ZingTruyen.Xyz

Note Cong Thuc Nau Mot Tinh Yeu Sinh Vat Luoi Meo

(Còn sống hay đã chết từ bao giờ?)

Đã bao giờ bạn tự hỏi chính mình rằng có thể nào mình đã chết ở đâu đó, trong khoảng thời gian nào đó ở quá khứ rồi không?

Tôi thì có, luôn luôn có. Trong một vài giấc mơ mà cảm thấy chúng hiện hữu thật đến mức quá thật, đến khi tỉnh giấc bỗng chợt rùng mình tại sao mình lại mơ những thứ thật đến vậy, chạm tay vào chúng, cười đùa nói chuyện với những người xa xôi, rảo bước trên con đường không phải hằng ngày vẫn thường qua… Tất cả mọi thứ đều rất rất thật, để rồi hoài nghi bản thân mình. Có khi nào mình đã chết ở một lúc nào đó, những gì đang tiếp diễn chỉ là kí ức còn sót lại trong mơ?

Lục lại trong trí nhớ những lần chết hụt, dễ phải đến ba, bốn lần tôi đã đối diện với tử thần rồi lại quay đầu bước về thực tại. Hoặc, là tôi đã chết một trong những lần ấy và cuộc sống hiện tại của tôi chỉ là đang ở một thế giới khác giống như bước qua cánh cửa Địa ngục chẳng hạn.

Năm lên sáu, chập chững vào lớp một, nhà tôi ở ngay cạnh đường tàu thế nên mỗi lần có tàu đến là cả căn nhà cứ rung lên bần bật, mẹ còn thường trêu là sống ở đây giống như là đang sống ở Nhật Bản vì ngày nào cũng có động đất triền miên. Tôi nhớ chính xác giờ những chuyến tàu đi qua. Mười hai giờ trưa là tàu chở hàng, bảy rưỡi sáng là tàu chở khách, sáu giờ tối là tàu chuyên dụng, tụi trẻ con trong xóm lấy những chuyến tàu ra làm trò vui của những ngày nhàm chán, bọn tôi xếp một loạt những viên đá lên đường ray rồi thích thú nhìn chúng bị nghiền nát dưới hàng trăm chiếc bánh xe sắt. Có đứa còn kháo rằng đừng bao giờ đứng gần tàu khi đang chạy, chúng sẽ hút người vào rồi nghiến cho bằng nát như những viên đá dưới kia. Và tôi đã làm thử, chẳng hiểu vì bản tính ương bướng hay vì tính hiếu kỳ mà tôi lại có lòng can đảm thử đứng sát con tàu đang chạy với vận tốc cực kỳ nhanh như thế, mặc tiếng còi tàu hú lên cảnh báo tôi vẫn khoanh tay chờ đón điều bất ngờ xảy đến với mình, và cuối cùng điều bất ngờ là khi đoàn tàu lướt qua thì chúng vẫn cứ lướt qua như thế, dưới chân miếng đất rung rung theo từng nhịp bánh xe chạy tới, và tôi vẫn còn nguyên ở đấy cho đến tận khi toa tàu cuối cùng lướt qua trước mặt, tôi quay lại giơ hai cánh tay lên như một vị vua chiến thắng trở về trước những con mắt vô cùng sợ hãi và kinh ngạc của đám trẻ trong xóm, từ đấy chúng nó vẫn sợ đoàn tàu, vẫn sợ đứng gần mỗi khi tàu chạy đến, và hay là tôi cũng đã biến mất từ đấy?

Rồi đến năm cấp hai, nhà tôi có một cái cửa nhỏ thông ra ngoài phía sau giáp đó là nhà hàng xóm, nhà bên ấy có mấy đứa nhỏ hay biếng ăn suốt ngày phụ huynh phải dẫn đi vòng vòng khắp xóm cả buổi mới ăn hết tô cháo nhỏ. Tôi còn nhớ lần ấy nghe thấy tiếng đứa trẻ khóc vì bà cho ăn mãi không xong tôi liền trèo lên cánh cửa ngó sang bên ấy tính gây ngạc nhiên cho nó để nó cười rồi ăn, thế nào mới cất được một tiếng còn chưa kịp nhìn thấy mặt đứa bé thì tôi trượt tay ngã xuống, tay đập vào viên gạch vỡ làm đôi, đầu đập xuống đất rồi cũng không khóc không thấy đau gì hết, chẳng cảm giác được cơn đau đớn gì dù nhìn rõ mồn một cánh tay phải của mình gãy ra làm đôi, hai xương tay trồi hẳn ra khỏi vị trí nếu như mà không có da thịt giữ lại chắc nó cũng rụng lìa.

"Bà ơi cháu gãy tay rồi!".

Tôi đã nói như vậy khi nhìn vào cánh tay của mình, thế là mấy người hàng xóm chạy vào xem cũng vừa lúc mẹ đi làm về, tôi vẫn không đau, không đau một chút nào cả, cho đến tận cả khi đến bệnh viện ngồi chờ mất ba tiếng đồng hồ để được bác sĩ làm phẫu thuật, đến tận khi người ta tiêm thuốc tê vào đếm đến năm thì mọi thứ tối thui, đến cả khi tỉnh dậy người cứng đờ khi con robot hết xăng dầu cựa quậy không nổi mình, tôi vẫn không hề cảm thấy cơn đau đớn nào.

Có phải chăng là vì đã chết nên vốn dĩ cuộc sống xảy ra tiếp diễn trong một cơn mơ nó dù thật vẫn không thể nào lột tả được cơn đau bình thường của con người?

Lần tiếp theo là chuyến đi thực địa năm cuối đại học, thật ra năm đó đáng lý ra chúng tôi sẽ chẳng có chuyến đi nào cả vì nhà trường thông báo khóa trước mới có người bị chết đuối ở Huế cũng vì đi thực địa, cả khoa đã nháo nhào lên đòi đi cho bằng được vì đời sinh viên nhanh chóng đã hết, thứ quan trọng nhất của những tháng năm này chính là bài đánh giá tốt nghiệp thông qua thực địa, ấy vậy mà giờ trường hủy không cho đi vậy thì bắt sinh viên sẽ bịa ở đâu ra những thông tin để làm bài? Chúng tôi phản đối đến cùng, cả cô giáo chủ nhiệm, cả những thầy cô bộ môn cũng đồng lòng giúp đỡ, cuối cùng thì cũng đạt được nguyện vọng dù chi phí cho chuyến đi sinh viên phải tự chịu một nửa.

Năm đó chúng tôi chọn Hạ Long thay vì Huế, ngày đầu được đi thuyền dạo quanh Vịnh Hạ Long cho chúng tôi tha hồ chụp hình và lấy mẫu vật, ngày thứ hai được tham quan hang động để kiến thực sự hình thành và phong hóa của thiên nhiên, gần cuối ngày chúng tôi sau khi kiếm đủ cho mình dữ liệu làm bài thì được thả ra bãi Ti Tốp tắm biển, tự tin vì mình biết bơi nên tôi nhào thẳng ra biển chẳng thèm đoái hoài đến biển báo hiệu khu nước sâu. Ừ, rồi chuyện cũng xảy đến, nơi tôi đang đứng nước có sóng ngầm, đứng một lúc tự dưng thấy mình càng ngày càng trôi ra xa bờ hơn mặc dù không hề di chuyển, khi ấy tôi mới nhào tới bơi lại về bờ mà rồi càng bơi thì càng bị cuốn ra xa hơn, càng bơi càng đuối hơn, trong cơn hoảng loạn tôi không thể kêu la không thể thốt lên được một tiếng cầu cứu, trong đầu chỉ duy nhất một ý nghĩ là mình phải sống rồi ngoi lên hít một hơi thật dài ngụp xuống lặn tìm đường vào trong. Tôi thề tôi không thể nào nhớ được từ ấy bằng cách nào tôi vào được bờ rồi nằm vật xuống thở dốc vì cơ thể kiệt sức mỏi rã rời, tôi không thể nhớ nổi mình đã lặn vào bờ như thế nào, tại sao mình lại lặn theo đúng hướng mà vào được, tôi xin thề là không có chút ký ức nào về điều ấy.

Vậy là có chăng tôi đã chết ở biển Hạ Long? Bắt đầu một cuộc sống mới trong một giấc mơ dang dở hoặc là một cánh cửa mà tôi đã chọn bước qua để tiếp tục khi xuống Địa ngục?

Biết bao lâu rồi, biết bao thời gian đã qua và tôi thi thoảng vẫn cứ thắc mắc về sự tồn tại của bản thân mình trên cõi đời này, mình đã chết hay chưa, hoặc là mình đang tồn tại dưới dạng một giấc mơ siêu thực.

Có hay không một ngày nào đấy tôi ngủ đi và thức dậy thấy mọi thứ hoàn toàn biến mất, tôi lại sống ở một thời gian hoàn toàn khác, một thế giới đã thay đổi hoàn toàn khác?

- Anh có bao giờ nghĩ đây đang chỉ là một giấc mơ chưa?

Tôi châm điếu thuốc thứ hai hỏi Tuấn cũng đang hút dở đứng bên cạnh, chúng tôi thi thoảng có những chuyện không thể giải quyết được bằng lời nói và hành động thì cách tốt nhất là im lặng và hút một điếu thuốc thật dài, hôm nay thì cả hai chúng tôi có lẽ đều gặp phải bế tắc. Hành lang ban công luôn là nơi lý tưởng để hút thuốc mà không phiền đến bất kỳ ai và không để lại mùi ám khói trong phòng.

- Có chứ, anh luôn ước ngày mai thức dậy mọi chuyện chỉ là một giấc mơ mà anh vừa ngủ dậy, rồi thức tỉnh ở một khoảng thời gian nào đó thật yên bình hạnh phúc, mọi điều bận lòng chỉ là trong mơ thôi.

Tuấn trả lời xong rồi tự cười, cái cười mà giống như là biết rõ điều đó là không thể, là quá viển vông rồi tự cười chính bản thân mình khi có những suy nghĩ đó.

Cuộc sống này thật sự áp lực, người ta theo đạo Phật vẫn cứ luôn nói "Đời là bể khổ", có người thì nói rằng khi sinh ra con người ta sẽ khóc đầu tiên bởi vì họ tự khóc thương cho chính số phận tương lai của mình ở phía trước. Tôi theo chủ nghĩa vô thần, không theo Đạo, nhưng mà cũng có chút lòng tin ở một điều gì đó để làm đòn đẩy có mục đích cho sự sinh tồn của mình, tôi không quan niệm cuộc đời chỉ toàn đau khổ, mà nếu có thì hãy vượt qua nó hoặc là bỏ qua nó. Trước giờ lòng tin tôi toàn đem ra bỏ vào lòng người, tôi tin tưởng một con người và trao cho họ vận mệnh đời mình, nhưng tiếc thay từ đó đến giờ vẫn luôn là trao gửi nhầm người, tôi chẳng thể nhớ được hết những người mà tôi từng gọi là người yêu cũ họ đã phũ phàng như thế nào, họ không đáng để nhớ.

Thật ra tôi đã nghĩ cuộc sống này còn nhiều thứ đáng để phải cố sống hơn thế, những điều kinh khủng tồi tệ có xảy đến thì cứ bỏ qua nó như cái cách chúng ta cười chấp nhận một niềm vui, dù biết là khó nhưng như thế sẽ khiến không còn điều bận tâm nào ngoài cuộc sống phía trước. Có người có thể sẽ nói tôi chai sạn với những đớn đau vấp ngã, không, tôi không cho là như thế chỉ đơn giản là giữ cái đầu mình luôn trong trạng thái có thể xóa bỏ hết những gì không hay và ráng giữ lại những ký ức đẹp, cảm xúc là cần thiết cho tất cả mọi việc. Người yêu cũ vẫn thường chê tôi yếu đuối khi coi một bộ phim tình cảm hay những câu chuyện cảm động, thậm chí họ còn chẳng mảy may biến sắc khi nhìn qua đã thấy tôi rơm rớm lệ trào, ghét nhất là mỗi khi dẫn tôi đi coi phim trong rạp, người khóc lúc nào cũng là tôi. Thế mà cho đến khi chia tay thì người ta lại ngạc nhiên đến độ phải nhắn cho một cái tin để hỏi: "Tại sao chia tay anh không khóc?". Tại sao lại phải khóc cho những gì đã qua với tất cả kỷ niệm đẹp? chúng tôi đã từng có với nhau biết bao tiếng cười và niềm hạnh phúc, chỉ là giờ không còn chung tay nắm tay, không còn được ôm nhau những lúc mệt mỏi bộn bề, không còn tiếp tục tạo ra những ký ức đẹp nữa. Thế thì có gì để đáng khóc đâu?

Mỗi người đều có cách để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, có người cũng sẽ chọn từ bỏ cuộc sống để tin vào sự giải thoát, tôi thì không tin vào sự giải thoát mang tên "Cái chết" bởi đơn giản cuộc sống này chính là trăm ngàn cánh cửa dẫn chúng ta đến niềm vui và hạnh phúc, có điều chọn cánh cửa không đúng thì sẽ không thấy vui mà thôi, cũng chẳng sao, có thể bước tiếp, có thể mở tiếp cánh cửa phía sau, mở cho đến khi nào không còn đủ sức nữa khi ấy buông tay ngưng thở cũng vừa.

***

Như nhắn tin: Anh có thể đóng giả người yêu em ra mắt gia đình em vào tối nay được không?

Tôi hơi bất ngờ, muốn hỏi cho ra đầu ra cuối thì Như lại nhắn rằng cứ giúp đi sau khi xong chuyện sẽ giải thích tất cả, tôi hỏi Trúc có biết chuyện này không vì dù sao hai người cũng là chị em thân thiết như thế có chuyện gì thì cũng có thể bàn bạc chia sẻ. Có vẻ mọi chuyện khá nghiêm trọng nên Như không trả lời mà chỉ nhắn địa chỉ và thời gian hẹn gặp, tôi chẳng có quyền từ chối nữa, thôi thì phải theo thôi chứ biết sao bây giờ.

Tối tám giờ tôi chạy xe đến chỗ hẹn, thấy Như ăn mặc chỉn chu nhất từ trước đến giờ ngồi lên xe chỉ đường đến nhà ba mẹ cô ấy, hình như tôi đã nói qua về gia đình Như, ba mẹ bỏ nhau và họ đều đã có cuộc sống riêng, Như không ở chung với họ, với con cái của họ.

Lời mời chào từ hai bên gia đình có vẻ hơi gượng gạo làm tôi càng nghi ngờ những gì Như đang làm, trong suốt buổi nói chuyện tôi cũng không bị đưa ra để tra vấn nhiều mà họ chỉ tập trung vào con gái mình, rồi họ cãi nhau, to tiếng, trách móc đổ lỗi cho nhau về những gì trong quá khứ, không ai chịu nhận về mình phần sai. Tôi chẳng hiểu chuyện cũng chẳng thể lên tiếng mà thêm lời, mãi cho đến khi không khí im bặt lại không ai còn nói với nhau câu nào, triền miên một không gian tĩnh lặng rồi bắt đầu thấy Như khóc, tôi vội vàng ôm cô bé vào lòng nhìn ba mẹ Như ánh mắt cũng trĩu buồn mà bất lực.

Cuối buổi tôi chở Như về nhà, cô bé vẫn cứ im lặng dựa đầu vào vai tôi, hỏi han trong lúc này đương nhiên không hề thích hợp nên tôi cũng không cố gắng làm gì, cứ để yên như thế cho nguôi ngoai phần nào. Dừng xe lại cửa nhà, Như bước xuống, đôi mắt cứ hướng xuống dưới vì có lẽ vẫn còn ngấn lệ.

- Cám ơn anh nhiều hôm nay đã giúp em, nếu như anh không giúp em thì ba mẹ em nhất định sẽ gả em đi lấy chồng, lấy người mà em không biết tên biết mặt, lấy người mà từ trước kia ba mẹ đã thề thốt làm thông gia cho nhà người ta.

Ra là chuyện như vậy, tôi tự hỏi những người xưng là ba là mẹ đã dứt lòng bỏ con bỏ cái của mình đi, rồi tìm cho mình hạnh phúc riêng mới thì có quyền được phép sai khiến đứa con đó của mình nữa không? Tôi không trách họ - những người đã mang đến một nỗi bất hạnh lớn lao cho một con người có mang dòng máu của họ, họ có quyền để quyết định cuộc đời của mình nhưng làm ơn có thể suy nghĩ cho con cái họ, ngưng áp đặt ngưng làm những chuyện con cái họ lẽ ra không phải chịu đựng như thế này chứ. Tôi có bố có mẹ, cũng có một gia đình không hoàn mỹ hoàn hảo nhưng tôi thề bố mẹ mình sẽ chẳng bao giờ hành động như vậy, họ dù biết tình cảm của tôi dành cho họ không đủ lớn như những đứa trẻ khác dành cho bố me mình nhưng họ luôn luôn lo lắng đến cháy bỏng cho con mình, mẹ tôi đã từ bỏ quyền tự do của bản thân không ký vào tờ giấy ly hôn chỉ để cho tôi có được quyền có đủ bố mẹ, bố tôi dù có không chung thủy nhưng cũng kiên quyết xé nát tờ giấy đó chỉ vì nghĩ cho con mình. Tôi không trách ba mẹ Như, tôi chỉ cảm thấy đáng thương cho Như, con gái yếu đuối, mà vẫn luôn thiếu tình thương.

Hỏi ra mới biết bạn trai Như lại vừa mới cãi nhau, chẳng muốn làm lành nên mới lôi tôi làm vật thế thân, ừ cũng được, dù gì thì mọi chuyện cũng đã qua rồi, có thể sẽ còn buồn còn khóc nhưng mà chí ít đống suy nghĩ ấy đã được giải quyết rồi.

- Có bao giờ em nghĩ tất cả mọi chuyện trên đời này xảy ra với em chỉ là mơ không? Rồi sáng nào đó thức dậy, mọi chuyện không hề tồi tệ như giấc mơ vừa qua.

Như gạt nước mắt gật đầu, lấy tay tìm điện thoại rồi bấm nhắn tin cho ai đó, chắc lại là người yêu rồi. Con gái khi yếu đuối nhất vẫn là luôn cần một bờ ngực của người đàn ông họ yêu để dựa vào, ngửi được vị thân thuộc, cảm được hơi ấm nóng là đủ cho họ yên một giấc lành, vẫn biết là có tôi ngay lúc này nhưng đúng thật thì chẳng ai bằng người yêu mình cả. Chào tạm biệt cô bé rồi tôi chạy xe về nhà, một buổi tối đầy cảm xúc nhưng cũng đầy nghĩ suy. Trời đột nhiên đổ cơn mưa rào khiến tôi không kịp trở tay, thôi mặc kệ dầm mưa đi về.

Biết thế nào cũng sốt, chẳng hiểu tôi là người hay sinh vật gì mà dễ ốm dễ bệnh nhất trên thế gian này, nhớ hồi bé cái bệnh viện gần nhà cũng coi như là nhà, một năm tôi ở đó khoảng chục lần. Cứ mỗi lần có dịch sốt, dịch siêu vi, dịch cúm là lần nào cũng dính hết vào người, dù chẳng có tiếp xúc nhiều với người lạ mà vẫn bị, các bác sĩ nói sức đề kháng của tôi yếu hơn những đứa trẻ bình thường, mẹ lo lắng tẩm bổ cho không khác gì vỗ béo một con lợn sữa. Nhớ những lần mẹ lặn lội đi xa thật xa xin thầy cắt cho thang thuốc bổ để mang về chưng cơm cho con ăn, chắt chiu tiền dành dụm mua sữa mua trứng tẩm bổ, tôi thì ngán đến tận cổ nhưng lần nào đẩy sang cho mẹ ăn dùm mẹ cũng lắc đầu không ăn, "con ăn đi mẹ ăn rồi", vẫn là lời nói dối quen thuộc.

Tôi dường như bị ám ảnh mùi tinh dầu sả tẩy trùng khử uế trong bệnh viện, sáng nào thức dậy mà thấy sộc vào mũi thứ mùi này là coi như biết mình đã nhập viện rồi. Nhiều đứa trẻ khác sợ tiêm như sợ chó cắn, nhìn thấy mũi tiêm là la hét như cháy nhà, còn riêng tôi thì chẳng sợ gì hết, dù có hơi đau thật nhưng mà tôi quen rồi, bác sĩ tiêm thuốc rồi truyền nước cho đến nỗi nằm viện có một tuần mà đổi vị trí mũi kim truyền liên tục với lý do nhiều vết tiêm quá không nhận ra ven.

Mà cũng chẳng sao, tuổi thơ có hơi ám ảnh như thế mà khi lớn lại đỡ hơn rất nhiều, số lần đi viện ít đi, tôi dù cũng không quá khỏe mạnh vạm vỡ nhưng cũng không còn dễ cúm dễ ốm như trước. Thích nhất mỗi lần ốm mẹ lại làm cho món trứng ngải cứu ốp la với lá mít.

Nhà sẵn có một cây mít đại thụ to ơi là to, mẹ còn kể là cây mít ấy có ma, có thần giữ của, chẳng thế mà cây mít cho ra quả lạ lắm, năm nay mít ngon sơ ít múi dày ngọt thì chắc chắn năm sau múi mít lép xẹp, nhiều sơ, nhạt nhách. Mỗi lần làm món trứng ốp la là mẹ bước vài bước ra ngoài vườn hái một nắm rau ngải cứu, ngâm rửa cho thật sạch rồi thái nhỏ bỏ vào bát đã đập sẵn trứng, cho thêm vài ba hạt muối rồi hơ lá mít xuống chảo mà làm.

Tự dưng bây giờ ốm mới nhớ món trứng ấy của mẹ vô cùng!

Trúc buổi trưa có gọi điện hỏi tại sao không thấy đi làm, tôi chỉ trả lời là bị cảm xoàng nên xin nghỉ phép rồi ngủ li bì suốt cả ngày, đến tối giật mình dậy đói meo mà người vẫn cứ liêng biêng, tự gọi một phần đồ ăn nóng bằng dịch vụ Deli rồi nằm coi phim chờ. Tôi thật sự không thích sự quan tâm của người khác cho mình, hoặc có những lúc thèm một bàn tay đến sờ trán hỏi han bệnh tình ra sao, nấu cho một nồi cháo nóng hừng hực, chườm cho chiếc khăn lạnh nhưng rồi lại thấy phiền phức quá, phiền người ta chăm sóc quan tâm, phiền cả bản thân mình thấy vô tích sự đến chính bản thân mình còn không chăm lo được mà phải nhờ đến người khác. Những suy nghĩ cứ đối lập nhau trong cùng một cơ thể rồi chúng chẳng thèm đánh nhau mà chỉ lởn vởn qua nhau khiến đầu óc càng mụ mị.

Sốt đến ngày thứ ba, tôi ráng chạy xe đến công ty đi làm được nửa buổi thì xin nghỉ, hai mắt nóng bừng nhức mỏi còn đầu thì đau như búa bổ, để xe lại công ty rồi bắt taxi đến bệnh viện tư khám. Mẹ vẫn hay gọi điện hỏi thăm sức khỏe, cứ nói mãi là nếu thấy người có làm sao, ốm đau thế nào thì phải đi bệnh viện ngay chứ đừng cố gắng, sức thì đã không khỏe như người ta rồi nên phải ráng mà giữ gìn, không thì về già về sau này khổ lắm đó, tôi vẫn nhớ, ở có một mình đương nhiên phải lo cho bản thân mình thật tốt chỉ có điều nhiều khi làm biếng đến bác sĩ khám hay chủ quan uống vài viên thuốc là sẽ tự khỏi nên mới thành ra như vậy. Lần này thì đúng là mệt thật, thôi chẳng lười được nữa, chẳng dám đùa cợt với cơ thể nữa, phải đi bác sĩ thôi.

Ngồi chờ hơn hai tiếng đồng hồ đợi kết quả xét nghiệm máu và X-quang đầu bác sĩ kết luận bị rối loạn tuần hoàn do suy nhược cơ thể, thảo nào mà dạo gần đây tôi cứ mở mắt thức dậy tầm sáu giờ sáng bất chấp mọi thứ trong tuần, không cần báo thức hay gì cả, mặc dù tôi là người đã ngủ là ngủ khá sâu và thường phải đặt hai, ba cái báo thức mới có thể dậy nổi, có thể vì rối loạn tuần hoàn nên đồng hồ sinh học cũng bị ảnh hưởng luôn rồi. Cầm tờ giấy kết quả và vài ba viên thuốc bổ về nhà lòng lại thấy buồn buồn, buồn một cách bơ vơ tội nghiệp, lòng lại phát sinh ý nghĩ giá như không phải ở một mình mà có bố mẹ có gia đình ở bên cạnh những lúc mệt mỏi ốm đau thế này, mẹ sẽ chẳng bao giờ để tôi phải làm bất cứ việc gì mà chỉ bắt nằm yên ngoan ngoãn cơm bưng nước rót mặc dù vẫn luôn miệng mắng vì cái tội coi thường sức khỏe, còn bố chắc chắn sẽ mua về những món thật ngon rồi đích thân vào bếp để con trai tẩm bổ lại sức. Còn giờ hả, tôi tự mua một hộp cơm nhỏ như ngày thường đem về ráng nhai cho hết để lấy sức uống mấy viên thuốc rồi lại lăn ra đấy chẳng làm gì.

- Này, em còn bệnh không đấy?

Tuấn gõ cửa nói vọng vào, chắc Tuấn nghe được chuyện từ Trúc chứ tôi cũng có nói với ai mình bị bệnh đâu, lò dò ra mở cửa vừa mới nhìn thấy mặt là Tuấn đã hốt hoảng.

- Trời ơi gì mà hốc hác bơ phờ như thế này hả? rồi có uống thuốc chưa? Ăn uống gì chưa? Trong người thấy thế nào? Đã đi khám chưa vậy? hay là để anh chở đi khám coi sao nhé.

Anh ta vẫn bất diệt những câu hỏi cho người khác không trừ một ai, không trừ người đang bệnh.

Tôi lắc đầu tìm đến ghế sôfa rồi nằm xuống đấy trả lời hết tất cả các câu hỏi của anh hàng xóm rồi vớ lấy ly nước uống một hơi. Tuấn lại gần sờ trán tôi rồi sờ trán mình, quay qua phòng tắm rồi trở lại với chiếc khăn ướt đã gấp làm tư để lên trán tôi.

- Có thấy thèm món gì không để anh mua về nấu cho, hôm nay anh được nghỉ sớm mà cũng về nhà luôn chứ chưa có mua gì ăn cả.

- Em thèm nhiều thứ lắm, nhưng mà đều là mấy món mẹ em làm thôi…

- Thì cứ nói đi, anh không biết làm em chỉ anh làm.

Tôi cười, Tuấn vẫn đúng nghĩa một anh chàng vừa tốt bụng vừa khó hiểu vừa hỏi nhiều mà tôi đã từng thấy, anh quan tâm và chăm sóc mọi người xung quanh mình đôi khi từ những điều nhỏ nhặt nhất, anh quan tâm đến tôi như một đứa em của mình. Mà nhân tiện tôi cũng đã từng rất thèm muốn có anh em trong gia đình, nỗi khổ của kẻ con một như tôi ít người thấu hiểu, người ta luôn nói con một trong nhà thì cái gì cũng giành phần hết, mọi thứ tốt đẹp nhất thì cũng là của mình hết mà không hề nghĩ đến chuyện tất thảy mọi việc cũng đổ dồn vào hết một người, tôi cũng thèm khát lắm một người anh trai hay một đứa em trai làm bầu bạn, có thể chúng tôi tối ngày sẽ cãi nhau gây sự nhưng thà là như thế mà vẫn yêu thương nhau, san sẻ cho nhau mọi điều trong cuộc sống còn hơn là chỉ có một mình. Nhiều khi có những tâm sự mà không thể nào giãi bày với bố mẹ thì người anh em bao giờ cũng là người mình tìm đến để chia sẻ đầu tiên, thế mà tôi lại chẳng có ai ngoài bản thân mình, có những bí mật tôi không thể kể cho bất kỳ ai, những tâm sự không thể tìm đến bố mẹ, tất thảy mọi thứ đều phải tự mình giải quyết, tự mình an ủi chia sẻ với chính mình. Thế nên từ ngày có Tuấn, có Trúc, có Như, tôi cảm thấy họ như là anh chị em của mình, chia sẻ cùng chia sẻ, khó khăn cùng khó khăn, như là một gia đình.

Tuấn vừa đóng cửa đi mua đồ, tôi nói thèm món trứng ngải cứu ốp la, anh nói không còn gì dễ hơn món ấy rồi chạy đi liền, một mình trong phòng nhưng mà có điều từ giờ thì tôi đã không còn thấy cô đơn như trước nữa, ừ thì không phải là một người thân thích bên cạnh mình chăm sóc những lúc đau ốm, cũng chẳng phải là người mình yêu thương trao cả trái tim cho nửa cuộc đời còn lại, nhưng thế này là đủ, đủ cho một ngày bệnh tật đầy mình mà không cảm thấy cô độc và tự phải chăm sóc bản thân mình.

Bật tivi lên coi trong lúc chờ đợi rồi đi thay nước mát cho chiếc khăn, đầu tôi vẫn còn nóng quá, mà thật ra ngay cả khi cơ thể tôi bình thường nhất thì thân nhiệt vẫn cao hơn mọi người rồi, có những lần sốt cao đến 40 độ tôi vẫn chỉ cảm thấy hơi khó chịu và choáng đầu làm bác sĩ khám bệnh cũng khá bất ngờ, chị ấy nói bình thường trẻ con thân nhiệt cao hơn người lớn nên sốt tầm đó cũng không lo lắng chứ người lớn như chị mà 40 độ là chị ngất ra luôn rồi đấy, chắc cũng bởi thế nên tôi mới dễ thích nghi ở Sài Gòn, ở ngoài Bắc dù sống hơn hai mươi năm mà chưa mùa rét nào tôi chịu đựng được cả, thế mà mùa nóng thì nóng cỡ nào cũng chẳng thấy nhằm nhò gì. Ngày vào Sài Gòn mẹ lo lắng nhất là con mình có quen thời tiết không, có bị ngã nước không, có hợp đồ ăn không mà không biết rằng con của mẹ cái gì cũng hợp, cái gì cũng dễ sống, ở chưa đầy ba tháng mà tôi đã tăng lên ba, bốn ký.

Nằm chườm khăn được mấy hồi thì Tuấn về mở cửa, tay phải cầm bịch trứng, tay trái cầm một trái mít thật to, vừa cười vừa nói.

- Thấy anh thông minh chưa, đi khắp chợ kiếm ngải cứu đã khó như leo lên trời mà tìm lá mít còn khó hơn, loay hoay mãi định về nhà thì thấy có xe chở mít đi qua, năn nỉ mãi không xin được nên đành mua luôn một trái rồi tiện tay lấy hết lá mít còn sót lại đấy.

Thông minh cái nỗi gì cơ chứ, không có thì thôi chứ cách gì mà anh phải khổ sở vậy hả, tôi biết thừa cái món ấy thì dễ làm đấy mà nguyên liệu trong này đâu có sẵn như ngoài Bắc đâu, miệng cứ vu vơ nói không suy nghĩ chứ nào ai ngờ anh lại cất công tìm đến vậy. Tuấn nhanh chóng để trái mít sang một bên rồi bắt tay sơ chế ngải cứu làm đồ ăn cho tôi.

- Em nói đi, làm như thế nào, chỉ cho anh từng bước một rồi anh sẽ làm.

Tôi tự dưng bật cười, gã hàng xóm này quả thật tận tâm với mình.

- Anh rửa sạch ngải cứu rồi ngâm với nước muối loãng một xíu đi, mẹ tôi bảo làm vậy thì thuốc sâu mới ra hết được, rồi sau đấy vẩy ráo nước cắt nhỏ thật nhỏ để sang một bên là được, tiếp đến anh đập trứng vào tô nêm ít muối hoặc mắm cũng được…

- Từ từ thôi anh còn chưa thái xong ngải cứu nữa, mà em muốn thái vừa ăn hay nhỏ thật nhỏ?

- Anh hỏi để làm gì?

- Thì để làm cho nhanh.

- Anh lười thì có.

- Ừ.

Rồi cả hai lại cùng cười, dưới ánh đèn phòng bếp anh hàng xóm mà tôi biết hiện ra lại với một hình hài thật khác, bảnh hơn, xịn hơn, ngầu hơn, đảm đang hơn, soái hơn bình thường gấp một trăm một ngàn lần.

- Rồi xong thì anh bỏ ngải cứu vào tô chung với trứng đánh đều lên, tiếp nữa là bật bếp để lửa nhỏ thật nhỏ, anh đừng cho dầu vào nhé, rồi đặt lá mít kín chảo luôn, sau đấy thì đổ trứng vào đợi cho trứng săn lại thì đặt nốt lá mít lên trên mặt và dùng xẻng lật trứng lại cho nó chín cả hai bên, thơm rồi đấy, chắc sắp được rồi, anh căn chuẩn nhé không lại cháy mất, rồi được rồi đấy, nghe mùi bắt đầu cháy rồi, tắt bếp tắt bếp liền đi…

Thời gian đánh lộn với món ăn cuối cùng cũng hoàn tất, Tuấn bày ra đĩa với toàn bộ sự chân thành của anh, tôi biết, mặc dù nó có hơi chút cháy nhưng chấp nhận được vì anh còn chưa quen cách làm. Tự tay sắn một miếng trứng thơm lừng bỏ vào miệng nhai, vị đắng ban đầu của ngải cứu quyện với cái xốp tơi mặn mà của trứng, chừng ba giây sau thì vị ngọt cuối cùng cũng lan tỏa khắp khoang miệng, món trứng này đặc biệt chính là ở chỗ dậy lên mùi lá mít thơm ngai ngái át sạch đi mùi tanh của trứng, đương nhiên là khi ăn nếu muốn vẫn có thể ăn được cả lá mít giòn giòn. Tôi gắp thêm miếng nữa chìa ra trước mặt Tuấn cho anh thưởng thức thành quả của mình.

- Hừm, có vẻ lần đầu mà làm được như vậy cũng đáng khen rồi đấy nhỉ, đã ngon bằng mẹ em làm hay là chưa?

Tôi cười gật đầu, đương nhiên là không thể ngon bằng mẹ làm được, nhưng mà với một người như anh thì du di cho điểm cũng mấp mé được gần bằng của mẹ, mặc dù có hơi chút thiên vị người ta.

- Bữa nào dẫn anh đi ăn mấy món Bắc để trả ơn nhé.

Tuấn lắc đầu.

- Anh không thích ăn hàng lắm, em tự nấu thì được, bữa nào rủ cả Trúc và Như làm một đại tiệc món Bắc đi, à để anh nhắn tin rủ luôn cho nóng.

Nói rồi anh rút điện thoại ra nhắn vào nhóm "Những người hàng xóm" liền, tiếng báo có tin nhắn cứ rung liên hồi dưới chiếc điện thoại của tôi, chắc là mọi người cũng hào hứng lắm nên mới nói chuyện nhiều đến vậy, tôi không đọc vội mà từ từ thưởng thức món ăn ngon nhất trước đã. Hai chúng tôi cứ thế cười nói thưởng thức hết đĩa thức ăn ngon nhất hành tinh. Mải nói chuyện nhìn đồng hồ mới thấy gần mười giờ tối, cũng chẳng biết chúng tôi đã nói những gì mà lâu được đến thế, Tuấn đứng dậy thu chén đĩa đi rửa cẩn thận rồi thay khăn ướt cho tôi mới rời khỏi phòng đi về, có nhiều khi tôi nghĩ mình thật tệ bạc với anh ta, mặc anh ấy tận tình chăm sóc lo lắng quan tâm, còn mình thì cứ thờ ơ lạnh nhạt, đến cả cách xưng hô cũng chưa bao giờ xưng em gọi anh mà luôn là anh với tôi. Mà cũng có thể, tôi vẫn giữ một khoảng cách nào đấy với anh – người hàng xóm ngàn lần tốt bụng, để không cho phép mình vượt quá một giới hạn tình cảm nào đó hơn mức "gia đình".

Đêm nay chắc sẽ ngủ ngon vì tác dụng của ngải cứu, vì đầu cũng đã hạ nhiệt hơn, vì những câu chuyện cười Tuấn kể, vì khá nhiều những thứ không thể gọi thành tên. Nhưng thôi không sao, dù gì đi nữa thì tôi đã cảm thấy mình khỏe hơn, muốn ngủ một giấc thật ngon rồi ngày mai thức dậy mọi thứ lại trở về bình thường, những ngày tháng nối tiếp vẫn còn dài mà tôi thì không muốn mãi chôn chân ở nhà cho những khi bệnh tật.

Hoặc là khi ngày mai thức dậy, thấy mình nằm không phải là ở trên chiếc giường quen thuộc nữa, nhìn ra ngoài kia trời xanh thật khác và nhìn trong gương không nhận ra mình là ai, mình đang sống ở kiếp nào, mình đã chết hay là chưa. Thật thú vị và muốn đi ngủ liền ngay lập tức!

CÔNG THỨC

TRỨNG NGẢI CỨU ỐP LA

Nguyên liệu:

- Trứng 2 quả, ngải cứu một nắm, tiêu, gia vị, lá mít 6,7 lá.

Cách chế biến:

- Ngải cứu rửa sạch để ráo nước, sau đó thái thật nhỏ đem bỏ vào tô

- Trứng đập vào tô thêm bột nêm, gia vị, tiêu, sau đó trộn chung với ngải cứu, đánh lên cho đều.

- Lá mít để kín mặt chảo, để lửa nhỏ rồi đổ hỗn hợp trứng vào chảo, đợi đến khi mặt dưới săn lại thì đảo mặt trên xuống cho trứng chín đều.

- Khi nào trứng chín tơi và lá mít vàng giòn là có thể ăn được.

Chúc các bạn ngon miệng.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz