải cẩu, chim và tôm hùm. Cư dân hầu hết các đảo khác thì tạo ra rất nhiều vật dụng khác nhau, gồm lưỡi câu, rìu, đồ trang sức và nhiều vật khác nữa. Trên các đảo san hô, cũng như ở Chatham, các vật dụng này nhỏ, tương đối đơn giản, ai làm ra thì của người ấy, còn kiến trúc thì chẳng có gì hơn là những túp lều đơn sơ. Các hòn đảo lớn và đông dân thì có những thợ thủ công chuyên nghiệp làm ra nhiều thứ vật phẩm gây uy thế dành riêng cho tù trưởng, chẳng hạn những áo choàng không tay bằng lông chim dành cho các tù trưởng Hawaii được làm từ hàng ngàn cái lông chim.Những sản phẩm lớn nhất của Polynesia là các công trình đồ sộ bằng đá trên một số đảo - những bức tượng đá lừng danh trên Đảo Phục Sinh, mộ các tù trưởng Tonga, các đàn tế lễ ở quần đảo Marquesas, các đền đài ở Hawaii và các đảo Society. Nền kiến trúc hoành tráng này của Polynesia rõ ràng là tiến hóa theo cùng một hướng như các kim tự tháp của Ai Cập, Lưỡng Hà, Mexico và Peru. Hiển nhiên, các công trình của Polynesia không có quy mô bằng các kim tự tháp kia, nhưng điều đó chỉ phản ánh thực tế là các pharaông Ai Cập có thể huy động nhân lực từ một dân số đông hơn nhiều so với tù trưởng của bất cứ hòn đảo Polynesia nào. Song, dù có vậy đi nữa, cư dân đảo Phục Sinh vẫn đã xây được những bức tượng nặng tới 30 tấn, đó chẳng phải là việc dễ đối với vỏn vẹn 7.000 con người không có trong tay nguồn lực nào khác ngoài cơ bắp của chính mình.Như vậy, các xã hội đảo Polynesia khác nhau rất nhiều ở tính chuyên môn hóa trong kinh tế, độ phức tạp xã hội, tổ chức chính trị và sản phẩm vật thể, những điều này có liên quan đến những khác biệt về quy mô và mật độ dân số, rồi đến lượt mình dân số lại liên quan đến diện tích, độ cắt xẻ, độ cô lập của từng đảo, cũng như cơ hội sinh tồn và cơ hội phát triển nền sản xuất lương thực trên từng đảo. Tất cả những khác biệt đó giữa các xã hội Polynesia đã phát triển - chỉ trong một thời gian tương đối ngắn và tại một phần khiêm tốn của bề mặt Trái đất - như những biến thái liên quan đến môi trường trên cùng một xã hội tổ tiên duy nhất. Các chủng loại khác biệt văn hóa này trong phạm vi Polynesia, về bản chất, cũng chính là các chủng loại đã phát sinh ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.Dĩ nhiên, dãy biến thái trên toàn thế giới là lớn hơn nhiều so với trong phạm vi Polynesia. Vào cùng thời gian khi cư dân các lục địa chỉ bao gồm những người vẫn dựa vào công cụ đá, Nam Mỹ cũng sinh ra những xã hội chuyên dùng kim loại quý, còn người Âu-Á và người châu Phi thì tiến tới dùng sắt. Những sự phát triển đó không thể xảy ra được ở Polynesia bởi không một đảo Polynesia nào trừ New Zealand có quặng kim loại đáng kể. Tại Âu-Á đã hình thành những đế quốc hẳn hoi từ khi chưa có ai di cư đến Polynesia; Nam Mỹ và Trung Mỹ thì phát triển thành đế quốc muộn hơn, trong khi Polynesia chỉ sinh ra được hai đế quốc sơ khai trong đó có một (Hawaii) chỉ hình thành sau khi người châu Âu đến. Âu-Á và Trung Mỹ đã phát triển chữ viết của riêng mình, còn tại Polynesia thì chữ viết đã không nảy sinh, có lẽ chỉ ngoại trừ Đảo Phục Sinh song ngay cả thứ chữ viết bí ẩn của đảo này cũng chỉ ra đời sau khi dân đảo tiếp xúc với người châu Âu lần đầu tiên.Vậy nghĩa là, Polynesia cho ta thấy một lát cắt nhỏ - chứ không phải toàn bộ bức tranh - về tính đa dạng của xã hội loài người. Điều này âu chẳng có gì lạ, bởi Polynesia chỉ là một lát cắt nhỏ của tính đa dạng địa lý của thế giới. Ngoài ra, bởi Polynesia chỉ có người đến định cư rất muộn trong lịch sử loài người, nên ngay cả những xã hội Polynesia cổ nhất cũng chỉ có vỏn vẹn 3.200 năm để phát triển, trái ngược với ít nhất 13.000 năm đối với các xã hội ở ngay cả lục địa có người ở muộn nhất (châu Mỹ). Giá như có được thêm vài ngàn năm nữa thì chắc hẳn Tonga và Hawaii đã đạt tới cấp độ những đế quốc phát triển đầy đủ, đánh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát Thái Bình Dương, tự sáng tạo ra chữ viết dùng để cai quản các đế quốc đó, trong khi người Maori ở New Zealand hẳn đã có thể bổ sung công cụ bằng đồng và sắt vào danh mục các vật phẩm bằng ngọc bích và những chất liệu khác của mình.Nói ngắn gọn, Polynesia cho ta một ví dụ đầy thuyết phục về sự đa dạng liên quan đến môi trường của các xã hội loài người đang trong quá trình tiến triển. Nhưng ta cũng chỉ học được rằng chuyện đó có thể xảy ra bởi vì nó đã xảy ra rồi, ở Polynesia. Liệu điều đó có xảy ra trên các lục địa khác không? Nếu có, thì những khác biệt môi trường nào là nguyên nhân cho tính đa dạng trên các lục địa, và những hệ quả của chúng là gì?
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz