ZingTruyen.Xyz

Don Ngo Nhap Dao Yeu Mon Tue Hai Thien Su

- Thế nào là tâm giải thoát?

- Không tâm giải thoát, cũng không không tâm giải thoát, gọi là chân giải thoát. Kinh nói: "Pháp còn phải xả hà huống phi pháp". Pháp là có, phi pháp là không, chỉ chẳng chấp có không là chân giải thoát.

*

- Thế nào đắc đạo?

- Dùng cái đắc cứu cánh làm đắc.

- Thế nào là cái đắc cứu cánh?

-Không đắc cũng không không đắc, gọi là đắc cứu cánh.

*

- Thế nào là Không cứu cánh?

- Chẳng Không cũng chẳng chẳng Không gọi là Không cứu cánh.

*

- Thế nào là chân như định?

- Không định cũng không không định gọi là chân như định. Kinh nói:

"Không có pháp định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không pháp định Như Lai có thể nói". Kinh nói: "Tuy tu Không mà chẳng lấy Không làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng Không. Tuy tu Định mà chẳng lấy Định làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng Định. Tuy được Tịnh mà chẳng lấy Tịnh làm chứng, cũng chẳng được khởi tưởng tịnh".

Nếu khi được định, được tịnh, được tất cả chỗ không tâm, liền khởi tưởng được như thế, đều là vọng tưởng, liền bị ràng buộc không thể nói là giải thoát. Nếu khi được như thế, rõ ràng tự biết, được tự tại, mà chẳng được cho thế là chứng, cũng chẳng được khởi tưởng như thế là được giải thoát. Kinh nói: "Nếu khởi tâm tinh tấn là vọng không phải tinh tấn. Nếu người hay trong tâm chẳng vọng là tinh tấn không có bờ mé".

*

- Thế nào là trung đạo?

- Không khoảng giữa cũng không hai bên là trung đạo.

- Thế nào là hai bên?

- Có tâm kia, có tâm này là hai bên.

- Thế nào là tâm kia tâm này?

- Bên ngoài dính với sắc thanh gọi là tâm kia. Bên trong khởi vọng niệm là tâm này. Nếu bên ngoài không nhiễm sắc, gọi là không tâm kia. Bên trong không khởi vọng niệm, gọi là không tâm này. Thế nên không phải hai bên. Tâm đã không hai bên thì giữa cũng đâu có được. Được như thế gọi là trung đạo. Thật là Như Lai đạo. Như Lai đạo là tất cả người giác được giải thoát. Kinh nói: "Hư không chẳng giữa chẳng hai bên, thân chư Phật cũng vậy". Nhưng tất cả sắc không, là tất cả chỗ không tâm vậy. Tất cả chỗ không tâm tức tất cả sắc tánh không. Hai nghĩa chẳng khác, cũng gọi sắc không, cũng gọi pháp sắc không.

Nếu ông lìa "Tất cả chỗ không tâm", mà được Bồ-đề giải thoát, Niết-bàn tịch diệt, thiền định kiến tánh, thì không thể nào có. "Tất cả chỗ không tâm" tức là được Bồ-đề giải thoát, Niết-bàn tịch diệt, cho đến lục độ đều là chỗ kiến tánh. Vì cớ sao? Kinh Kim Cang nói: "Không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".

*

- Nếu có tu tất cả hạnh đầy đủ thành tựu được thọ ký chăng?

- Chẳng được.

- Nếu không tu tất cả pháp thành tựu, được thọ ký chăng?

- Chẳng được.

- Nếu thế ấy, phải do pháp gì được thọ ký?

- Chẳng do có hành, cũng chẳng do không hành, là được thọ ký. Vì cớ sao?

Kinh Duy-ma nói: "Các hạnh tánh tướng đều vô thường". Kinh Niết-bàn nói: "Phật bảo Ca Diếp, các hạnh là thường, không có lẽ phải". Ông chỉ tất cả chỗ không tâm, là không có hạnh, cũng không không các hạnh, gọi là thọ ký. Nói tất cả chỗ không tâm, là không tâm yêu ghét vậy. Nói không yêu ghét, là thấy việc tốt chẳng khởi tâm yêu; thấy việc xấu cũng chẳng sanh tâm ghét.

Không yêu gọi là không tâm nhiễm, chính là sắc tánh không. Sắc tánh không tức là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt thì tự nhiên được giải thoát.

Ông phải xét kỹ đó, nếu khi chưa được tỉnh sáng thấu rõ, thì phải hỏi sớm chớ có bỏ qua. Các ông nếu y theo lời dạy đây tu, mà chẳng được giải thoát, tôi xin trọn đời thay các ông chịu tội trong đại địa ngục. Nếu tôi lừa dối các ông, sau này tôi sanh nơi nào sẽ bị sư tử, cọp, sói ăn thịt. Các ông nếu chẳng y theo lời dạy đây siêng năng tu hành thì không bảo đảm. Một phen mất thân này muôn kiếp khó được lại. Phải cố gắng! Cố gắng! Cần phải tự biết. 

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz