ZingTruyen.Xyz

On Thpt Mon Van

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
Đề bài: Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài (Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam) có hai sự kiện đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, số phận của nhân vật Mỵ: Sự kiện Mỵ bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra và sự kiện Mỵ cắt dây trói cứu A Phủ.
Anh/chị hãy phân tích hai sự kiện đó. Nhận xét vai trò, ý nghĩa của các sự kiện này trong việc thể hiện giá trị nội dung, tu tưởng của tác phẩm.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

• Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.
• Giới thiệu nhân vật
- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” -> nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.
- Tài năng: thổi sáo, thổi lá. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:
+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”
+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”
+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”
-> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.
• Phân tích hai sự kiện
 Sự kiện 1: Mị bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra
- Nguyên nhân:
+ Do món nợ truyền kiếp: bố Mị có vay tiền của bố thống lí Pá Tra.
+ Vì Mị bị A Sử lừa bắt về do hủ tục cướp vợ của người dân tộc thiểu số.
 Thân phận bi kịch bắt đầu từ đây
* Khi mới về làm dâu:
- Xuất hiện ý thức phản kháng:
+ “Có đến mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc” -> phản kháng yếu ớt.
+ Muốn tự tử -> phản kháng mạnh mẽ.
* Khi làm dâu đã quen:
- Nỗi khổ về thể xác:
+ Thời gian của Mị chỉ được tính bằng công việc, các công việc nối tiếp nhau, việc này chồng lên việc kia. Mị trở thành một cỗ máy, công cụ lao động, mất hết ý niệm về thời gian.
+ Mị tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa; thậm chí còn không bằng con trâu con ngựa.
- Nỗi khổ về tinh thần:
+ Thể hiện qua những câu văn tả thực trầm buồn mở đầu tác phẩm: “Ai cố việc ở xa về…”, “lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.
+ Biện pháp so sánh: Mị - con trâu, con ngựa; Mị - con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa. -> vật hóa nặng nề.
+ Hình ảnh ẩn dụ: căn buồng Mị ở “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng” -> giống như ngục thất giam cầm cuộc đời Mị, giống như nấm mồ chôn vùi tuổi thanh xuân, chôn vùi hạnh phúc của Mị.
 Giá trị hiện thực và nhân đạo:
- Giá trị hiện thực : Phơi bày thực trạng xã hội phong kiến miền núi lúc bấy giờ.
- Giá trị nhân đạo:
+ Bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho những số phận dưới ách thống trị của bọn phong kiến miền núi.
+ Lên án, phê phán những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người.
 Sự kiện 2: Mị cắt dây trói cứu A Phủ
* Tình huống gặp gỡ giữa Mị và A Phủ
- A Phủ: trong khi đi chăn bò cho nhà thống lí Pá Tra do mải bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò -> bị trói đứng.
- Mị: Sau đêm tình mùa xuân Mị rơi vào trạng thái tê liệt về tinh thần. Hàng đêm ngồi cạnh bếp lửa (cạnh chỗ A Phủ bị trói) hơ tay hơ chân.
-> Hai người gặp gỡ nhau.
* Sự thức tỉnh của Mị:
- Nguyên nhân:
+ Giọt nước mắt A Phủ “giọt nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”.
- Diễn biến tâm trạng:
+ Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ về kí ức đau khổ -> thương mình -> thương người.
+ Mị từ cõi vô thức dần sống lại ý thức, nhận ra dấu hiệu về cái chết -> càng thương hơn -> thương người lấn át cả thương thân -> Hành động cắt dây cởi trói.
+ Mị hốt hoảng, sợ hãi -> thúc đẩy bản năng tự vệ tích cực của Mị -> Mị vùng chạy theo A Phủ.
 Giá trị nội dung:
- Giá trị hiện thực:
+ Phơi bày, phản ánh một cách chân thực số phận cực khổ của người dân lao động Tây Bắc dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi.
- Giá trị nhân đạo:    
+ Đồng cảm, xót thương với số phận khổ đau của nhân vật Mị dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi.
+ Lên án, phê phán mạnh mẽ giai cấp thống trị miền núi đã đẩy con người vào tình cảnh khốn cùng.
+ Phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của tâm hồn Mị: sức sống tiềm tàng trong đêm tình mùa xuân và sức sống mạnh mẽ trong đêm mùa đông.
+ Tìm hướng giải thoát cho cuộc đời nhân vật: dũng cảm đứng lên chống lại cường quyền, tiền quyền, thần quyền để giải phóng bản thân; tham gia du kích.
• Nhận xét về vai trò của các sự kiện này trong việc thể hiện giá trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm:
- Các sự kiện không chỉ lột tả chân thực nhân vật mà còn giúp người đọc hình dung rõ nét chân dung người lao động miền núi trước Cách mạng.
- Sự kiện thể hiện nhân sinh quan của tác giả về con người và xã hội.
- Hai sự kiện trên còn thể hiện biệt tài của tác giả trong việc nắm bắt các vấn đề cốt yếu, để từ đó bộc lộ tính cách cũng như số phận của nhân vật.
• Tổng kết
*********
NHỮNG CHI TIẾT ĐẶC SẮC TRONG TÁC PHẨM LỚP 12
(Thường được ra thi trong các kỳ thi Quốc gia)

1. Chi tiết căn buồng Mị nằm và chi tiết tiếng sáo đêm xuân trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Sống gắn bó nghĩa tình cùng mảnh đất Tây Bắc, với sở trường quan sát những nét riêng về phong tục văn hóa của những con người nơi cao nguyên đá mờ sương ấy, Tô Hoài đã khắc họa được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và góp thêm nét vẽ riêng vào bức tranh Tây Bắc.

Với gam màu xám lạnh, u tối, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận được không gian sống của Mị: “Mỗi ngày, Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi”. Đây là chi tiết nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pa Tra. Sau ý định tìm lá ngón tự tử không thành vì thương cha, Mị dập tắt ngọn lửa lòng về nhà thống lí và tiếp tục chôn vùi tuổi xuân của mình trong địa ngục trần gian đó. Căn buồng ấy kín mít, có ô vuông bằng bàn tay. Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm đời Mị. Đó là một không gian nhỏ bé, trơ trọi đối lập với cái mênh mông, rộng lớn của đất trời Tây Bắc. Cái ngột ngạt, tù túng trong căn buồng Mị nằm đối lập với một thế giới bên ngoài lồng lộng của mây trời, gió núi, của hương hoa rừng Tây Bắc, nó đối lập với cái giàu có, tấp nập của nhà thống Lí Pá Tra. Nó không phải là căn buồng của cô con dâu nhà giàu có nhiều tiền nhiều thuốc phiện nhất vùng mà đó là chỗ ở của con ở, thậm chí không bằng con ở. Căn buồng ấy giống như một miền đời bị quên lãng.

Trong căn buồng ấy, chân dung số phận khổ đau của đời Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi “ không nói”, lầm lụi, chậm chạp trơ lì như “ con rùa” quẩn quanh nơi xó cửa. Nếu ở trên, Mị có lúc tưởng mình là “con trâu con ngựa” - nhưng hình ảnh đó mới chỉ gợi nỗi khổ cực vì lao động vất vả thì hình ảnh “ con rùa” có sức ám ảnh mang ý nghĩa về thân phận bị đè nén, bị bỏ quên. Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian: chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Cuộc sống của Mị không có sắc màu, âm thanh, không có cả ngắn dài thời gian, không chia biệt đêm ngay.

Không chỉ có thể, Mị còn không có ý thức về sự sống đợi đến bao giờ chết thì thôi. Phải chăng thứ ngục thất tinh thần ấy đã làm héo mòn, tàn úa từng ngày từng tháng tâm hồn Mị. Mị sống như loài thảo mộc cỏ cây không hương không sắc, lay lắt, dật dờ, vô hồn, vô cảm. Không còn nữa một cô Mị đẹp như đóa ban trắng của núi rừng Tây Bắc vừa thắm sắc, đượm hương, một người cô Mị khao khát tình yêu và tự do có ý thức sâu sắc về quyền sống, từng thiết tha xin cha “ đừng gả con cho nhà giàu”, từng có ý định ăn lá ngón là kết thúc chuỗi ngày sống mà như chết. Như vậy, vượt lên trên nghĩa tả thực về không gian sống của MỊ, căn buồng ấy là biểu tượng cho ngục thất tinh thần, địa ngục trần gian giam cầm khát vọng sống, khát vọng tự do của đời Mị.

Chi tiết đó đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà . Nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đầy đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ. Đồng thời, Tô Hoài bày tỏ tấm lòng xót xa thương cảm cho số phận người phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc khi Cách mạng chưa về. Đó cũng là cảm hứng nhân đạo quen thuộc trong văn học.

Nếu hình ảnh căn buồng Mị nằm là một trong những chi tiết có sức ám ảnh ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ nhất thì hình tượng tiếng sáo đêm tình mùa xuân lại có sức quyến rũ lòng người nhất. Hình tượng tiếng sáo nằm ở phần giữa tác phẩm, ngòi bút Tô Hoài đã rất dụng công để miêu tả những thanh âm của tiếng sáo vùng núi cao Tây Bắc trong đêm tình mùa xuân. Sau những chuỗi ngày sống chỉ mang ý nghĩa của sự tồn tại,tê liệt, chai lì cái nồng nàn của lửa, của men rượu, cái tươi vui chộn rộn của mùa xuân Hồng Ngài đã đánh thức tâm hồn Mị, tiếng sáo đã vọng đến đôi tai Mị. Tiếng sao được miêu tả từ xa đến gần, với những cung bậc khác nhau: khi tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng, tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường, trong đầu Mị , rập rờn tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi.

Trước hết, đây là chi tiết có ý nghĩa tả thực về nét đẹp văn hóa của miền núi cao Tây Bắc, khiến người ta liên tưởng đến âm thanh quen thuộc, gần gũi của núi rừng trong những đêm xuân ở Hồng Ngài. Nếu Tây Nguyên có tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang khắp bản làng, rừng núi, nếu miền quê đồng bằng Bắc Bộ có tiếng trống chèo, tiếng hát giao duyên, tiếng đàn bầu thánh thót thì với những người dân Tây Bắc, họ vốn ít nói, kiệm lời, họ gửi lòng mình vào tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, thổi lá để trao gửi tâm tình, để mời gọi bạn yêu. Tiếng sáo vang lên với những cung bậc khác nhau, khi xa khi gần, khi trầm bổng khoan thai, khi rập rờn, khi lấp ló…Âm thanh tiếng sao vang lên những ca từ mộc mạc thể hiện lẽ sống hồn nhiên, yêu đời, phóng khoáng của những con người nơi đây “ Mày có con trai, con gái ta đi tìm người yêu…”. Tiếng sáo mang đến chất thơ, làm dịu mát cuộc sống trăm đắng ngàn cay với nỗi đời cơ cực của con người nơi đây, khiến mảnh đất Tây Bắc vốn xa lạ, hoang vu trở nên gần gũi, thơ mộng.

Không dừng lại ở ý nghĩa tả thực, chi tiết tiếng sáo góp phần diễn tả vẻ đẹp tâm hồn Mị trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo lay thức tâm hồn Mị, khiến lòng Mị thiết tha, bổi hồi, nhẩm thầm bài hát của người đang thổi và những kí ức đẹp đẽ nồng nàn của người con gái đã trở về. Tiếng sáo đã làm bừng lên khát vọng sống, Mị ý thức hiện tại mình vẫn còn trẻ, Mị ý thức về quyền hạnh phúc “ Mị muốn đi chơi”, Mị sửa soạn vào nhà…Tiếng sáo khiến Mị quên đi thực tại khổ đau: khi Mị định ăn lá ngón để chết ngay chứ không muốn nghĩ về ngày trước nữa thì tiếng sáo lửng lơ ngoài đường lại đưa Mị trở về với niềm khát sống, khi bị trói đứng cả đêm, tâm hồn Mị vẫn bay bổng cùng tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi. Nếu căn buồng Mị nằm biểu tượng cho thứ ngục thất tinh thần giam hãm đời Mị, thì hình tượng tiếng sáo trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho khát vọng tự do, khát vọng sống, khát vọng tình yêu trong tâm hồn Mị.

Chi tiết góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn và thành công của ngòi bút Tô Hoài. Đó là tấm lòng nâng niu trân trọng của nhà văn đối với nét đẹp văn hóa của và vẻ đẹp tâm hồn con người Tây Bắc. Chi tiết giàu chất thơ, lai láng dư vị trữ tình có sức sống lâu bền trong tâm hồn người đọc.

*********
ĐỀ BÀI:
Cảm nhận về hình tượng nhân vật Mị trong hai đoạn văn sau (trích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài). Từ đó, bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài trong truyện.
- “… Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”
- “… Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa” 
Bài văn mẫu
Lên Tây Bắc ngắm nhìn cảnh sắc núi non điệp trùng, mây cuộn mình trong sương, sương giăng mờ đỉnh núi. Đất trời ưu ái cho Tây Bắc vẻ đẹp miên viễn như huyền thoại, như thi ca. Nhưng ai biết đâu Tây Bắc cũng từng có những ngày chìm trong đêm đen của xã hội phong kiến – thực dân bao phủ. Cái xã hội ấy thật tàn bạo bởi nó đã bóp nghẹt sự sống của con người, tước đoạt ước mơ, giết chết khát vọng. Nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một điển hình. Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của đồng bào miền núi cao Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” (1952) chính là “món nợ ân tình” mà Tô Hoài phải trả cho đồng bào nơi đây bởi họ sống ân nghĩa ân tình quá đỗi, Tô Hoài không thể nào quên. Tác phẩm viết về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên đi tìm cuộc sống tự do. Trong truyện, cô Mị là một nhân vật đầy ám ảnh. Hoàn cảnh khốn khổ và tâm lí biến đổi theo thời gian của Mị để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người, đặc biệt là khi cô Mị “Ở lâu trong cái khổ” và từ trong “cái khổ” mà “phơi phới trở lại”, qua đây người đọc nhận ra tư tưởng nhân đạo cao quý của Tô Hoài gửi gắm trong thiên truyện.
Mỗi nhà văn đều có một tạng riêng. Nếu Nam Cao để lại dấu ấn trong lòng người bằng tiếng kêu thống thiết của kiếp người lầm than, đói khổ lay lắt, bị bần cùng hóa, tư sản hóa mà ra; Thạch Lam gây ấn tưởng bởi giọng trữ tình đượm buồn nhưng sâu xa, ý nhị về những miền đời bị xã hội bỏ quên; Nguyễn Tuân với câu từ trau chuốt, tỉ mỉ, hình ảnh góp nhặt từ một thời đại nào xa xưa lắm lung linh rực rỡ “đẹp đến toàn thiện toàn mỹ” trên trang văn… thì văn phong Tô Hoài nhẹ nhàng, không lên gân, không “ngùn ngụt sát khí” nhưng đủ sức bóp nghẹt tâm can người đọc, khiến người đọc rưng rưng nước mắt khi cám cảnh cùng cực của kẻ bất hạnh, sống mỏi mòn nhưng không buông xuôi thụ động như nhân vật trong cổ tích. Mị trong “Vợ chồng A Phủ” là cô gái vừa xinh đẹp như bông hoa rừng lại vừa tài hoa, hiếu thảo. Với những phẩm chất tốt đẹp mà Mị có, nếu sống trong một xã hội bình thường chắc chắn Mị sẽ được sống những tháng ngày an yên, hạnh phúc. Nhưng không, vì nghèo, vì món nợ ngày xưa bố mẹ Mị vay nhà thống lí Pá Tra cùng với phong tục hôn nhân kì lạ của người Mông mà Mị trở thành “con dâu gạt nợ” nhà thống lí, vợ của A Sử. Trên danh nghĩa là dâu, nhưng thực tế Mị lại là con ở không công nhà thống lí. Tại ngôi nhà quyền lực mà u ám này, Mị bị bóc lột sức lao động, bị đầu độc tâm hồn bởi thần quyền và cường quyền, dần dần Mị đã đánh mất chính mình, cô gái xinh đẹp yêu đời năm nào phải ngậm ngùi sống kiếp người đội lốt “con rùa nuôi trong xó cửa”.
Về làm vợ A Sử, con dâu thống lí Pá Tra ít lâu, Mị đã quen dần với cái khổ, từ một cô gái tràn đầy sức sống, khao khát yêu thương bỗng chai sạn tâm hồn, mất nhận thức về thời gian, không gian, cả nỗi khổ mà mình đang gánh chịu. Ở đoạn văn thứ nhất, Tô Hoài đưa người đọc vào không gian mà cô Mị đang sống: khổ cực, tăm tối. Ngay từ những dòng văn đầu, nhà văn đã để lại ấn tượng về khoảng thời gian mà Mị đã sống trong nhà thống lí: “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau”, chỉ mấy năm thôi nhưng chắc là lâu lắm. Đó là quãng thời gian mà Mị nếm trải khổ đau, nếm trải sự xói mòn trong tâm hồn của mình. “Mấy năm” là bao nhiêu năm? Bao nhiêu năm đã chầm chậm trôi qua mà Mị không hề nhớ rõ bởi bấy giờ Mị có còn biết khổ đau, bất hạnh, cơ cực là gì nữa đâu? Cái khoảng thời gian không xác định ấy tưởng chỉ mang tính chất giới thiệu thôi mà ngẫm lại đớn đau khó tả. Hóa ra Mị đã về làm dâu nhà thống lí “Mấy năm” rồi, “bố Mị” – người thân duy nhất của Mị cũng đã bỏ Mị mà đi, còn Mị thì đương sống trong tình trạng sống không ra sống mà chết thì Mị chưa nghĩ đến. Nếu ngày trước Mị đã từng có ý định ăn lá ngon tự tử vì không chịu đựng được nỗi khổ đau thì giờ phút này “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”. Lá ngón – một loài lá độc mọc dại ở miền núi cao Tây Bắc – khi đi vào văn chương lại trở thành một chi tiết nghệ thuật nói lên thật nhiều thân phận con người. Phải khổ đau, uất ức lắm người ta mới tìm đến lá ngón để mưu sinh. Lúc trước Mị định ăn lá ngón để chết, để khỏi phải đối mặt với những cơ khổ và bạo tàn nhà thống lí Pá Tra. Khi Mị muốn chết là lúc khát vọng được sống đúng nghĩa dâng trào. Còn bây giờ… “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”, nghĩa là Mị chấp nhận khổ đau, cam chịu cảnh sống cực hơn là chết nhà thống lí. Mị không muốn chết bởi Mị đã chai lì, bởi Mị đã “quen khổ rồi”. Môi trường độc địa ấy đã ngấm vào trong Mị, cái khổ đã đồng hóa Mị, khiến Mị quen dần và không một biểu hiện phản kháng. Ngay cả Mị cũng “tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, câu văn chất chứa nỗi xót xa cùng cực của Tô Hoài dành cho nhân vật của mình. Thân phận của Mị chẳng khác nào thân phận “trâu ngựa”. Con trâu con ngựa suốt tháng suốt năm phải làm việc lam lũ trên nương, khoảnh khắc nghỉ chân của nó thật ngắn ngủi. Mị cũng thế, từ hồi về nhà thống lí Pá Tra làm dâu, quanh năm Mị quanh quẩn trên nương “bẻ bắp”, “hái củi”, “bung ngô”, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Vậy có khác nào con ngựa, con trâu? Con ngựa “chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm” chứ đâu than khổ than cực?! Cô Mị cũng vậy, Mị tất bật với bao nhiêu công việc không lúc nào ngơi tay mà Mị đâu có lời nào vãn than. “Quen khổ”, cái thói quen ấy mới thật khắc khoải làm sao. Đoạn văn thứ nhất đã mở ra thân phận cam chịu, tủi nhục của Mị. Người đàn bà ấy đã gồng gánh gian lao đi qua cơ cực mỏi mòn mà chẳng biết nặng là gì. Rõ là cái xã hội ấy thật bất nhơn, nó tước đoạt đi quyền hạnh phúc, đồng thời cắt đứt mạch sống của người con gái đương phơi phới xuân thì.
Những tưởng đời Mị sẽ không bao giờ “ngóc đầu” lên nổi. Nhưng không, bằng tấm lòng nhân đạo cao quý, Tô Hoài đã cho cô Mị “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” kia “phơi phới trở lại”. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc trong Mị không vĩnh viễn mất đi mà chỉ ngủ quên dưới lớp tro buồn, gặp cơ hội thuận lợi lập tức những hạt mầm ấy lại bén đất đâm chồi non khỏe khoắn. Mùa xuân Hồng Ngài có sắc màu rực rỡ của thiên nhiên, có tiếng sáo gọi bạn tình và hơi rượu đưa Mị trở về miền nhớ xa xăm. Thuở ấy, Mị được uống rượu, thổi sáo, được đi chơi ngày Tết. Còn bây giờ Mị phải sống trong cảnh cá chậu chim lồng, mà cũng không hẳn bởi Mị đâu chỉ mất tự do như con chim mà còn bị hành hạ, bị đánh đập tàn nhẫn. Khoảnh khắc “ngồi trơ một mình giữa nhà” Mị suy nghĩ biết bao điều. Từ lúc nảy Mị đã “phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Mốc thời gian “những đêm Tết ngày trước” là những đêm Tết trước khi Mị về làm dâu nhà thống lí. Thuở ấy Mị được tự do, được bay nhảy, được vui chơi rộn rã cùng bao người. Trong tình cảnh này, Mị nhận ra “Mị còn trẻ lắm”. Từ hồi về làm dâu nhà Pá Tra đến giờ, đây là lần đầu tiên Mị nhận thức được sự trẻ trung vẫn còn nơi mình. Nét đẹp của cô gái Mông Tây Bắc vẫn còn phảng phất trên mặt Mị. Bao nhiêu người con gái Mông có chồng cũng được đi chơi ngày Tết, còn Mị có già dặn gì đâu mà cam chịu cảnh ngồi trong buồng tối không được đi chơi. Dường như “trẻ lắm” trở thành điệp khúc Mị tự nhắc nhở mình dẫn đến hành động “muốn đi chơi”. Có thể nói cô Mị thực sự “nổi loạn” trong đêm tình mùa xuân vì từ trước đến nay Mị chưa từng muốn đi chơi. Cái ước muốn đơn giản bình dị ấy đã bị kìm lại trong Mị, hoặc Mị không dám nói ra suốt mấy năm Mị làm dâu ở nhà thống lí Pá Tra. Mị nhận ra: “A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!”. Tại sao vậy? “Không có lòng” thôi thì hãy giải thoát cho nhau, cớ gì ép buộc, gò bó nhau cho khổ cực cuộc đời cô Mị? Một lần nữa hình ảnh chiếc lá ngón xuất hiện trong tâm tưởng cô Mị: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Khi đã thức tỉnh, lòng ham sống trở về với Mị, Mị lại muốn ăn lá ngón tự tử. Ở đây, người đọc nhận thấy có sự đối lập rõ ràng. Sống và chết luôn nằm ở hai đối cực khác nhau, song khoảnh khắc này lại tương hỗ thật nhiều trong cuộc đời cô Mị. Mị muốn chết càng chứng tỏ Mị đã “sống lại” và tỉnh táo hơn bao giờ hết. Chết để được tự do, được thanh thản, để đỡ phải khổ trong chuỗi ngày kế tiếp. Lần này Mị muốn chết nhưng Mị không thể chết vì thực tại Mị đang ở trong buồng, kín mít, mà khát khao đi chơi cũng đang chiếm lĩnh tâm hồn Mị. Lá ngón trong lần xuất hiện này như một giao điểm giữa những ngày thầm lặng, bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột về thân xác, áp chế về tinh thần với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc cuồng nhiệt như con sóng trong lòng cô Mị ngày xưa. Tóm lại, Mị đã tỉnh sau những tháng ngày u mê, ngủ say dưới lốt của một con rùa nuôi trong xó cửa không hi vọng, không mơ ước gì đến chuyện tương lai.
Hai đoạn văn mở ra hai trạng thái tâm lí của cô Mị, một là “quen khổ rồi”, hai là “phơi phới trở lại”, “muốn đi chơi”. Nếu ở đoạn văn thứ nhất người đọc nhận ra một cô Mị thụ động, cam chịu số phận thì đến đoạn văn thứ hai, dấu ấn về sự “nổi loạn”, bứt phá bắt đầu xuất hiện trong cô gái này. Đó là sự trỗi dậy của Mị, tiền đề cho những phản kháng để giải thoát thân phận ở những diễn biến kế tiếp. Từ đây ta nhận ra cô Mị của Tô Hoài không giống kiểu người hiền hậu khốn khổ như trong cổ tích đã từng dựng xây. Tô Hoài đã thổi vào trang văn của mình cảm hứng của con người hiện đại, không cam chịu đã vùng lên khát khao tìm hạnh phúc, tìm cuộc sống tự do. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng chứa đựng thái độ của nhà văn đối với cuộc sống, trước hết là với con người, “Văn học là nhân học” (M. Gorki). “Vợ chồng A Phủ” đã để lộ cái nhìn nhân đạo của Tô Hoài. Nhà văn đã phát hiện ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của Mị, ngòi bút của ông luôn đau đáu tìm hướng dắt dìu cô Mị từ trong đau khổ đứng lên hướng về phía niềm vui, phía ánh sáng. Trước sau Tô Hoài vẫn tin rằng hoàn cảnh dẫu có khắc nghiệt đến mấy cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn khát vọng cao cả trong Mị. Vì vậy mà Mị đã sống lại bằng tuổi trẻ, bằng nỗi day dứt về thân phận của mình. Chính cái khát vọng sống mãnh liệt không thể chết được ở Mị, giúp Mị tự giải thoát khỏi cái chốn địa ngục trần gian để làm lại cuộc đời, để sống như một con người. Tô Hoài đã phản ánh cuộc sống tối tăm, tủi nhục của người lao động nghèo vùng cao Tây Bắc trước Cách mạng, đồng thời đanh thép tố cáo tội ác, thế lực thực dân phong kiến, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, khẳng định sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ, quá trình vùng lên giải phóng của người lao động Tây Bắc.
Bằng giọng văn mềm mại cùng lối kể chuyện hấp dẫn, Tô Hoài đã đưa người đọc vào thế giới Hồng Ngài xinh đẹp mà u buồn, ở đó có bóng dáng cô Mị sống lầm lũi, bĩ cực đang lao đao đi tìm lẽ sống cho riêng mình. Nhà văn đã phát huy biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế để từ đó nhân vật của ông sống dậy, vùng vẫy, run rẩy phập phồng trên trang văn dày đặt ngôn từ. Trên hết vẫn là tư tưởng nhân đạo cao quý mà Tô Hoài đã gửi gắm. Chất nhân đạo góp phần làm nên tác phẩm văn học chân chính, có lẽ vì thế mà hơn nửa thế kỉ trôi qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vẫn đủ sức ám ảnh tâm trí bạn đọc. Và bao giờ cũng vậy, mỗi lần nghĩ về Tây Bắc hoặc có dịp lên Tây Bắc ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, lập tức bóng dáng vợ chồng A Phủ lại hiện ra trước mắt người đọc. Nhưng không phải một cô Mị tủi buồn và một chàng A Phủ bất lực khóc ròng trong đêm bị trói. Mà là một khung cảnh tươi sáng hơn, cô Mị với nụ cười tươi rói trên môi bởi cô đã cùng A Phủ sống những tháng ngày thật sự ý nghĩa, góp sức cho Cách mạng, giải phóng quê hương.
*********

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz