ZingTruyen.Xyz

Geminifourth Nhung Dua Tre Toc Moc Trong May

Buổi chiều dần trôi, khi ánh hoàng hôn cuối cùng biến mất sau dãy nhà cao tầng, chúng tôi quyết định ra về.

Sực nhớ ra điều gì đó, tôi quay sang nói với Huy.

''Chiều mai đi học về xuống dưới nội tao chơi không? Chắc là bà nhớ tụi mình lắm.''

''Ờ.'' Trả lời nghe ghét thật đấy.

''Mày nói nhiều lên không được hả?''

''Ờ.''

Nghỉ đi. Bực cả mình.

Kể chuyện chút nha. Trùng hợp thế nào mà cả tôi và Thế Huy đều cùng quê nội, chúng tôi chơi với nhau từ thời còn cởi chuồng tắm mưa. Thế nên bà tôi quý thằng Huy lắm.

Bất chợt nhớ đến ngày nhỏ, khi lũ ve bắt đầu ngân lên những giai điệu buồn, khi những cánh hoa phượng vĩ mỏng manh rụng xuống sân trường, chúng tôi lại xốn xang mơ màng đến những cánh diều no gió bay lượn trên cánh đồng bất tận vào mỗi buổi chiều. Những buổi chiều với tiếng cười trong suốt, vang vọng có khi bị pha loãng bởi tiếng gió chiều mát lành. Những đứa trẻ "đầu trần chân đất" chạy ngược chiều gió cho đến khi ngước lên bầu trời chỉ còn thấy một cây nấm nhỏ vi vu nữa mới thôi.

Đi soi ếch là một thú vui khó cưỡng của trẻ con ở quê tôi hồi đó. Buổi tối sau khi mưa đã ngớt, chúng tôi tụ tập nơi ngã ba làng, đứa nào đứa nấy đều đã sẵn sàng với bộ đồ nghề của mình, gồm một chiếc giỏ mây, một chiếc đèn pin treo trên đầu và một cái vợt thật dài. Soi chừng hai đến ba tiếng đồng hồ là được một giỏ đầy ú ụ.

Tôi vẫn nhớ những ngày nơi đồng cạn - chỗ tập trung đông đủ nhất của trẻ nhỏ trong xóm. Chiều chiều, ngày nào cũng vậy, khi nắng đã bắt đầu dịu lại, gió ngoài sông hiu hiu thổi vào, lũ trâu thì đã no cỏ và bắt đầu nhởn nhơ đi tìm bạn, chúng tôi lại í ới gọi nhau, hò reo rộn ràng. Và thế là chẳng mấy chốc con diều giấy lại bay cao tít, trái bóng tròn lại lăn trên cỏ xanh, và chiếc chong chóng lại quay tít trước chiều gió thổi. Ngày đó, bỏ mặc lũ trâu ậm ò lang thang khắp đồng, bỏ quên những vạt nắng chiều đang rớt vội, bỏ qua cả bóng chiều đang dần dần phủ sập xuống, bao chiếc chong chóng bé con cứ quay quay, quay tròn, quay đều, quay tít. Trong ánh mắt hồn nhiên, trong tiếng cười giòn tan, và cả trong những ước mơ khờ khạo của bọn nhóc chúng tôi.

Với trẻ nhỏ của xóm tôi ngày xưa, chẳng có gì vui thích, thú vị và hấp dẫn bằng chơi cùng chong chóng. Chỉ cần một nan tre khô vót thật mỏng, dán cánh giấy ở hai đầu hoặc đơn giản chỉ cần hai cọng lá dừa đan lại, chính giữa đục lỗ để gắn trục quay vào, là đã thành chiếc chong chóng. Và chỉ cần lòng mình háo hức, mắt mình nhìn mê say thì chong chóng sẽ quay, niềm vui sẽ đến.

Sau này, nhà thằng Huy và nhà tôi cùng chuyển vào nội thành sống nên không còn những buổi đi chơi như vậy nữa, sao mà tôi nhớ những ngày ấy quá chừng.

''Chiều mai về, kiểu gì bà cũng bảo tụi mình đi cắt cỏ cho mà coi.''

''Thì sao? Vui mà.''

''Thì tao cũng đâu có bảo không vui.''

Thế Huy bĩu môi.

''Lười thì nói.''

Tôi đưa tay, giả vờ tát nó. Khổ nỗi, tay còn chưa chạm nổi một cọng lông của thằng Huy, nó đã nhảy cẫng lên rồi làm bộ ôm mặt than đau. Tôi cũng đến lạy nó, trông vừa tức vừa hài. Ai mà tin được cái người lạnh lùng, nhạt nhẽo, vừa dỗi bạn mình cách đây một phút với cái thằng cợt nhả này là một chứ.

Hay đúng hơn là chỉ khi đi cạnh tôi, nó mới cợt nhả.




















/


Chúng tôi đi một hồi cuối cùng cũng đến trước ngõ nhà tôi, nhà tôi nằm ở một con hẻm nhỏ gần phố Phan Đình Phùng. Tôi chào tạm biệt Thế Huy.

''Bye bạn tôi.''

''Ừ, đi đi, cảm ơn vì cốc kem hôm nay nha Tư. Sáng mai nhớ dậy sớm để tao còn ra rủ đấy, mày mà dậy muộn cứ liệu hồn. Mai là thứ hai, phải chào cờ, chào cờ xong ra sân tập thể dục luôn, toán, lý, văn. Nhớ mang đầy đủ sách vở, lúc chào cờ cũng đừng có cười đùa. Mày mà làm bọn mình phải đứng cột cờ như tuần trước là tao cắt tiết." Huy dặn tôi như mẹ dặn con, bình thường thì rõ kiệm lời, cứ đụng vào chuyện học là xổ một tràng dài. Học sinh giỏi của thầy cô có khác.

Tự dưng tôi có cảm giác tự hào ghê gớm.

''Ờ ờ. Về đi thưa ông cố của con ơi.''

















/


Dưới góc nhìn của Thế Huy.

Dặn cái thằng giặc kia mà khô cả cổ, không biết nó có nhớ gì không nữa. Nó đứng khoanh tay, mặt nghênh nghênh như mấy ông thầy giáo đang giảng bài rồi trả lời một câu ''Ờ ờ'', còn đuổi tôi đi, tổn thương hết sức.

Tôi biết là Tư bằng tuổi tôi, nó tự ý thức được rồi, có khi còn suy nghĩ trưởng thành hơn tôi ấy chứ, vậy mà chẳng hiểu sao tôi vẫn luôn có cảm giác muốn bảo vệ Tư. Không phải vì nó yếu đuối mà vì nó chẳng bao giờ nói ra những chuyện khó khăn mà nó gặp phải. Nó vẫn cứ hay giả vờ như mọi thứ ổn dù thật ra nó chẳng hề ổn. Cách đây chừng ba bốn năm, Tư ngã xe, di chứng để lại khiến nó không thể chơi bóng được nữa. Đợt đó, bố mẹ nó đi công tác trong Sài Gòn nên cũng chẳng chăm nó được mấy khi, chỉ vọn vẹn một tháng đầu rồi lại quay trở vào trong Nam làm việc.

Thời gian đó Nhật Tư chủ yếu ở nhà tôi, nó tuy hơi nghịch những tính cách hiền lành, học không giỏi nhưng cố gắng lắm, bố mẹ tôi quý Tư cực kì. Tôi cũng nghĩ là Tư ổn vì có mấy đứa bạn như thằng Thắng hay thằng Sang và gia đình tôi. Rồi một ngày nọ, tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm để tắt quạt, lại nghe được tiếng khóc thút thít ở đâu. Ban đầu tôi sợ, xong cũng lấy hết can đảm để bật đèn lên. Hóa ra là Tư đang khóc chứ không phải oan hồn nào. Mặt nó lấm lem nước mắt, mếu máo.

''S-sao thế?''

''Hức... Huy ơi... Tao... tao...''

''Tao... tao thấy... Hức... Ta... tao không nói đ... được... Hức...'' Rồi nó khóc òa lên, tôi hoảng loạn.

''Tao ở đây. Nào, không cần trả lời nữa. Lại đây, tao ôm.''

Tôi nhét nó vào trong chăn, quấn kĩ, kê đầu nó gối lên cánh tay tôi rồi xoa xoa lưng. Được một hồi, nó thiếp đi, tôi mới dám ngủ.

Sáng hôm sau dậy, nó không quên dặn tôi đừng kể chuyện hôm qua cho ai.

Một năm có ba trăm năm mươi lăm ngày thì hết ba trăm ngày bố mẹ nó đi làm trong Nam. Tôi biết nó nhớ bố mẹ nhưng hôm nào nó cũng cười sằng sặc với tôi bất kể gì dù câu chuyện có nhạt nhẽo tới đâu, tôi không nghĩ nó lại buồn đến thế... Cũng là lỗi của tôi vì không để ý nó.

Những tâm hồn chất nặng ưu tư thường cất giấu nỗi buồn bằng nụ cười rạng rỡ.

Chắc cũng vì thế mà tôi dành tình cảm cho Nhật Tư nhiều hơn người khác một chút. Thậm chí, từng có lúc thứ tình cảm ấy vượt qua phạm vi tình bạn.

Mà nhắc đến chuyện chiều mai về thăm bà cùng Nhật Tư, tôi lại thấy nhớ về bà nội tôi hết sức. Kể từ khi bà mất tính đến nay đã tròn mười năm. Tôi nhớ về những đêm nằm trên võng cùng bà ngắm sao trời, chỉ có tiếng dế kêu rả rích, tiếng lá cây xào xạc trong gió và tiếng bà nhẹ nhàng hát khẽ những bài ru. Tôi được nghe những câu chuyện cổ tích thần tiên rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Ngày ấy, nắng trưa chang chang mỉm cười cùng cánh chuồn chuồn chấp chới. Nắng ngả thật thấp, nắng len qua lúa, nắng gãy rụng theo dấu chân bà, bỏng rát mái đầu, lả cả đôi vai.











Hoàng hôn cuối cùng cũng tắt.

Bầu trời tối thẫm, những vì sao bắt đầu xuất hiện, lấp ló từng chút một.

Trăng ở phố ngậm ngùi khuất sau những tòa nhà cao hun hút, vẫn chung thủy lặng thầm mặc cho lòng người có mải miết chạy theo ánh đèn phồn hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz