ZingTruyen.Xyz

Nhat Ky Xem Phim

Padman - Người phát minh ra máy chế tạo băng vệ sinh, đã cho động lực và cảm hứng trong mình vô hạn. Cho nên mình đã tức tốc hoàn thành bài viết ghi lại những cảm nhận của bản thân về bộ phim này.

Băng vệ sinh à? Mình có ngại không? Không hề. Lý do vì sao thì hãy đọc trọn vẹn bài viết này nhé. Bắt đầu nào!

• VÌ SAO LẠI CÓ "PADMAN"?

Đầu tiên, để mọi người bắt kịp nhịp phim, mình sẽ trích lại cốt truyện từ Wikipedia:

"Pad Man là một bộ phim điện ảnh của Ấn Độ năm 2018 do R. Balki làm đạo diễn và viết kịch bản. Với sự tham gia của tài tử nổi tiếng Akshay Kumar, Sonam Kapoor và Radhika Apte trong các vai chính. Lấy cảm hứng từ cuộc đời của nhà hoạt động xã hội Arunachalam Muruganantham, một doanh nhân xã hội đến từ Tamil Nadu. Bộ phim như một lời tri ân sâu sắc đến ông vì đã bảo vệ phụ nữ Ấn Độ khỏi các căn bệnh nguy hiểm.

Câu chuyện bắt đầu với cuộc hôn nhân của Lakshmi và Gayatri. Lakshmi rất yêu vợ và sẽ làm bất cứ điều gì để cô ấy hạnh phúc. Khi Gayatri phải ở ngoài hiên nhà trong kỳ nguyệt san của cô ấy, Lakshmi trở nên lo lắng sau khi thấy Gayatri sử dụng một chiếc giẻ dơ bẩn, gây hại cho cơ thể của vợ. Sau khi nhận được lời khuyên từ bác sĩ, Lakshimi quyết định tự tay tạo ra một loại băng vệ sinh cho vợ để sức khoẻ của cô được đảm bảo."

Việc dám thực hiện một bộ phim trên cốt truyện như thế, chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng nó "quá nhạy cảm". Đúng thật là nó nhạy cảm nhưng không phải ở việc bộ phim nói về băng vệ sinh và kỳ nguyệt san ở nữ giới, mà là thái độ né tránh của xã hội. Cũng chính vì điều đó mà một hiện trạng đáng buồn đã xảy ra ở những vùng quê nghèo khó ở Ấn Độ, nơi phụ nữ không thể mua cho mình băng vệ sinh vì nó quá đắt đỏ. Thứ họ dùng để chịu đựng qua năm ngày nguyệt san là tấm giẻ lau cũ rích, dơ bẩn và là liều thuốc độc vô hình đang dần dần giết chết cơ thể họ.

Theo thống kê, cứ trung bình mỗi ngày ở các phòng khám phụ khoa tại Ấn Độ, có từ 10 đến 12 người phụ nữ bị chẩn đoán mắc các bệnh nguy hiểm về sinh sản. Nghiêm trọng hơn, họ có thể vô sinh và tử vong.

Với hiện trạng nguy hiểm đáng báo động như thế đang xảy ra với phụ nữ, đặc biệt là vợ mình - Gayatri, Laskhmi không thể khoanh tay đứng nhìn. Vì sự cao cả đó, chúng ta đã có người anh hùng Padman.

• BẰNG TÌNH YÊU, HÃY TẠO RA MỘT CUỘC CÁCH MẠNG:

Ở một số nơi tại Ấn Độ, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ngấm sâu vào trí óc của người dân. Việc người chồng chịu lắng nghe, quan tâm đến cảm xúc của vợ ở đó có lẽ là chuyện hiếm có khó tìm chớ đừng nói đến kỳ nguyệt san.

Thế nhưng Laskhmi thì ngược lại! Anh trân trọng và thương yêu Gayatri từng li từng tí. Từ việc tạo ra chiếc máy cắt hành vì sợ cô đau mắt đến chuyện bảo vệ cô khỏi các căn bệnh phụ khoa, Laskmi thực sự là một người chồng tốt, một người đàn ông trưởng thành. Như anh từng nói: "Một người sao có thể tự nhận mình là đàn ông khi không thể bảo vệ được phụ nữ?". Nhận thức việc dùng tấm vải dơ bẩn kia sẽ gây hại đến vợ, anh quyết tâm phải thay đổi điều đó để không chỉ vợ được khoẻ mạnh, hàng triệu người phụ nữ ngoài kia cũng được bảo vệ.

Đối với Laskhmi, Ấn Độ là một quốc gia có nhiều vấn đề nhưng cũng đầy cơ hội. Càng nhiều vấn đề được giải quyết, Ấn Độ càng có thêm cơ hội để vươn xa. Con người đâu ai muốn tự đẩy bản thân vào ngõ cụt. Thử hỏi nếu không vì chữ nghèo thì những người phụ nữ kia có cam chịu sử dụng tấm vải dơ ấy không? Song song với các định kiến cổ hủ, có bao nhiêu số phận đáng thương đã phải từ bỏ hạnh phúc của chính mình?

Laskhmi xuất thân từ một người đàn ông bình thường. Anh không thể xoá sổ cái nghèo. Đó là điều quá sức với một con người nhỏ bé. Thế nhưng điều anh làm vẫn mang một ý nghĩa nhất định và nhờ đó đã tạo ra cuộc cách mạng mạnh mẽ trong việc bảo vệ phụ nữ: Tạo ra chiếc máy sản xuất băng vệ sinh chất lượng nhưng không hề đắt đỏ để những người phụ nữ nghèo vẫn có thể sử dụng.

Mặc kệ khi anh đưa ra ý tưởng ấy, mọi người xung quanh chửi mắng và miệt thị nặng nề vì họ cho rằng "băng vệ sinh là thứ dơ bẩn", Laskhmi vẫn dám tin dám làm. Anh chỉ đáp trả ngắn gọn: "Wait and watch! / Cứ đợi rồi xem!" Tạo hoá có thể không cho tất cả mọi người một tài năng xuất chúng. Thế nhưng sâu trong chúng ta, ai cũng có một tấm lòng kiên trì đáng ngưỡng mộ và nguồn nghị lực mạnh mẽ. Do đó, dù phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào, hãy cố gắng làm hết tất cả trong khả năng của bản thân. Trời cao có mắt nào phụ lòng người.

• MIỆNG ĐỜI - ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN:

Xuyên suốt bộ phim, chắc hẳn sẽ có nhiều khán giả phản đối cách hành xử của Gayatri vì họ cho rằng cô không ở bên Laskhmi trong quãng thời gian khó khăn của anh. Thế nhưng đã bao giờ họ đặt bản thân vào hoàn cảnh của Gayatri chưa?

Là một người phụ nữ truyền thống ở Ấn Độ, được giáo dục với những quy tắc và phong tục nghiêm khắc từ bao đời truyền lại, Gayatri đã vô thức hình thành một giới hạn kiểm soát sự tự do trong tư tưởng của chính mình. Một là tuân theo những phong tục ấy bất chấp đúng sai, hai là bị nhấn chìm trong sự kỳ thị và phán xét của xã hội đến cuối đời. Nào phải vô cớ mà xuyên suốt bộ phim, Gayatri đã lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói: "Phụ nữ chúng em thà chết chứ không chịu đựng sự nhục nhã."

Sợi dây xích mang tên miệng đời, nạn nhân mà nó giam cầm nào chỉ một cá nhân đơn lẻ. Những lời ác ý dè bỉu còn bủa vây cả những người thân cận của nạn nhân. Vì lẽ đó, những người phụ nữ ở hoàn cảnh ấy dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận tuân theo.

Về phần của Laskhmi, anh cũng là nạn nhân của thói ưa phán xét trong thiên hạ. Từ xưa đến nay, xã hội luôn xem kỳ nguyệt san là điều ghê tởm, xúc phạm tột độ. Theo cớ đó, mọi thứ liên quan đến nguyệt san đều bị quy chụp là thứ dơ bẩn. Thế nhưng... có thật như vậy không? Băng vệ sinh vốn chỉ là một sản phẩm từ vải sợi bông cellulose và quan trọng hơn hết: Chúng đã được khử trùng. Thứ mà họ cho là dơ bẩn có khi còn sạch hơn quần áo họ mặc trên người. Nhờ có băng vệ sinh, sức khoẻ của phụ nữ được đảm bảo và nhờ đó duy trì sự phát triển của xã hội.

Khi Laskhmi bị vùi dập trong vũng lầy của sự chỉ trích, dân làng xem anh là tên biến thái chỉ mãi ám ảnh với kỳ nguyệt san của người phụ nữ. Thế nhưng thứ anh ám ảnh và day dứt không ngừng chính là sức khoẻ của những người phụ nữ xung quanh. Nếu cứ để mặc họ sử dụng tấm vải dơ bẩn ấy thì sau này, tương lai sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.

Phụ nữ, họ nào phải món đồ vô tri vô giác mà miễn cảm với mọi tổn thương, đau khổ. Những phong tục cổ hủ, định kiến lạc hậu đã bó buộc họ khỏi sự tự do và ngay cả việc được sống hạnh phúc cũng là điều xa xỉ. Vì vậy, với hiện trạng sức khoẻ phụ nữ đang bị đe doạ ở Ấn Độ, việc việc Laskhmi sáng tạo ra loại băng chất lượng nhưng giá cả rẻ gấp 1/3 thị trường bấy giờ là một sáng kiến đúng đắn, cao cả.

4. LỜI KẾT:

Để nói về nguồn cảm hứng cho mình động lực viết nên bài viết này thì phải bắt đầu từ hoàn cảnh dịch bệnh COVID nghiêm trọng ở Ấn Độ hiện nay.

Bên cạnh những tấm lòng đồng cảm và kêu gọi giúp đỡ thì vẫn có không ít những lời chỉ trích đất nước này. Bản thân mình luôn đứng trên lập trường: "Sự ghét bỏ chưa bao giờ là cách giải quyết đúng đắn." Thế nên, mình muốn chia sẻ bộ phim Padman đến mọi người để chúng ta thấy được một Ấn Độ đang cố gắng thay đổi, cố gắng trở nên tốt hơn từng ngày. Sự nỗ lực đó thể hiện qua khao khát của bộ phim Padman: "Tôi muốn khi người khác nhìn vào quốc gia tỷ dân Ấn Độ, thứ họ đếm không phải dân số, mà là dân trí."

Quan trọng nhất, thông qua bộ phim này, chúng ta hãy yêu thương nhau nhiều hơn và chung tay xoá bỏ những định kiến cổ hủ, sai lệch để không một ai phải chịu sự tổn thương, ràng buộc. Vì hai chữ "tự do" là một phần của "nhân quyền".

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz