Mật hẹn
Tháng 10. Ánh mặt trời rớt trên Marktplatz có nét gì đó nữ tính. mọi người di chuyển chỗ ngồi theo vạt nắng. Các cô phục vụ bận bịu qua lại mang cà phê cappuccino và cất túi chỗ tiền boa hậu hĩnh của khách du lịch. Những du khách tóc hoa râm thả lỏng đôi chân mệt mỏi sau chuyến dạo quanh lâu đài cổ Heidelberg trên mặt đá lát đường ấm áp của quảng trường thành phố, nhấm nháp ly bia đậm mùi hương hublong.Các sinh viên thì tránh quảng trường, đạp xe đi vào những ngõ hẻm mà chỉ họ biết rõ, những ngõ hẻm đầy những cửa hàng sách cũ, hiệu cắt tóc hay các quán bia chật chội, tối tăm. Những nhà hàng rẻ tiền bàn không trải khăn và những quán cà phên sặc mùi khói thuốc cũng đang đợi họ. Riêng tôi, những ngõ hẻm ít ánh nắng lọt vào như thế vẫn thích hơn Hauptstrasse hay Marktplaz đông đúc người qua lại.Nếu có một nơi phù hợp nhất để nghĩ về cái chết thì có lẽ chính là nơi này. Nơi có những khách du lịch lớn tuổi mang những đôi giày thật thoải mái bước đi chậm chạp và những người trẻ tuổi không kìm nổi sức mạnh tràn trề của cơ thể mình, nơi hai nửa thành phố giống như hai mảng sáng tôi của bức tranh đen trắng tương phản đậm nét. Những tòa lâu đài kiên cố ngày trước đã trở nên vô dụng, không thể bảo vệ lãnh chúa và thành phố khỏi bất cứ thứ gì và cũng không cần thiết phải như vậy nữa, giờ đây chúng chỉ có thể bảo vệ chính bản thân bằng vẻ đẹp của mình và cúi nhìn thành phố cổ kính cùng dòng sông còn cổ kính hơn nữa. Nhưng những người trẻ tuổi đi xe đpạ không quan tâm đến những điều như vậy. Họ chỉ mong đến ngày rời khỏi nơi này. Đúng thế. Họ sẽ ra đi. Có lẽ họ sẽ đi đến Berlin, trung tâm chính trị hoặc Frankfurt, thành phố trung tâm của tài chính, nơi mọi người đi làm trong bộ comple xám với áo sơ-mi láng nếp. Những kẻ can đảm hơn sẽ đến London hay New York để kiếm tìm cuộc sống mà mình mong muốn. Nhìn những người trẻ đó, tôi muốn thì thầm vào tai họ những lời đáng sợ như những bia mộ trải dài trên những con đường thời đế quốc La Mã. Đừng quên rằng ngươi sẽ chết. Cũng những người trẻ tuổi đó, mỗi đêm ở cùng một quán bar, chúng tôi chạm mặt, trao cho nhau nụ cười và uống bia. Thỉnh thoảng tôi cũng trả tiền vài ly bia cho họ.Dù làm gì, thời gian cũng trôi qua.Tôi mở cửa bước vào một hiệu kính mắt. Hàng nghìn tròng kính ngước nhìn tôi. Tôi sợ những tròng mắt trống rỗng đang nhìn vào tôi kia. Cô gái mang cặp kính bóng láng vừa nở nụ cười vừa rề rà tiến lại phía tôi.- Tôi giúp gì được cho ông?Tôi nhẹ nhàng từ chối và ngắm nghía các cặp kính. Cô nhân viên cửa hàng quay lại ghế ngòi, chăm chú nhìn vào một dụng cụ quang học trông giống chiếc kính hiển vi. Tôi đeo thử mấy cặp kính, ngắm nghía trước gương. Khác với các cửa hiệu bình thường ỏ Hàn Quốc hay bày gọng kính trong tủ kính, nơi này trưng chúng trên các mắc treo gắn trên tường để ai cũng có thể dễ dàng lấy đeo thử. Trong số hằng hà sa những gọng kính đó, có một cặp khiến tôi vừa ý. Tôi vói lấy cặp gọng bằng titan có thể đổi màu xanh hay màu đỏ tía tùy theo ánh sáng.- Tôi muốn mua cái này.Nhân viên cửa hàng nhận lấy nó với vẻ mặt vui vẻ. Tôi tháo mắt kính đang đeo ra và đưa cho cô.- Làm luôn cho tôi tròng kính.Cô nhân viên nhận lấy chiếc mắt kính của tôi và kiểm tra độ mắt.- Làm giống như thế này ạ? Vậy thì khoảng chiều là xong.- Vâng, tốt quá. Cảm ơn cô.Có khi nào bạn du lịch đến một nước khác và làm mắt kính ở đó chưa? Tôi thì chưa bao giờ. Đã từng mua áo, cắt tóc, tắm rửa, nhưng mắt kính thì chưa, nghĩ cũng lạ. Làm cặp kính lúc nào cũng đeo trên mắt ở một nơi thật xa không hiểu sao cứ có cảm giác nó sẽ mang lại điều không may. Có lẽ vì vậy mà tôi chưa thử bao giờ, hình như tôi nghĩ món đó nên mua ở một nơi gần nhà, vừa cười với nhau vừa trả giá. Nhưng đến khi làm thử thì mới thấy khó có chuyện gì ít cần đến lời nói như việc đặt mua kính. Chỉ cần đưa chiếc kính đang đeo ra và bảo làm giống hệt như thế là được. Rồi sau đó cho chiếc kính từng đeo suốt lâu nay vào trong chiếc hộp cứng ngắc mà họ cho rồi đeo kính mới lên đường là xong.Bên ngoài hiệu kính, đương nhiên, là đường phố. Trên đó đủ người đang tấp nập qua lại đến chóng mặt, những chiếc xe đạp len lỏi giữa dòng người đó. Tôi cảm thấy hơi chóng mặt. Tự lúc nào đã có sự phân chia giữa hiệu kính và bên ngoài. Cảm giác như bị ném bật từ một nơi thân thuộc ra chốn xa lạ. Tôi bất chợt nhận ra rằng, trong một thời gian ngắn như thế con người có thể nảy sinh tình cảm với một nơi nào đó.Có một người bạn đến thành phố nào là mua quần jean ở đấy mặc, nên tủ quần áo ở nhà cậu ta đầy ắp các loại quần jean mua từ khắp các nước trên thế giới. Đa số là quần jean xanh của các nhãn hiệu phổ biến như Levi's hay Guess. Tôi không thể phân biệt được các thứ đó, nhưng bạn tôi thì làm chuyện đó tài tình. Cái này là quần jean mua ở London mùa đông năm ngoái, cái này mua ở Bắc Kinh, trông giống hàng nhái nhưng nhìn cũng có nét hấp dẫn riêng ..."Mua quần jean mặc ra ngoài không hiểu sao tớ cảm thấy ấm áp thoải mái lạ."Bây giờ tôi có vẻ hiểu được cảm giác đó. Khi đến một thành phố xa lạ, mỗi du khách thực hiện nghi thức của riêng mình. Có người thì mua quần jean mặc giống anh bạn đó, lại có người ghé vào cửa hàng sách như tôi. A, ở đây cũng có những người đọc Franz Kafka và Albert Camus, cuối năm cũng có những người mua lịch và sổ tay nữa, nghĩ như thế tự dưng thấy có điều gì đó như niềm an ủi. Trong một hiệu sách ở Istanbul tôi đã ghé qua mấy năm trước, có một người phụ nữ tóc rực rỡ như con gái Ý đang lựa truyện tranh cùng với đứa con. Nhìn hình ảnh đó trong giây lát, tôi không nhớ mình đang đứng ở nơi nào.A, nàng của tôi đang bước đến. Nàng đẹp thế sao. Bỗng dưng tôi thấy ngạc nhiên. Để nhìn nàng kĩ hơn, tôi đưa tay lên sống mũi. Định đẩy gọng kính gác trên đó. Nhưng trên sống mũi của tôi không có gì cả. Không có mắt kính thế gian này trông vẫn rõ ràng và sạch sẽ. Cảm giác thật vui. Cái cảm giác như quay về thời còn bé khi mắt chưa bị cận. Như nhận được một cơ thể hoàn hảo mới. Lũ bồ câu đập cánh bay vụt lên ngang qua nàng. Vài chiếc lông rơi ra đáp xuống quảng trường. Tôi có thể cảm nhận cơ ngực phát triển của lũ bồ câu chuyển động mạnh mẽ như sát bên mình. Lũ chim sà xuống nóc một tòa nhà bốn tầng cổ kính để sưởi ấm.Nàng của tôi không quan tâm đến lũ bồ câu, vẫn bước từng bước như cô nhân viên đang trên đường đến sở làm. Tôi đi theo nàng. Cửa hàng kebab của người Thổ Nhĩ Kì thoảng ra mùi thịt cừu tẩm dầu. Vì đá lót đường gồ ghề nên tiếng bước chân của nàng nghe không đều. Lộc cộc lộc cô cốc lố cô cộc. Không cần quay đầu lại tôi cũng biết nàng và tôi đang đi qua cửa hàng bánh mì. Dĩ nhiên là vì mùi. Hai người phụ nữ lớn tuổi tóc trắng xóa đang mang các rổ bánh mì đi vào trong cửa hàng. Nàng của tôi chợt dừng chân trước cửa hàng bán quà lưu niệm. Tên cửa hàng là Cube. Trên cửa kính là dòng chữ "Hãy lưu giữ mãi mãi kí ức với người yêu". Trong khối nhựa trong suốt hình lập phương là tấm hình đen trắng của những ai đó được chụp lại bằng máy vi tính. Chính xác không phải hình trắng đen mà là hình đơn màu thì phải hơn. Màu gì đó giữa màu nâu đỏ và màu xám. Khi mặt trời đã hoàn toàn lặn mất, ngay trước lúc bầu trời ban ngày hoàn toàn nhường chỗ cho màn đêm, một thứ sắc màu gần như thế. Những khối lập phương như thế tôi đã thấy từ lâu. Vương miện của vua Shilla cũng được cho vào trong các hộp acrylic như thế để bán. Có thể dùng nó làm đồ chặn giấy hay đặt trên ti vi làm đồ trang trí cũng được. Tôi lại lặng lẽ cùng nàng ngắm nhìn những khối nhựa của Heidelberg. Tất cả những hình người trong đó đều đang cười. Không có một người nào là không cười. Ai cũng đang cười rất vui vẻ. Ha ha ha ha ha. Nam nữ trong khối nhựa, gia đình trong khối nhựa, những người bạn trong khối nhựa, chừng như những con người ấy sinh ra chỉ để cười. Nhưng dù vẫn muốn xem nó là những đồ vật đẹp đẽ, nhưng chúng vẫn như phảng phất điềm gở. Biết đâu những người trong đó chỉ muốn lưu lại khuôn mặt mình rồi đến một nơi nào đó thật xa, không còn là con người của thế gian này nữa, tôi chợt có ý nghĩ như thế. Tôi thấy chột dạ khi nàng của tôi chỉ dừng bước trước cửa hàng này.Nàng lại tiếp tục cất bước. Đến quảng trường, nàng rẽ trái xuống phía sông Neckar. Tôi biết rõ nàng đang đi đâu. Dĩ nhiên là nàng đang đi đến khách sạn nhỏ nằm bên dòng sông Neckar. Bởi chúng tôi đã nhiều lần gặp nhau trong cái khách sạn nhỏ, không thang máy, xây dựng từ thế kỉ thứ 18 đó. Nếu may mắn chúng tôi có thể nhận được phòng nhìn ra sông Neckar, nếu không may chúng tôi ở trong phòng nhìn ra phía con đường ngày đêm ồn ào khách du lịch qua lại. Nhưng dù được xếp phòng nào, chúng tôi vẫn thích khách sạn đó. Mở cánh cửa nhỏ bên cạnh quán ăn lúc nào cũng thoảng mùi ẩm mốc vì tối tăm, leo lên cầu thang hẹp dựng đứng, chú chó giống Terrier nhỏ nhắn nằm trên sàn không ngẩng lên chỉ vẫy vẫy đuôi. Hai bên hành lang hẹp sơn toàn màu trắng là khoảng hơn chục phòng. Bà chủ già giọng đùng đục vì thuốc lá nặng đã quá quen mặt hai chúng tôi nhưng lúc nào cũng vẫn thờ ơ và cộc lốc như với khách mới tới thấy lần đầu.Nàng dừng bước trước cây cầu cổ kính. Nàng không vào khách sạn nằm ngay kề bên mà do dự một chút rồi nhìn về hướng cây cầu. Nàng đứng trước cửa hàng tạp hóa của người Thổ Nhĩ Kỳ, vừa cắn móng tay vừa ngước nhìn lên ngọn tháp dưới chân cầu nơi một thời từng có lính gác. Rồi như đã quyết tâm, nàng cất bước về phía chiếc cầu. Đi qua cổng thành, dẫm lên đá lót đường, từ từ leo lên cây cầu hình cung. Len qua đám du khách người Nhật vừa nghe người hướng dẫn giải thích vừa chụp hình với vẻ mặt vui thích, nàng tiến tới về phía trước thêm một chút nữa. Rồi nàng dựa mình vào lan can, nhìn xuống mặt nước xa xa của sông Neckar. Nhìn thật kĩ mới có thể thấy dòng nước đang chảy. Vì vậy, nó trông như một kênh đào mà ai đó đã kéo vào thành phố để trang sức cho nơi này hơn là một con sông. A, đằng kia ó một chiếc tàu đang chạy đến. Chiếc tàu chạy ngang qua, tạo thành những gợn sóng hình tam giác cân giữa những chiếc phao đánh dấu đường thủy.Thuốc lá nàng hút bao giờ cũng là hiệu Gauloises. Gió sông cuộn lấy làn khói thuốc nhả ra từ phổi nàng, bay lên hư không và tỏa ra. Giống như là chờ đợi. Làn khói bay ngang qua chỗ tôi, bay cao hơn, đến nơi hơi nước ngưng tụ đợi lúc rơi xuống mặt đất. Tôi muốn dù chỉ một phần hơi thở độc hại mà nàng nhả ra đó là của tôi. Nhưng đó là thứ xa xỉ, chỉ lá phổi dày đặc các mao mạch của sinh vật mới điều khiển được. Hơi thở độc hại của nàng bay ngang qua một tôi không có phổi và tan biến vào hư không. Tôi thèm muốn lá phổi. Tôi nhớ cả đặc tính vật chất mơ hồ của không khí. Ngẫm ra, phổi là thứ tuyệt vời biết bao nhiêu chứ? Nhân loại được tạo ra từ đất sét như chúng ta đây sống nhờ uống nước và hít thở không khí. Phần lớn nước đi vào cơ thể chúng ta qua đường miệng đều thoát ra ngoài qua đường niệu đạo, nhưng không khí lại chủ yếu đi ra theo cùng con đường đã đi vào. Cơ thể của con người là một dạng ống dẫn nước và chứa không khí. Với không khí trong lồng phổi, chúng ta nói, chúng ta hát, chúng ta chửi người khác và chúng ta thở dài.Tôi mười hai tuổi, nhớ cơ thể của mình nổi trên mặt hồ bơi của một khách sạn yên tĩnh nào đó. Tôi ngừng bơi ngửa, thả hai chân theo dòng nước. Qua tròng kính bơi được tráng một lớp màu đen, tôi thấy mặt trời xanh dịu và ván nhún đầy nguy hiểm. Tôi hít thật sâu làm phổi căng phồng lên. Lồng ngực nổi lên trên mặt nước khiến tôi không thể chìm xuống được. Thế nhưng đúng lúc đó, có ai đó nói với tôi. "Cậu là con sứa". Tôi chưa từng thấy con sứa, loài sinh vật biển kì lạ với thân hình trong suốt bơi dật dờ trên mặt nước. Vậy mà khi nghe tiếng nói đó, tôi không thể phủ nhận rằng mình là một con sứa. Chẳng phải con người đều có thể trở thành một thứ gì đó sao? Giống như thổ dân Polynesia có thể bắt chước tiếng chim kêu một cách hoàn hảo, giống như pháp sư shaman của vùng Amazon đeo mặt nạ chó rừng đang hành lễ, chẳng phả con người ở một khoảnh khắc nào đó có thể trở thành một thực thể hoàn toàn khác sao? Con người thực sự sống toàn bộ những giây phút của cuộc đời như là một con người sao? Ý tôi là, chó hay heo, chim hay cá, có khoảnh khắc nào ta thành như vậy, có lúc nào đó ta rất khó phủ nhận cái khoảnh khắc đó chăng. Chẳng phải vì vậy mà các phật tử mới tin rằng có kiếp trước đó sao? Tại sao việc tin rằng ở khoảng đâu đó trong quá trình luân hồi dài dằng dặc của chúng ta, chúng ta có thể đã là con diệc hay lợn rừng, là con voi hay bò trắng lại tự nhiên thế nhỉ?- Cậu là con sứa.Tôi quay đầu tìm chủ nhận của giọng nói đó. Hơi thở dồn ứ vì nín thở lâu nãy giờ biến thành những đám bọt sủi nhẹ nhàng thoát ra ngoài và cơ thể tôi dần chìm xuống nước. Tôi quẫy hai tay hai chân bơi xuống tận đáy của hồ bơi. Có thể các bạn không tin, ở đó có một con sứa màu xanh nhạt to bằng cái đầu của tôi. Tôi đập chân hết sức đuổi theo con sứa trong suốt đang nhởn nhơ bay giữa những chân và chân người. Con sứa như trêu tức tôi, nó bơi chậm rãi giữa những đôi chân gầy tong của bọn con trai, sát xuống đáy hồ có những đồng tiền xu đã hen gỉ, thế rồi đúng lúc tôi giơ tay ra định tóm lấy xúc tu của nó thì nó lại biến mất qua những thanh sắt của cống thoát nước. Hai tay tôi nắm chặt lấy các song sắt của miệng cống, đeo mình nhìn vào lỗ cống tối đen không thấy đáy đó. Đến lúc cảm thấy lồng phổi như muốn vỡ tung ra, tôi trồi đầu lên giữa đám con trai đang ồn ào và thở phì a, một hơi thật mạnh. Hơi nước đọng mờ kính bơi, mùi clo khử trùng trong nước thoảng mùi kinh khủng. Thỉnh thoảng tôi nghĩ, con sứa tuổi mười hai đó đã biến đi đâu mất nhỉ?Nàng dụi tắt điếu thuốc lá Gauloises vào lan can đá. Rồi cứ thế đứng nhìn dòng sông Neckar một lúc lâu. Có thể nàng sẽ không đến khách sạn.Mỗi năm chúng tôi từng hứa với nhau đây là lần cuối, ta sẽ không gặp lại nhau nữa.Dù vậy mỗi năm chúng tôi lại gặp nhau nơi này. Như vậy đã được, xem nào, một, hai, ba, ... bảy năm rồi. Bảy lần gặp gỡ bí mật, bảy lần yêu nhau, bảy lần chia tay, bảy lần hứa, bảy lần check-out khách sạn, bảy lần nói dối.- Hồi em vừa từ Hàn Quốc sang đây người ta đã dùng từ "vợ địa phương". Giờ thì chính em trở thành như vậy.Hình như năm ngoái. Nàng vừa uống thứ rượu vang rẻ tiền trong phòng khách sạn vừa bảo như thế.- Anh đến rồi đi như thế này là quá rồi còn gì.Nàng đang tức giận.- Chuyện đó thì anh cũng vậy thôi. Anh cũng phải đợi một năm để gặp em.- Không phải. Em mới chính là người đợi chờ. Còn anh thì hình như không như thế. Hai cái đó rõ ràng khác nhau. Em là kẻ bị bỏ lại, còn anh là người trở lại.- Khi em đột ngột lấy chồng, anh trải qua anh biết, cái cảm giác đó.- Vậy, định trả thù à? Anh thích sỉ nhục tình cũ đang ngày càng già này sao?- Không thích thì không đến cũng được mà.- Ừ, em sẽ không đến nữa đâu. Thật đấy. Em cũng mệt mỏi quá rồi.Nói rồi nàng liếm lên hai mí mắt của tôi. Đó là tín hiệu riêng mà hai chúng tôi đã quy ước là hãy nhắm mắt lại. Những đôi tình nhân lâu năm có những ám hiệu của thể xác và tâm hồn mà chỉ riêng họ biết. Hai chúng tôi cũng vậy. Nhắm mắt lại thì cánh cửa sâu thẳm trong thể xác sẽ mở ra, thính giác, khứu giác và xúc giác sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Với những giác quan tinh tế đó chúng ta tìm hiểu nhau, tấn công nhau và cùng nhau đi đến khoảnh khắc của cực hạn. Ôi, đó chính là cảm giác tuyệt vời nhất mà những thực thể đang sống này có thể đạt được.Hàng năm vào mùa thu, tôi đều đến Frankfurt. Nếu nói rằng đến chỉ để gặp nàng là lời nói dối, thật ra tôi đến đây để mua bản quyền tác giả. Bởi, tháng 10, ở Frankfurt có Hội chợ sách lớn nhất thế giới. Ở đó, tôi mua câu chuyện về người du hành khắp thế giới bằng khinh khí cầu, mua tùy bút của người đi bộ từ Roma đến Bắc Kinh, mua sách của chuyên gia kĩ thuật tài chính nổi tiếng thế giới người Nhật Bản. Bây giờ nghĩ lại, thật lạ là tất cả các quyển sách tôi mua đều là câu chuyện của những con người sống hết sức mãnh liệt. Có người đi du lịch dọc theo cùng một kinh độ từ Bắc cực đến Nam cực, có người dám đặt cược tất cả để thu được món lớn. Con người có vẻ thích chuyện của những người sống chăm chỉ, sống điên cuồng hơn mình. Thế nhưng sống như thế cũng thật mệt mỏi. Trong ba ngày ở Frankfurt gặp đại lí, gặp nhà xuất bản, gặp người đại diện nhà văn, tôi mệt lừ hết cả người.Và rồi tôi không quay về Seoul ngay mà đến Heidelberg này ở lại vài ngày. Và mỗi lần như thế tôi lại gặp nàng. Trong khi tôi ngồi trên chiếc ghế dài bên dòng sông Neckar đọc những quyển sách mẫu nhận từ Hội chợ, nàng gối đầu lên hai chân tôi nằm ngủ. Tôi đắp cho nàng chiếc chăn mỏng may bằng vải polyester đã chuẩn bị sẵn. Bình yên và hạnh phúc quá, nên khoảng thời gian đó giống như bí mật mượn từ cuộc sống của người khác, vâng những khoảnh khắc như vậy. Chúng tôi dùng khoảng thời gian đó một cách cẩn thận thật tiết kiệm không để phí, giống như những tên ăn trộm nhóc con sợ bị bắt gặp.A, cuối cùng nàng đã rời bước khỏi chiếc cầu cổ kính, hướng về phía khách sạn rồi. Khách sạn nằm ngay phía trước chiếc cầu. Nàng cầm chiếc tay nắm cửa bằng đồng kéo cửa ra và bước vao bên trong khách sạn. Rồi đi lên cầu thang. Cọt kẹt cọt kẹt. Tiếng vặn mình của chiếc cầu thang gỗ nghe quá đỗi thương yêu. Lúc nào tôi cũng mong được sống trong ngôi nhà có cầu thang gỗ. Nhưng chưa một lần thỏa mãn được giấc mơ đó. Tôi chỉ toàn sống trong căn hộ chung cư hay nhà một tầng. Tôi chưa có cơ hội sở hữu chiếc cầu thang gỗ vừa âm thầm chịu đựng sức nặng của con người vừa lặng lẽ cất lên tiếng kêu. Cũng có thể vì thế mà tôi chọn khách sạn này. Thời buổi này mà không có thang máy à! nàng khẽ càu nhàu nhưng tôi lại nghe có vẻ hài lòng hơn. Nếu được sinh ra, tôi muốn trở thành cây, sau khi đi hết vòng đời của cây tôi muốn trở thành cầu thang.- Chồng thế nào?Nàng rất ghét câu hỏi này nhưng hễ gặp nhau thì đó lại là câu đầu tiên tôi hỏi nàng. Chồng của nàng là một đô vật không chuyên, cổ to ngắn người thấp bè. Lần đầu tiên tôi mới biết có người lấy đấu vật làm sở thích của mình. Anh ta vốn là giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học đâu ở thành phố Anyang nhưng lại thích huấn luyện cho đội đấu vật hơn là dạy tiếng Anh. Người gợi ý với trường thành ập đội đấu vật cũng chính là anh ta. Không biết có phải vì nhiệt tình của huấn luyện viên hay không mà đội đấu vật của trường đó mới thành lập chưa được mấy năm đã được tham gia Đại hội thể dục thể thao thanh thiếu niên và đoạt luôn huy chương bạc. Sau giờ học anh ta thường ở lại chơi đấu vật với các học sinh. Anh ta rất thương yêu các học trò của mình, nhưng trong số đó đặc biệt quan tâm đến một em. Cha của học sinh đó là tài xế xe bus, và em ấy bắt đầu học đấu vật từ năm thứ hai trung học. Dây thần kinh vận động nhạy bén, lại thông minh nên chẳng mấy chốc cậu học sinh đó đã nổi bật trong đám bạn. Mọi người thường nghĩ rằng đấu vật là môn thể thao sử dụng sức mạnh là chính nhưng thật ra khả năng phán đoán cũng quan trọng không kém cơ bắp. Cậu học sinh đó sau khi các bạn khác ra về vẫn ở lại miệt mài tập luyện trên thảm. Chồng của nàng trở thành bạn tập với cậu bé đó, cả hai thầy trò cùng đổ mồ hôi tập luyện. Thế rồi một hôm tai nạn xảy ra.Chính xác chuyện gì đã xảy ra không ai biết. Cả hai người đều nói là chỉ thi đấu như ngày thường thôi. Chỉ là kĩ thuật của cậu bé đưa ra chính xác và thân hình người thầy bay lên trên không, rồi ở tư thế chưa chuẩn bị sẵn sàng anh ta ngã ra ngoài tấm thảm đỡ. Đầu đập xuống đất khá đau nhưng vì nghĩ không thể rên rỉ trước mặt học trò của mình nên anh ta phủi phủi người rồi đứng dậy.- Khá lắm.Chắc là anh ta sẽ nói như thế. Bọn trẻ thỉnh thoảng có khuynh hướng bị ám ảnh quá mức bởi sự thẳng thua. Có lẽ vì thế mà trong thi đấu vật cũng vậy, bọn chúng có thể sẽ cố hết sức mình để thắng và sẽ không ngần ngại sử dụng kĩ thuật nguy hiểm một chút. Có thể trong câu chuyện cậu học sinh kia sử dụng động tác hơi quá sức như vậy có điều gì đó mà mọi người không biết Tóm lại, chồng của nàng hôm đó vẫn lái xe về nhà an toàn. Và ngày hôm sau anh ta ngủ muộn đến tận trưa. Vừa tỉnh dậy anh ta cảm thấy hơi chóng mặt và đau đầu. Nhưng những người chơi thể thao thường vẫn thế nên anh ta tưởng không có gì nghiêm trọng. Mấy ngày sau cơn đau đầu và chóng mặt biến mất.Nhưng mấy ngày sau, những chuyện kì lạ bắt đầu xuất hiện. Người chồng bắt đầu không về nhà ngủ. Nàng hỏi thăm tứ phương tám hướng, cuối cùng phát hiện ra chồng ngủ ở một quán trọ gần nhà. Người chồng một mình thức dậy đang đánh răng. Không có dấu vết gì chứng tỏ đã có người con gái nào ngủ lại.- Thế này là sao?Nàng có vặn hỏi thế nào anh ta cũng không đáp. Mấy hôm sau nàng tìm đến người bạn đồng nghiệp ngày thường chơi thân với chồng mình. Đó là thầy giáo dạy quốc ngữ thường hay đi ăn thịt nướng uống rượu soju với chồng. Người bạn đó vừa thấy nàng đã tỏ vẻ lúng túng. Bằng giác quan của mình, nàng đoán đã xảy ra việc gì đó rất lớn, không dễ dàng giải quyết.- Tôi không sao. Anh hãy nói đi.Anh bạn đồng nghiệp liên tục đưa tay vuốt mặt ra vẻ rất khó nói, rút cục cũng mở lời.- Thầy Jo đang nghi ngờ cô.- Dạ?- À, không phải là nghi ngờ chuyện kia. Anh ấy nghĩ vợ mình đang bị tráo đổi.- Anh nói vậy là sao ạ?- Anh ấy cũng bảo chuyện đó là không thể. Chính vì vậy mà anh ấy đang rất đau khổ. Theo như lời anh ấy thì người vợ thật của mình đã đi đâu đó, và người vợ giả mạo đang bắt chước người vợ thật và đang sống trong nhà của mình.- Điên rồi.- Không hẳn như vậy đâu ạ. Lớp dạy và những chuyện khác anh ấy vẫn làm tốt không có gì bất thường cả.Nàng kể là nàng đã không rơi nước mắt. Nàng thú thật rằng trong khi người bạn giáo viên quốc ngữ đó, ngược lại, càng cảm thấy khó xử hơn, anh ta tiếp tục nói còn nàng trong giây lát đã nghĩ về tôi.- Có chuyện này, không biết kể ra có an ủi cô chút nào không.Nàng ngẩng đầu lên nhìn anh bạn đó.- Anh nói đi ạ.- Anh ấy cũng đang nghi ngờ tôi.- Tự miệng anh ấy nói như thế ạ?- Không. Nhưng hình như có gì đó không giống như trước đây. Nhiều lúc anh ấy cư xử như người xa lạ vậy. Tôi nghĩ tốt nhất có lẽ nên dẫn anh ấy đi bệnh viện ...Nàng thuyết phục chồng rời quán trọ quay về nhà. Nhưng người chồng vẫn như đối với người xa lạ, khi thay quần áo thì đóng chặt cửa lại, cũng không còn nói chuyện ngọt ngào như trước nữa. Không còn cách nào khác, nàng đành mời ba mẹ chồng ở dưới quê lên Anyang. Nhưng người chống cũng không tin cả cha và mẹ của mình.- Tôi thừa nhận hai người giống với ba mẹ của tôi. Nhưng hai người không phải là ba mẹ của tôi. Thật sự tôi không hiểu tại sao mọi người lại làm thế này. Mọi người muốn gì ở tôi chứ, hả?Anh ta quay lưng lại tránh mặt cha mẹ và vợ của mình. Thời gian thật sự đau khổ trôi qua một cách từ từ, rất từ từ với tất cả mọi người. Phải mấy tháng sau mọi người mới biết nguyên nhân vấn đề mà anh ta đang mắc phải. Anh ta mắc phải căn bệnh về não đặc biệt gọi là hội chứng Kapukra. Lúc bị đập đầu xuống sàn nhà, anh ta đã bị xuất huyết não nhẹ. Nưng chỗ xuất huyết lại nằm đúng phần xử lí thông tin về sự thân quen ở bán cầu não phải. Vì bộ phận đó bị tê liệt, do đó anh ta đặc biệt thấy hỗn loạn trong việc nhận ra những người quen thân gần gũi trước đây.- Không phải là điên. Vì không cảm nhận thấy cảm giác thân thuộc đương nhiên phải có với cha mẹ ruột nên anh ấy nghĩ rằng đó không thể là cha mẹ của mình. Với vợ mình cũng vậy. Nói một cách dễ hiểu hơn là, anh ấy cảm thấy những người rất gần gũi giống như những người xa lạ. Có lẽ chính bản thân anh ấy cũng rất đau khổ.Họ không ly hôn. Vì anh chồng phản đối ly hôn. Vì không thể ly hôn với "người vợ giả mạo" được. Anh ta tin rằng lúc nào đó khi "người vợ thật sự" trở về thì tất cả vở kịch này sẽ kết thúc và vấn đè sẽ được giải quyết. Thê nhưng chuyện như vậy đã không xảy ra. Anh ta vẫn phải tiếp tục cuộc sống mà không cảm thấy sự thân mật gần gũi với bất kì ai, và vừa nghĩ rằng ngườ bên cạnh mình là "vợ giả" vừa phải thích ứng với điều đó. Anh ta quyết định di dân. Bởi ở đâu cũng là sống xung quanh những người xa lạ. Hai người đến mở quán ăn Hàn Quốc tại Frankfurt này. Chuyện đó cách đây đã mười năm. Y học hiện địa vẫn chưa thể chữa trị căn bệnh đó, anh ta và nàng vẫn phải tiếp tục sống những ngày lạ lẫm với nhau.Bảy năm trước, cũng tại khách sạn này tôi đã nói với nàng thế này.- Không có gì quá đau khổ cả. Có nhiều cặp vợ chồng không có bệnh mà vẫn sống với nhau như những người xa lạ đấy thôi.- Anh cũng vậy sao?Tôi đã không nói lời nào. Những lời như vậy tôi không muốn nói ra từ miệng mình. Nàng ôm tôi vào lòng. Nàng thật sự ôm chặt đến nỗi tất cả các khớp xương của tôi như vỡ vụn ra. Tôi biết nàng đã khao khát cảm giác gần gũi, thân mật đến mức nào nên cho dù các khớp xương có vỡ vụn thật tôi cũng sẽ chịu đựng. Chuyện ân ái của chúng tôi cũng khác với mọi người một chút. Cuộc ân ái của chúng tôi là liếm láp nhau, sờ soạng nhau, tìm hiểu dò dẫm nhau và trao cho nhau. Da chạm vào da, theo đúng nghĩa đen của từ da thịt chạm vào nhau. Hai chúng tôi ôm nhau thật lâu, vỗ về nhau, dụi mình vào nhau. Chúng tôi không hề nghi ngờ nhau. Ba năm sau khi nàng bỗng nhiên ròi sang Đức, khi tình cờ gặp nhau trong quán ăn Hàn Quốc ở Frankfurt chúng tôi đã nhận ra nhau ngay. Tôi rời quán ăn bước vào trạm điện thoại công cộng gọi đến nơi tôi vừa bước ra khỏi.- Không ngờ gặp lại em ở đây.- Em cũng đâu ngờ có ngày mình trở thành chủ quán ăn.- Anh ngày mai định đi Heidelberg. Em có đi cùng anh được không?- Cái đó thì không được. Em không thể đi để một mình chồng em ở nhà được.Nàng cương quyết từ chối.- Anh nhớ em.- Đừng lầm tưởng tình cờ là định mệnh.Một mình tôi đến Heidelberg. Cuốc bộ quanh thành phố, chụp hình, mua bưu thiếp. Uống một ly bia đen thật đậm đà với thịt gà nướng. Và khi trời tối, tôi về đến khách sạn đã đặt phòng trước thì nàng đang đứng ở trước đó.- Em trông quê mùa phải không?Nàng hỏi. Thể là bắt đầu của bảy năm gặp gỡ. Mỗi năm chúng tôi lại gặp nhau tại cùng một khách sạn này. Dĩ nhiên là nàng cảm thấy có lỗi với chồng. Có lẽ sẽ có người hỏi đối với người chồng không nhận ra mình thì có gì cảm thấy có lỗi chứ. Cảm giác có lỗi của nàng có tính chất hơi phức tạp. Bởi tội lỗi đó không thể nhận được sự tha thứ. Cho dù nàng có thú nhận thì chồng nàng cũng sẽ không quan tâm. Bởi nàng không phải là "người vợ thật". Chắc anh ta sẽ nói rằng: "Tôi biết mà. Vì cô là đồ giả mạo. Vợ thật của tôi tuyệt đối không làm chuyện đó bao giờ." Nhưng có ai vì thế mà nghĩ có thể ngoại tình thoải mái thì người đó chưa hiểu thực thể phức tạp là con người. Bây giờ, đối với việc nàng gặp gỡ một ngườ đàn ông khác chỉ là vấn đề liên quan đến luân lí của chính bản thân nàng. Trên mảnh đất xa lạ không một người bạn nào này, muốn giữ mình cần có thứ gì đó như sự thánh thiện ngớ ngẩn. Nhưng sự giữ gìn đó của nàng đã bị phá hủy vì tôi. Vì vậy mà nàng ghét tôi. Kể từ sau khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở Heidelberg, thì sự chính đáng mang tnhs tinh thần mà nàng kiên định giữ về chồng nàng, về thế giới xung quanh mình đã hoàn toàn sụp đổ. Có lẽ sự tức giận với tôi là nguồn sức mạnh cho nàng chịu đựng thêm một năm, rồi một năm nữa. Đối với những người cô đơn thì viên gạch chống đỡ của tình cảm như thế là thứ cần thiết. Mối quan hệ của hai chúng tôi giống như món cocktail tình cảm kì lạ, là thứ trộn lẫn cảm giác tội lỗi và sự tức giận lẫn khao khát về cảm giác thân thuộc của nàng.Nhưng cuộc gặp gỡ đó bây giờ sẽ không tiếp tục được nữa. Tôi thấy nàng của tôi, nàng xinh đpẹ của tôi đang đứng trước cửa phòng tôi. Nàng rút bàn tay phải khỏi túi áo khoác. Rồi với bàn tay ấy nàng cầm tay nắm cửa và từ từ xoay.- ... có đấy không?Nàng hỏi. Tôi cũng tò mò. Tôi có trong đấy không nhỉ? Có thể nói tôi thật sự tồn tại không nhỉ? Thể xác của tôi đang ở trong đó, nên, ừ, anh đây, anh ở đây, có thể nói như thế không nhỉ? A, thật ra thực thể tồn tại là gì? Tôi rõ ràng đang ở đây, đang nhìn người tôi yêu, đang cảm nhận nỗi đau khổ của nàng, vậy mà tôi thật ra không tồn tại sao?Nàng đứng ngẩn ngơ. Thận trọng tiến đến gần lay vai tôi đang nằm trên giường. Người tôi cử động theo cái lay của nàng.- Đừng đùa nữa.Nghĩ lại hình như tôi rất thích những trò đùa thế này. Giả vờ chết. Mỗi lúc như thế nàng lại giật bắn mình, nhưng đến khi thật sự gặp chuyện như vậy nàng có vẻ không giật mình như những lúc đó.Giống như tòa nhà bị nổ tung sụp đổ, cơ thể nàng cũng đang sụp đổ. Tay phải nàng chụp lấy cạnh bàn trang điểm nhưng bị trật. Bịch, tiếng động nhỏ vang lên và nàng ngã xuống sàn phòng. Tuy không như quả tim của tôi lên cơn co giật mãnh liệt lúc này nhưng ti nàng cũng đang đập mạnh. Và âm thanh đó tôi có thể nghe rõ. Tôi rất vui mừng. Vì điều đó có nghĩa là nàng đang sống. Nhưng điều đó có phải là sự chúc phúc không? Cuộc sống giữa người chồng không tin nàng và những khách ăn xa lạ và các nhân viên thuế như vậy liệu có thể gọi là phúc không nhỉ? Tôi không dám khẳng định. Nhưng sự lo nghĩ đó giờ không còn là phận sự của tôi nữa. Tôi cảm thấy thời gian mình còn trên cõi đời này không còn bao lâu nữa. Tôi không biết vì sao mình lại biết. Nhưng điều đó là rõ ràng.Nàng bò bằng hai đầu gối ra bên ngoài khách sạn. Chiếc áo choàng của nàng, giống như côn trùng thoát xác đang lột da, bị tuột lại sau gót chân của nàng. Nàng của tôi trông như vừa được sinh ra từ chiếc áo khoác đó. Vừa bò ra khỏi hành lang, nàng vừa thét lên không phải bằng tiếng Đức mà bằng tiếng Hàn:- Có ... có ... người ... người chết.A, tôi trở thành danh từ chung, "người". Nàng thay vì gọi tên tôi đã gọi tôi bằng cái danh từ chung, "người" đó. Bà cô người Đức to béo ngồi sau quầy tiếp tân dĩ nhiên không biết tiếng Hàn, vội vàng hổn hển chạy lên tầng chúng tôi ở. Nàng của tôi đang khóc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nước mắt bi thống như vậy. Khi kể về chuyện người chồng không nhận ra mình, khi nói về nỗi đau khổ đó nàng họa hoằn có nức nở nhưng đó chỉ là giọt nước mắt tủi thân cho số phận mình. Tiếng khóc của nàng không phải thoát ra từ miệng mà như xé toạc thân xác trào ra, như quả lựu chín mọng căng nứt. Mãnh liệt như thế. Tôi không ngờ tiếng khóc than tự thân của nàng lại ngọt ngào đến thế. Tôi đang được an ủi. A, kẻ chết lại là thực thể tàn nhẫn thế này sao? Như những tên ma cà rồng thỏa mãn hút máu của sinh vật, tôi giờ đây đang hài lòng với tiếng khóc tang thương thảm thiết kia.Từ xa vang đến tiếng còi xe cấp cứu. Chà, không có gì phải vội vàng cả. Tôi muốn nói với bọn họ như thế. Thật đấy. Không có gì phải gấp gáp đâu. Đã kết thúc rồi. Nhưng chiếc xe cấp cứu vẫn chạy băng băng trên mặt đường lát đá trong làn ánh nắng rọi qua kẽ lá như những tia nước từ vòi sen. Mà cũng đúng, phải nhanh chóng đưa kẻ chết về thế giới bên kia. Tất nhiên rồi. Đó chính là vấn đề khẩn cấp. Có ai đó nắm gáy kéo tôi lên. Tôi xuyên qua lũ bồ câu đang bay qua đại lộ Hauptstrasse, tránh tháp chuông cao của nhà thờ Thánh chúa rồi bay lên nơi cao hơn phía bên trên. Như con sứa trong suốt ủa tuổi mười hai, tôi với thân hình trong suốt phất phơ phiêu diêu vào không trung. Mắt tôi sáng, người tôi uyển chuyển và tinh thần sảng khoái. Từ trên nơi thật cao này tôi nhìn xuống thành phố cổ kính phía dưới. Trên dòng sông Neckar đen như miếng bánh đậu, hoàng hôn đang phủ một lớp ánh vàng cam. Thành phố tuyệt vời cho việc suy nghĩ về cuộc sống chính là nơi này. Không hiểu sao tôi cảm thấy kiếp sau tôi sẽ lại đến thành phố này. Người con gái tôi yêu, tạm biệt nhé.
Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz