Don Ngo Nhap Dao Yeu Mon Tue Hai Thien Su
- Ở đời sau, có những nhóm tạp học, làm sao cùng ở chung? - Chỉ hòa ánh sáng kia, chẳng đồng nghiệp kia, đồng chỗ mà chẳng đồng ở. Kinh nói: "Tùy lưu (trôi theo) mà tánh thường vậy". Người học đạo cần yếu phải nghĩ "mình vì đại sự nhân duyên là việc giải thoát, thảy đều chẳng dám khinh người chưa học, kính người mình học như Phật, chẳng đề cao đức của mình, chẳng đố kỵ điều hay của người, tự xét nét hạnh của mình, chẳng dòm dõ lỗi của người", thì ở tất cả chỗ đều không bị chướng ngại, tự nhiên được khoái lạc. Lặp lại kệ rằng: Nhẫn nhục đạo thứ nhất, Trước phải trừ ngã nhân, Việc đến không thọ nhận, Là thân chân Bồ-đề. Kinh Kim Cang nói: "Người thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi là Bồ-tát chân thật". Lại nói: "Chẳng thủ lại chẳng xả, hằng đoạn được sanh tử, tất cả chỗ không tâm, gọi là con chư Phật". Kinh Niết-bàn nói: "Như Lai chứng Niết-bàn hằng đoạn dứt sanh tử". Kệ rằng: Nay ta ý thật rất tốt, Khi người chê mắng chẳng buồn, Không lời chẳng nói phải quấy, Niết-bàn sanh tử đồng đường. Hiểu thấu bản tông nhà mình, Vẫn là không có xanh đen, Tất cả vọng tưởng phân biệt, Vả biết người đời chẳng rõ. Gởi lời phàm phu đời sau, Dẹp hết trong tâm rơm cỏ, Nay ta ý rất thênh thang, Chẳng nói, không việc, tâm an. Thong dong, tự tại, giải thoát, Đông tây dời đổi dễ dàng, Trọn ngày không nói lặng yên, Niệm niệm hướng lý nghĩ xét. Tự nhiên tiêu dao thấy đạo, Sanh tử quyết chẳng liên quan, Nay ta ý thật lạ kỳ, Chẳng đến trên đời luống dối. Vinh hoa thảy là giả tạm, Áo rách cơm hẩm đủ no, Đi đường gặp người biếng nói, Người đời đều gọi ta ngu. Ngoài hiện ngu ngơ ám độn, Trong tâm sáng tợ lưu ly, Thầm hợp La-hầu mật hạnh, Chẳng phải phàm phu kham biết. Tôi e các ông chẳng hội thấu lý chân giải thoát nên lại chỉ bày các ông. * - Kinh Duy-ma nói: "Muốn được tịnh độ phải tịnh tâm ấy". Thế nào là tịnh tâm? - Dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh. - Thế nào là dùng cái tịnh cứu cánh làm tịnh? - Không tịnh cũng không không tịnh, tức là tịnh cứu cánh. - Thế nào là không tịnh cũng không không tịnh? - Tất cả chỗ không tâm là tịnh, khi được tịnh mà chẳng khởi tưởng tịnh, gọi là không tịnh. Khi được không tịnh cũng không được khởi tưởng không tịnh, gọi là không không tịnh. * - Người tu hành lấy cái gì làm chứng? - Lấy cái chứng cứu cánh làm chứng. - Thế nào là cái chứng cứu cánh? - Không chứng cũng không không chứng, gọi là chứng cứu cánh. - Thế nào là không chứng và không không chứng? - Ở ngoài không nhiễm sắc, thanh v.v... bên trong tâm không khởi vọng niệm, được như thế gọi là chứng. Khi được chứng mà không khởi tưởng chứng, gọi là không chứng. Khi được không chứng cũng không khởi tưởng không chứng, gọi là không không chứng.
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz