ZingTruyen.Xyz

Nomin Mong Nua Doi

Dẫu gì thì dẫu, trên quan trường nói chung thì phụ thân gã cũng thua lão già này vài ba bậc, cứ gân cổ múa mồm miết kiểu gì thiệt thòi cũng rước về phủ Thiếu sư. Nghĩ thế, gã khua khua tay, nhoẻn ra một nụ cười mà rằng.

- Nào có. Thế hoá ra hai Dân và cậu Cống sĩ đây là học trò của quan ạ?

Lọt tai mấy lời lẽ không đúng lắm, cậu Dân định lên tiếng phủ nhận ngay, thế nhưng khi bắt gặp ánh mắt của cậu Lý đảo qua chặn lại, cậu bèn mím môi không dám nhiễu sự.

Quan lớn với con trai Thiếu sư lời qua tiếng lại đôi ba câu, toàn là những lời chào hỏi hết sức bài bản khuôn phép. Xong chuyện rồi ai lo bên ấy, ông con tức bực quành về chỗ cũ phe phẩy nghe người ta tụng, ông lớn thì gọi riêng hai thằng trò ra một góc tâm tình.

- Chết dở. Bận này trên kinh đang loạn lạc lắm, e là phải nghỉ chân ở đây hết vụ lúa này. Bây tính coi sao, lão xây riêng cái dinh để bây tiện đường mài chữ được không?

La Tại Dân nghe quan nói xong mà mặt mày xanh mét, nhủ rằng mình thành trò của người ta từ khi nào chẳng rõ.

- Quan có nhầm nhỡ gì phải không ạ?

- Hầy, nhầm nhò gì đâu mà. Bu bây hứa rồi, giờ thất lời đừng trách sao lão bạc tình.

Nếu như ai đó hỏi, rằng La Tại Dân có sợ cái "bạc tình" của lão quan không?

Có!

Sự đời nhiều lẽ, nhưng mà cậu Dân đâu có ngờ được vị tai to mặt lớn như đây lại chọn lựa hạ sách để bắt bằng được mình về mái chòi kinh sách. Với cái lẽ ngược thiên này, e là quan lớn chả ngán sự chi dẫu cho có là thứ mà chẳng ai tưởng nổi.

Đợi đến khi quan lớn đã vuốt râu cười hề hề tiến đến thăm hỏi bà con, La Tại Dân xụ mặt, thở một hơi rõ dài.

- Tui khổ quá mà!

Lý Đế Nỗ cạnh bên nín cười, nhưng nói thì dễ chứ làm thì khó, đặc biệt là cái người này đây bấy giờ trông thảm không tả nổi. Hắn mím môi hồi lâu, chốc sau không nhịn được bèn chống tay lên thân cây cười nghiêng ngả.

Nửa phần vì thương phận người ta thảm, nửa phần còn lại tự dưng thấy hơi sương sướng.

./.

Lúc rải phát xong xuôi gạo thóc tiền vàng thì cũng bận giữa trưa, bà La hãy chưa vui hết cái vui nở mặt thì lại ẵm thêm cái vui to nữa.

Sướng! Sướng không đâu hết sướng! Khi mà chiễm chệ bàn chuyện với quan lớn ngay trước mặt của mụ Lý. Bà La một mắt trông quan theo phép lịch sự, mắt còn lại ráo qua bên nọ mang đôi phần hả hê.

- Bẩm quan thế thì còn chi bằng nữa ạ. Còn vấn đề xây lớp thì quan hãy yên tâm, nhà tôi có quen vài thợ ở huyện trên chuyên nghiệp lắm. Gọi cái là ơi, nháy mắt là có.

Cậu Dân nghe bu chém mà ngại chẳng biết chôn mặt nơi đâu, cứ cúi đầu suốt. Cậu Lý bên kia thì mải trông về phía này, cho đến tận khi người ta ngẩng đầu lên đối mắt mới giật mình giả đò láo qua hướng khác.

Dân làng bảo phận hai Dân nhà họ La may mắn, thi rớt mà cũng chiếm được cái hời trời ban. Mấy bà dì ngày trước hay ngồi ở sân đình buôn lê áp lên cậu Dân tiếng xấu, giờ phút này thì tâng bốc vốn như bản thân mình chưa từng hé miệng.

- Hỡi ơi cậu hai Dân là giỏi lắm đó nhen, xưa nay giấu nghề hử cậu?

- Từ bận cậu về là tôi đã biết cậu thấy cái đề thi năm ấy chán rồi chứ nào có chuyện cậu làm không nổi!

Đối diện với vòng vây ca tụng ấy La Tại Dân chỉ biết cười gượng, nhỡ đâu mở miệng thì lại tuôn ra thành vầy.

Hồi đó mấy người đâu có nói như vậy. Hồi đó mấy người chửi tui ngu!

Trời nóng nực cộng thêm cười mãi thì hàm cũng mỏi, cậu Dân muốn thẳng chân lao xuống ao cá để thoát khỏi chốn này luôn cho rồi. Nhưng cuối cùng có lẽ bề trên thương xót, ban xuống cho cậu một vị cứu tinh đang nức danh khắp vùng.

Lý Đế Nỗ sải chân đi đến cái nơi mà mình vốn chưa từng rời mắt, tay phe phẩy cây quạt mo, nụ cười trên môi vẫn luôn chớm nở.

- Chỗ nọ còn một ít thóc đong dư, bà con lại coi xem sao.

Buôn chuyện mà ra được cái ăn thì hay, ấy nhưng làm gì có chuyện đó đâu. Bởi thế nên khi nghe cậu cả Lý nói xong mấy cô dì cũng chen chân nhau lĩnh phúc, tha cho tấm phận bé nhỏ đương phất thời của La Tại Dân.

Lý Đế Nỗ đứng bên người nọ, không nói gì. Chuyện ngày trước vẫn còn để lại trong lòng cả hai người những bề bộn khó nói. Nhưng mà cái gọi là hành động vô tri, lúc này đây lại bỗng xuất hiện để kéo gần khoảng cách.

La Tại Dân nhận thấy bên gò má man mát, khẽ nghiêng đầu trông sang. Khác hẳn với cậu Dân biếng nhác còn có hơi dè dặt, khí thế của Cống sĩ dĩ nhiên toát rõ, Lý Đế Nỗ lập tức cất giọng bày giãi:

- Thấy anh nóng.

- Cảm ơn cậu. Vì miếng gió và cả chuyện vừa nãy.

Quả thật Lý Đế Nỗ muốn hỏi, rằng rốt cuộc tại sao vị anh rể kia lại hành động như thế với cậu Dân? Mà tâm tư người này vốn kín bưng không một kẽ hở, cũng ôm cho mình những nỗi niềm riêng biệt, nghĩ ngợi đôi chút hắn bèn quyết định nhấn xuống tò mò.

./.

La Linh bận này về quê chơi khá lâu, La Tại Dân chẳng rõ rốt cuộc vị nào đó trên kinh có đang lăm le gì ở nơi đây hay không. Có đôi lần cậu muốn thăm hỏi chị gái, nhưng đều bị thằng ô quan vác trên mình cái danh anh rể chen chân vào.

La Tại Dân ngồi bên con đê nhỏ, theo thói quen ngậm cọng cỏ dại, tỉ tê với thằng Đông.

- Cả chuyện duyên diếc rồi cả chuyện học hành, đều chẳng giải quyết xong.

Đông ban đầu cũng não lòng thay cho thằng bạn, nhưng mà ngẫm ngẫm thì tự dưng đổi suy nghĩ. Nó quay sang thật thà nói:

- Ủa, tưởng vậy là xong hết rồi chớ?

- Xong cái gì mà xong! Mày nói nghe coi xong chỗ nào?

Đông ngẩng đầu lên nhìn trời, đáp:

- Thì duyên tan rồi, xong. Còn cái vụ trở thành học trò lão quan tao thấy cũng hay ho mà, đằng nào mày chả phải thế.

- Nói như mày! - Cậu Dân thò tay xuống nước, vẩy thẳng lên mặt thằng bạn khó ưa.

Đông nói xong thấy mình chí lí nên cười hề hề, còn bồi thêm mấy chữ.

- Đúng ý hay sai ý thì cũng đều là kết quả mà. Dân nhể?

- Nhể nhể con trâu!

Dạo gần đây họ La họ Lý do bởi có cùng mục đích mài chữ cho con trai nên phối hợp với ông quan nọ hơi bị ưng ý. Nhà chị xây ngói nhà tôi đắp tường, nom cứ tưởng đâu thân thiết lắm. Vì lẽ đó mà hai cậu cũng nhẹ nhõm hẳn cả người, mỗi đợt gặp nhau ở dinh quan lớn xem xét tình hình chẳng còn phải e dè với bậc thân sinh.

Đông sau khi nghe tin Lý Đế Nỗ chơi thằng bạn thân mình một vố thì lúc nào gặp hắn cũng xù lông. Mới từ đằng xa trông thấy dáng vóc đạo mạo kia đã liền khều hai Dân mách nhỏ.

- Ê ê giai đểu tới.

La Tại Dân phì cười, nhủ thầm rằng người ta cũng đâu đến mức ấy.

Mà cái danh "giai đểu" của thằng Đông hơi bị có lí. Tiếc là đến mãi lúc này cậu Dân mới chợt nhận ra.

- Anh ăn đi. - Lý Đế Nỗ đưa qua miếng bánh, trông sơ là biết bánh từ hàng của cụ Tư Sinh.

La Tại Dân ngẫm lại mọi chuyện vẫn còn thấy thốn, nào dám cầm đâu.

- Không ăn đâu.

- Ăn đi. Tôi nghe bụng anh kêu ọt ọt.

- Nán tí nữa tôi về dùng bữa với bu luôn.

Lý Đế Nỗ xem chừng hết cách, mà vốn việc này đã chẳng mang nghĩa lí gì để hắn đặt vào tâm tư. Đúng lúc định thu tay về mặc kệ rồi thì tầm mắt lại vô thức đảo qua cái thân hình mảnh dẻ ấy, ma xui quỷ khiến thế nào bèn liên hệ thẳng đến hôm cậu Dân bị thằng anh rể khống chế. Cậu Lý quyết định dùng mưu bẩn.

- Anh không ăn đúng không?

- Hử? - La Tại Dân ngơ ngác nhìn người nọ.

- Được rồi. Tôi đi rêu rao chuyện hôm bữa.

La Tại Dân tròn mắt rõ to, nghĩ mãi mà chẳng ra chuyện mà người kia muốn réo.

- Chuyện chi cơ?

- Chuyện anh nhảy tọt vào lòng tôi ở bìa rừng.

- Cậu bồng tôi mà!

- Chẳng nhớ. Chẳng biết.

Cậu Dân bị chọc cười bởi cái thói trẻ con, nhưng rồi không muốn người ta rỗi công vô ích, cậu nhận lấy miếng bánh đưa lên miệng gặm. Nhai nhai xong còn nói đểu.

- Dạ thưa Cống sĩ, phiền ngài kín miệng giùm tôi.

Vốn nghĩ chuyện mà Lý Đế Nỗ nhắc đến là chuyện liên quan đến cụ ông đợt trước, La Tại Dân chẳng ngờ hắn thật sự lơ đi. Cậu trông qua cả Lý, bất chợt thấy lòng nao nao.

Thằng Đông bận nãy đã về nhà chạy việc cho ba chị của nó, giờ đây bầu bạn với cậu Dân chỉ còn mỗi vị "giai đểu" Cống sĩ.

Dinh cũng coi như là sắp xong nền móng, bình thường chỉ có hai nhà họ La họ Lý luân phiên trông ngóng, hôm nay quan lớn đặc biệt tới đây xem xét, còn dẫn theo cả con gái.

Vị tiểu thư dáng dấp đoan thục, dường như là càng ngày càng kiều diễm hơn. La Tại Dân trộm nghĩ thằng Đông mà có mặt lúc này không chừng nước bọt chảy dài thành đê mất.

Nghe đâu nàng hiểu biết hơn người, chốc chốc hết ngó bên này lại ngóng sang bên kia, hệt như một vị sõi nghề chính thống. Mọi chuyện sẽ chẳng đến mức bàng hoàng nếu như mớ hỗn độn trên cao không rơi từ trên mái xuống, rồi trùng hợp đáp thẳng lên vóc người mảnh mai như hạc.

Ai nấy cũng đều rùng mình, lo rằng tiểu thư bận này lành lắm cũng bể đầu mẻ trán cho coi. Thế mà chỉ vài khắc sau, tiểu như chẳng những không sứt mẻ gì mà còn chiễm chệ gói trong lòng chàng trai nàng vốn ôm tình.

La Tại Dân quả thật ban đầu chỉ hành động theo phản xạ, xong rồi lại nghĩ đến đám thợ này là do bu mình hô qua, nhanh chân lẹ tay chạy đến gánh hoạ. Vì bởi tốc độ cậu khá nhanh nên gần như tránh khỏi, chỉ là lúc cứu nàng vết sẹo cũ bị va đập, có hơi ran rát.

Cứu người xong cậu Dân lê ra đất thở, hồi sau mới ý thức được cơn đau đang dần xâu xé. Phận cậu so với con quan thì bằng thế nào, vậy nên xong sự người người ùa đến vây lấy tiểu thư, thăm hỏi thị đã rồi thì may ra cậu mới tới lượt.

Nhưng khi La Tại Dân vừa chống người ngồi dậy, trông thấy Lý Đế Nỗ đã khuỵ xuống cạnh bên từ lúc nào. Cậu Dân nom thấy đôi mày hắn hơi đanh lại, sau cùng vươn tay dứt khoát kéo ống áo cậu lên xem xét vết thương.

- Không sao đâu mà. - Cậu Dân mỉm cười nói.

Lý Đế Nỗ nhìn cậu lâu rất lâu, rồi bỗng dưng hắn luồn tay ra sau bế phốc cậu Dân lên, thẳng thừng xoay người sải bước. Còn chẳng cần mặt mũi mà rằng.

- Anh lại nhảy tọt vào lòng tôi nữa.

La Tại Dân nghẹn, nhưng mà bảo cậu la thì cậu không dám. Trộm nghĩ nhỡ ai trông thấy tình cảnh lúc này chắc hẳn cậu có thể vẹn thành ước nguyện nhảy ao luôn mất!

Khác cái là bị người ta quăng xuống!

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz