Nhung Mau Truyen Roi Rac
nắng trời, mật bơ, hoa cúc
họ bảo em giống thế.
•
sau trường, em ngồi trên ụ bơm nước bằng xi măng, mắt đỏ, tay dụi, tóc vàng hoe, trường tôi không cho nhuộm tóc.
giáo viên nhờ tôi đưa em giấy đình chỉ vì sau khi đánh nhau với bạn cùng lớp em bỏ đi về luôn, không thèm thanh minh hay hoà giải, ai cũng tưởng em đã về.
"của em."
tôi đặt tờ giấy bên cạnh, đút tay vào túi áo khoác chờ cho đến khi em bình tĩnh lại để trả lời. em khá nổi tiếng trong trường vì cả trường chỉ có cái đầu em khác màu mà như giáo viên hay than với bọn tôi, em khăng khăng nói nó là màu tự nhiên mặc dù bố mẹ em đều tóc đen. nhà trường có nhắc gia đình vài lần, chẳng có gì thay đổi.
đối với người của hội học sinh là tôi, thành thật mà nói thì tôi cũng ngứa cái đầu em lâu rồi nhưng tới gia đình em còn không cản thì một đứa nào đó như tôi cũng không làm gì được.
phải lâu lắc sau em mới thôi khóc để nhìn thấy tôi đang đối diện với cái đầu gối của em, nhìn em không mấy ngạc nhiên.
"cảm ơn."
"nếu có lần sau nữa thì em sẽ bị đuổi học đấy."
em làm bộ không nghe, nhét tờ giấy vào cặp rồi nhảy xuống. cho dù không ngồi trên đó thì em vẫn cao hơn tôi nhiều, đẹp nữa.
"em không nhuộm tóc."
em khẳng định chắc nịch với tôi, giáo viên cố vấn đã dặn tôi đừng để sự chân thành giả tạo đó lừa nhưng tôi thật sự chẳng nhìn ra điểm dối trá nào cả.
"và?"
"em cũng bị đánh."
em giơ cánh tay sứt sẹo lên cho tôi coi, cả hai cánh tay đều đầy vết cấu cắn.
"vậy tại sao không xuống phòng giáo vụ?"
"nhà trường có bao giờ tin em đâu."
"vì em không đáng tin."
em nhún vai như thể đã quen với câu đó rồi, xách cặp đi ngược với cổng trường, tôi đã nghĩ đó là đoạn hội thoại cuối cùng của hai đứa.
•
tầm chín giờ tối bạn tôi mời tôi thích cái trang tên "nắng trời, mật bơ, hoa cúc" trên facebook, kể ra cũng ngạc nhiên vì đó giờ nó biết tôi không quan tâm đến văn chương cho lắm. nó nói đó không phải trang liên quan gì đến văn học hết.
"vậy chứ là gì?"
tôi với nó đang gọi điện.
"biết con bé tóc vàng không?"
"ai mà không biết nó?"
"ừ. coi vậy chứ nhiều người ghét nó lắm. người ta lập trang chửi nó tùm lum hết."
"ghét mà đặt cái tên hay thế?"
"thì nắng trời với mật bơ là màu tóc nó, hoa cúc là hoa đám tang còn gì? đặt thế để giáo viên không biết đấy."
"ghét mà cũng công phu ghê nhỉ."
"vào đọc đi, tụi nó chửi nhau chí choé trên đó, con bé một mình nó đấu với một nghìn người lận."
tôi ậm ừ cho qua rồi cúp máy, mắt dán vào chữ mật bơ, con bé cho tôi cảm giác ngọt như thế. cuối cùng tôi quyết định thích trang và mò vào đọc vài bài. cái tên trang thì hay nhưng bài đăng nào hầu như cũng chỉ xoay quanh chủ đề về cái mái tóc đó, cách nó khiến cả lớp năm nào cũng chót khối, cách nó làm giáo viên phân tâm, cách nó làm cả lớp bị vạ lây hay tiêu biểu là trận đánh nhau vừa rồi làm con cưng của hiệu trưởng mẻ trán nên cả khối bị phạt vì không ai đứng ra can.
tài khoản con bé nổi nhất trong đám vì có một mình nó tự bênh chính mình, lần nào nó cũng thua nhưng nó luôn có mặt trên từng bài viết, luôn mở đầu bằng câu "tôi không nhuộm tóc." mặc dù gen gia đình thuần á.
tôi quay lại với đám bài tập của mình, quên nó đi trong chốc lát.
•
một tháng vắng bóng nó làm mọi người thanh thản hơn nhiều, giáo viên cố vấn cũng không làm phiền hội học sinh vào giờ nghỉ trưa nữa, giờ thì tất cả mọi người đều gọi nó là nắng trời, hoặc mật bơ, hoặc hoa cúc, cái cuối thông dụng hơn.
tôi bật cười khi nhận ra vấn đề của mọi người trong trường thế này. một số đứa nghe người ta truyền miệng về nó liền tin ngay lập tức rồi đi kể cho người khác nghe, một đám bắt đầu ghét nó.
một số người khác nghĩ mình đặc biệt, ảo tưởng hoặc hội chứng tuổi teen gì đó nghĩ là mình có thể cảm hoá nó rồi trở thành nhân vật chính, thế là giả bộ làm thân, cuối cùng mật bơ biết và đanh đá vặn họng nó một cách thẳng thừng.
tóm lại là cả hai phe không ai ưa nó hết, giáo viên với hội học sinh càng không, hầu như cả trường chưa ai nói chuyện với nó quá hai câu trừ cô y tá, nếu dễ dãi thì cả tôi nữa mà tôi chẳng lấy đó làm vinh hạnh.
trường tôi thuộc hàng top, danh tiếng lớn nên mỗi lần đề cập đến chuyện đuổi học đều ngập ngừng, vụ cái đầu nó cũng kín như bưng.
vậy nên chuyện nó nghỉ học thêm một tháng nữa khiến hiệu trưởng lo sốt vó.
ông giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đùn cho hội học sinh, hội học sinh đẩy cho tôi vì có lần tôi đưa nó giấy đình chỉ. chẳng ai muốn dây vào rắc rối hết. đáng lẽ tôi cũng sẽ từ chối nếu hiệu trưởng không đề nghị thêm một suất học bổng, tôi đành miễn cưỡng đồng ý, lạc nửa ngày mới tới nhà nó.
nó ở tuốt trong con hẻm cách trường mười hai cây số, căn nhà nằm gần cuối ngõ, ọp ẹp, bán mấy bó bông cũ mèm. nó không ngạc nhiên xíu nào khi lại thấy tôi đứng trước mặt, vẫn giọng è è.
"học bổng à? cái nhà trường trả để kêu em đi học lại ấy."
tôi đoán đây không phải lần đầu tiên nó nghỉ ngang vậy.
"phải. biết rồi thì đi học đi."
"sao tôi phải đi học vì học bổng của chị?"
"cho em chứ. học bổng là một phần thôi."
thật ra là tôi chẳng nghĩ gì đến tương lai nó hết.
"về đi. mẹ em sắp về rồi."
"vậy càng tốt. chị sẽ nói chuyện này với mẹ em."
em im lặng một lúc, thở dài rồi mời tôi vào nhà, gọi là nhà cũng không hẳn, giống một căn phòng có thêm hai phòng phụ hơn.
"chào mừng đến với cái ổ không ai dám vào mà phải đẩy cho chị.
chút nữa nếu mình thảo luận chưa xong về cái trường đó mà mẹ em về thì làm ơn chui vô cái tủ kia ngồi im trong đó giùm em."
"nếu không thì sao?"
"thì bây giờ em sẽ gọi công an tống chị ra khỏi đây trước khi nói chuyện."
tôi không muốn rắc rối nên đồng ý. em đưa tôi ly nước lọc, thứ duy nhất có thể đãi khách được.
"tại sao em nghỉ?"
"chuyện dài đấy."
tiếng khoá cửa vang lên lạch cạch, em lôi tôi vào cái tủ đó rồi khoá cửa lại trước khi tôi kịp phản ứng. em thì thầm qua lỗ khoá mấy lời doạ nạt.
"con em à?"
"không. cháu em. nó mới đến chơi."
qua cái lỗ trên cửa tôi thấy em xiết nắm đấm lại.
"lấy nước ra đây."
tim tôi hẫng một nhịp. hai ly nước trên bàn còn nguyên.
"cháu biết nên đã lấy sẵn rồi."
thôi thở phào.
"vào phòng chơi đi."
em liếc qua chỗ tôi rồi bỏ vào phòng, để tôi gần như nín thở trong cái tủ coi hai người kia âu yếm nhau cả buổi trời, cuộc viếng thăm tồi tệ nhất mà tôi có từ trước đến nay.
chờ cho đến khi mẹ em cùng ông ta lại đi đâu mất em mới ra mở tủ cho tôi, lần này trông em mệt mỏi và tôi cũng thôi tỏ thái độ thờ ơ.
"mẹ và bố em à?"
"một nửa thôi."
em nhún vai, bảo tôi đi về trước khi hai người kia lại về.
"em sẽ đi học chứ?"
"không."
em đóng sập cửa, tôi đành phải bỏ về.
•
tôi lại vào nắng trời, mật bơ, hoa cúc xem, lần này chúng nó đưa ảnh bố mẹ em lên, bảo rằng có ai tóc đen mà lại đẻ ra một đứa tóc vàng, theo như tôi thấy thì cái ông trong ảnh không phải ông ban chiều. ở dưới bình luận lại có ảnh mẹ em với người khác, nhiều đứa trong trường bắt đầu xả hết một đống ảnh ở dưới phần bình luận, mỗi đứa một kiểu nhưng chẳng ai giống ai.
cái bài đăng bắt đầu nổi lên, giờ thì cả trường đều biết đến nó.
tôi chờ cả đêm chẳng thấy em bình luận chống trả.
•
sáng chủ nhật tôi lại đến tìm em, trông em xơ xác hẳn ra, tóc tai bù xù còn mắt thì sưng húp.
"chị học giỏi không?"
"có."
"chỉ bài tôi đi rồi tôi đi học lại."
"sao đột nhiên thế?"
"chuyện dài lắm."
tôi vào phòng em, căn phòng thật sự là chỉ có cái giường với sách. quần áo em gấp để ở một góc giường, cái giường đặt tấm gỗ lên thành bàn.
"đừng ngạc nhiên quá."
"tôi tưởng học sinh nghèo thì nên vượt khó."
"ý chị muốn nói cái khó nào?"
tôi nhún vai, ngồi vào chỗ có vẻ là bàn. con bé đang học kiến thức của lớp trên, tức là nó đang học bằng tôi.
"em đúp lớp à?"
"em có căn cước đấy."
tôi từ chối uống nước nhà nó, một lần là quá đủ.
"mai mẹ em mới về."
chúng tôi im lặng học bài, thật ra nó học rất giỏi, giỏi hơn cả tôi nhưng nó biết tôi sẽ cảm thấy nhục nhã nên cũng chẳng động tới đám bài tập khó, chỉ quanh quẩn chỗ lí thuyết.
"cảm ơn nhé. chị chẳng giúp được nhiều lắm."
nói thật thì tôi khá là xấu hổ. bỏ qua chuyện đó, nếu mai nó đi học thì tôi có học bổng, vậy là xong.
"chị xin giáo viên cho em học lớp chị được không?"
"không."
"vậy em không đi học đâu."
"em đã hứa rồi mà."
mật bơ bật cười, trông nó như đang đá đểu tôi.
"hai năm trước mẹ em nói đó sẽ là lần cuối. chị ngồi ở phòng này ba tiếng đồng hồ rồi mà vẫn vậy à?"
vấn đề về niềm tin: bằng chứng đầu tiên chống đối xã hội. mẹ kiếp cái học bổng chó chết.
•
thế là nó ngang nhiên ngồi kế tôi trong lớp trước mấy cặp mắt khó chịu của đám bạn, tôi phải đi thanh minh với từng người đây là trách nhiệm của tôi, vụ mang nó đi học lại. tôi cứ hy vọng nó sẽ bị áp lực trường lớp rồi về lớp cũ nhưng mật bơ vẫn ngồi lì ở đó suốt hai tháng, thầy cô tìm cách cho nó sợ hãi với kiến thức lớp trên và điều đó khá vô nghĩa. duy chỉ có cô dạy môn ngữ văn thích nó, thành ra lớp tôi không ưa luôn cổ.
bà cô ngữ văn hay gọi nó lên bảng để phân tích mấy vấn đề xã hội cao siêu, bà sẽ cộng một đống điểm cho nó, điểm văn nó cao nhất lớp tôi. nếu nói thiên vị thì cũng không phải, tại chỉ có một mình nó biết làm, nhưng bà ta nên cho đề dễ hơn.
sự kiện nó học nhảy cóc vượt qua mong đợi của toàn trường, nhất là hiệu trưởng. ông ta bắt đầu điều tra về nó, nêu gương nó, lấy gia thế nghèo khố rách áo ôm để tuyên dương, nắng trời mật bơ hoa cúc giờ chỉ còn lèo tèo vài ba người thích, cái trường xoay một trăm tám mươi độ. nếu nó không ngăn ông hiệu trưởng lại bằng cách đe doạ nghỉ học thì ổng đã mời phóng viên về phỏng vấn, chẳng còn ai nhớ tới đám tóc vàng kia.
tôi luôn tự hỏi tại sao nó không làm vậy từ đầu mà phải đợi đến bây giờ mới làm thì ngay tuần sau đã có câu trả lời.
•
cả ban giám hiệu nhà trường chen nhau trong ngôi nhà chật ních để chia buồn cùng gia đình, sau đó mới chung tay gom tiền đưa đám tang mẹ em qua nhà tang lễ, chi phí đều do nhà trường lo hết.
mẹ em bị xe tải cán ngang qua người trong lúc đi từ khách sạn về nhà. mới đầu nghe tôi cũng bất ngờ lắm, đang lo lắng không biết nên an ủi em thế nào, vậy mà trông em dửng dưng đến lạ. ông hiệu trưởng bảo đó là do bất ngờ quá nên em hơi xuất hồn gì đó nhưng theo tôi thấy thì nó vẫn rất tỉnh.
"không buồn à?""không ai hỏi tang gia câu đó đâu.""trông em không giống tang gia lắm.""vậy sao?"nó bỏ cái quan tài một mình ở đó, đi ra máy bán nước mua hai lon cà phê, đưa tôi một lon. giờ tôi mới để ý bọng mắt nó thâm quầng."chừng nào họ về hết?"em đá mắt về chỗ đám người của trường."tầm chiều tối.""sắp rồi. có phải mẹ của họ đâu, sao lại buồn thế nhỉ?""chia buồn thì đâu có làm mặt tươi tỉnh được.""đám tang em nếu chị có dự thì làm ơn cười lên giùm. em sẽ ói trên thuyền sang sông nếu thấy cái mặt giả bộ đó của chị mất."tôi không đáp, chỉ mở lon cà phê uống chung với nó. vị ngòn ngọt đăng đắng khuấy trong miệng, cổ họng chát chúa. tôi không tưởng tượng được đám tang của mẹ mình sẽ thế nào, vậy mà con bé đang làm chủ tang của mẹ nó, và nói luôn về ngày chết của nó. đột nhiên tôi thấy bản thân mình ngày trước có lỗi vô cùng."em sẽ đi học lại, nếu đó là điều chị thắc mắc.""không. chị hỏi điều này được không?""quý hóa quá.""cảm giác mất mẹ thế nào?"em im lặng, để lon cà phê xuống đất, nhìn đăm đăm cái quan tài một hồi rồi quay qua tôi, bỗng chốc tôi không còn thấy mái tóc vàng hợp với nó nữa."nếu gọi bà ấy là mẹ, thì em chẳng thấy gì cả, nhưng em chưa bao giờ coi bà là mẹ."•một tháng sau khi đám tang kết thúc, tôi nghe nói nó nhận được khá nhiều tiền từ bảo hiểm và mạnh thường quân. năm cuối cứ vậy trôi tuột khỏi tầm tay, tôi quay cuồng với tương lai đến mức không còn bận tâm đến bất cứ thứ gì ngoài bài vở nữa. đó là một ngày cuối thu khi chúng tôi đang ôn bài yên tĩnh trong phòng học thì cảnh sát ập đến và đưa mật bơ đi trước con mắt sững sờ của tất cả mọi người. trước khi đầu óc tôi hoạt động lại, mật bơ đã ra tới cổng trường, mặt nó cam chịu. sau giờ học tôi hộc tốc chạy đến nhà nó, cửa không khóa, trong nhà chẳng có ai. tôi vào phòng nó, chẳng biết kiếm gì ở trong, chỉ thấy hoảng hốt và muốn tìm lại cái gì đó để giữ nó ở lại, mà phòng nó cũng không có gì hết trừ cái điện thoại nằm lăn lóc trên giường, không có mật khẩu. tôi bỏ nó vào cặp, mang về nhà. tắm rửa xong tôi mở điện thoại ra xem, con bé ghi chú rất nhiều trong đó, chủ yếu là bài học, không có game, tôi lục đống ghi nhớ, thấy được một cái rất lạ, ghi số điện thoại của ai đó. tôi bấm gọi, hồi hộp chờ đầu dây kia nhấc máy."xin chào?"tôi cố bẻ giọng mình cho giống giọng em."tính cán thêm ai à?"tôi ngắt máy ngay lập tức, kinh hãi nhìn cái điện thoại còn sáng màn hình, cảm giác như tay mình nhớp nhúa máu của bà ta. tôi đạp cái điện thoại rớt xuống gầm bàn, thở hồng hộc, chạy vào nhà vệ sinh rửa lấy rửa để hai tay mình, đầu óc hỗn loạn. từ trong gương tôi thấy em đứng đằng sau mang biểu cảm ở đám tang thì thầm vào tai tôi rằng em chưa bao giờ coi bà là mẹ. đầu gối nhũn ra, tôi phải víu vào tường mới về được tới giường, run rẩy trùm chăn lên tới đầu, rồi tôi lại thấy buồn nôn, lại chạy vào nhà tắm, chẳng nôn ọe được gì mà bụng cứ cồn cào. hình ảnh em ngồi khóc trên ụ nước và em nhìn đăm đăm vào quan tài chồng chéo lên nhau, tôi không thể quyết định được cái nào là thật.tôi không ngủ cả đêm đó. ngay trước khi quyết định gọi cảnh sát và báo cáo về cái số điện thoại kia, mẹ tôi chạy lên đưa tôi coi một mẩu tin về em, người được cho là nghi phạm giết mẹ của mình. vẫn mái đầu vàng, em nhìn thẳng vào máy ảnh, mắt xoáy sâu hơn bao giờ hết, tôi đọc thấy điều gì như chấp thuận trong ánh mắt đó, sự chân thành lần của lần đầu tiên gặp em, và tôi nghỉ học, đến đó gặp em.cảm nhận lần đầu tiên của tôi về phòng tạm giam là tôi sẽ không bao giờ vào đó lần thứ hai. không khí ở đó đặc quánh như muốn bóp nghẹt tôi, em thì bị còng chặt ở sau song sắt, không ngạc nhiên khi tôi tới. cái đầu vàng xơ xác, mắt em mơ màng. "chào chị."tôi ngồi xuống ngoài song sắt, cố gắng để em nhìn thẳng vào tôi, cho tôi đáp án của mọi câu hỏi đang nhảy lên khỏi cuống họng. em quay đầu lại, chăm chú giải mã tôi, cuối cùng tôi cũng không có được đáp án mình mong muốn, bởi tôi đã đánh giá quá cao bản thân khi nghĩ rằng chỉ cần gặp em thì tôi có thể hiểu được một phần. "em chưa hết vị thành niên."em bật cười, tay vuốt ve cái còng."nên em sẽ không bị tử hình à?""ừ."mật bơ ngửa cổ lên trần nhà, tôi thoáng thấy sẹo dưới xương quai xanh của em."không phải cứ giết là người ta sẽ chết, và không cần đến người ta giết thì em mới chết. chị à, người ta chết kể cả khi người ta đang thở.""nhưng em vẫn chưa.""chẳng có ai cần em sống, đó là cái chết."hết giờ thăm, họ đuổi tôi về. trong thoáng chốc tôi nhớ lại ngày em đứng trên bục giảng trước mặt tôi trả lời những câu mà tôi không làm được. cửa phòng giam đóng lại, tôi còn đứng thuỗn ra đó tới lúc tối trời.•tôi không có mặt ở trường khi người ta chính thức xác nhận là em giết mẹ mình, tôi ghét phải thấy dư luận chuyển hướng, con người thay mặt lần nữa. những gương mặt đó đã mục ruỗng và bốc mùi, rồi các đại học sẽ nhận thêm những thứ đồ thải đó, và người xứng đáng nhất sẽ không bao giờ có cơ hội nữa. tôi đến phòng tạm giam lần cuối trước khi người ta chuyển em vào tù, mười mấy năm tôi không rõ.em vẫn thế, như lần tôi gặp em, và em vẫn cười cứng ngắc."sao em làm thế?""một ngày người ta hỏi em sáu lần câu đó."môi em đang chảy máu."em lái xe à?""không. lúc đó em đang ở nhà giải bài tập.""chị này.""chị không nộp điện thoại của em. cảm ơn nhé."tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ khóc trước mặt em, em luôn khiến tôi có những suy đoán sai lầm về em, và tôi chẳng thể hiểu được."0 1 0 9. mật khẩu thẻ. người ta sẽ gọi tới."và tôi lại đứng bên ngoài cổng, lần này trời sập tối nhanh hơn, tôi nhìn lên và ngạc nhiên nhận ra rằng đó mới chỉ là ban chiều, và thứ bóng tối thoáng hiện lên kia vẫn còn lửng lơ trên đầu.rất nhiều người gọi tới số em, tôi chuyển hết cho họ khoản tiền mà em có, vẫn còn dư lại một ít. tin nhắn từ điện thoại tôi rung lên báo rằng tôi đã đậu đại học, chuyện đó bây giờ dường như vô nghĩa. người duy nhất tôi cho là xứng đáng chẳng còn đi học nữa, vậy thì học ở đâu cũng vậy thôi, với một đống thứ giòi bọ kinh khủng. 0 1 0 9, không phải ngày sinh của em. tôi mất cả đêm giải mã điều đó, cuối cùng lăn ra ngủ lúc nào không hay.trời hửng sáng, ngày ấm nhất trong năm, tôi thấy mình được xoa dịu đôi chút. xỏ đôi vớ trắng vào, chải lại tóc, tôi lấy cuộn len đan một cái khăn quàng cổ màu vàng. nắng trời đang lấp lánh trên ban công, màu vàng tươi của mật bơ, tôi ngẩn ra nhìn mảnh nắng hình thoi đưa trên khóm cẩm tú cầu xanh biển. tám giờ sáng chủ nhật, chuông nhà thờ kéo vang làm lòng tôi rạo rực, tôi nhắm mắt cầu nguyện, không biết điều gì, chỉ thấy mình cần phải làm vậy. cái chuông đồng lấp lánh dưới tiết thu rực rỡ, bừng lên trong mắt tôi điều gì đó nhòe nhòe, tôi đã từng thấy vùng trời này ở đâu đó trong quá khứ, thứ mùi đó bay lất phất, một thứ gì đó vang vọng lại từng hồi.tôi xỏ giày chạy băng băng trên đường, chẳng biết đi đâu, có thể là chỉ đang cố gắng gom hết những mật ngọt của ngày thu này lại, tôi sợ nó sẽ hết ngay lập tức, như thứ đó. tóc bay tán loạn, tôi đuổi theo chân trời, chạy mãi cho đến khi tôi nhận ra mình đã lại đứng giữa cổng trại giam, mặt trời đi về hướng đó. tôi muốn mang đầu thu vào cho em để em nhận ra rằng một ngày trên thế gian còn đẹp được đến nhường nào, và biết đâu khi nắng phủ lên đầu em như cái chăn nhỏ ấm áp, tôi có thể ôm lấy em như tôi ôm lấy một mảnh sắp vụn vỡ.•có thể hoa cúc không phải tôi mua, hoặc có thể đó là tôi mua, hoặc có thể tôi nhìn chăm chăm vào mớ cánh hoa nhuyễn vàng kia quá lâu nên người ta đẩy nó cho tôi để tống khứ bớt một kẻ quái dị đứng khóc giữa cửa hàng. hôm nay là một ngày đẹp trời, và là ngày đẹp trời cuối cùng còn sót lại trên thế giới. tôi chưa bao giờ tặng hoa cho em, thứ duy nhất tôi đưa cho em là giấy đình chỉ học. tôi chưa từng cười với em.và tôi chưa từng nhận ra rằng em đã muốn tôi xem em như một kẻ còn sống. tôi có thể chạy đến đây và nói rằng thế giới này thật khốn nạn bất kì lúc nào, và tôi đã để em mòn mỏi trên sự hy vọng là tôi đến đây không phải để thỏa mãn tính tò mò của bản thân, tôi đã làm thế. ngày tựu trường, tôi bật cười, hẳn rồi, một tháng chín năm sáu tuổi em đâu có biết đến điều gì ngoài được thoát ra khỏi căn nhà đầy những người không phân biệt nổi ai là bố.nắng trời, mật bơ, hoa cúc,tôi tự hỏi có bao giờ em thấy một ngày thu rực rỡ chưa.---
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz