ZingTruyen.Xyz

Dao Mo But Ky Quyen 7

Sau khi quay trở về thôn làng, chúng tôi quyết định ai nấy quay về chỗ của mình, vì bọn tôi đã rời đi khá lâu rồi. Thế là chúng tôi lên kế hoạch, Bàn Tử phụ trách việc chuẩn bị trang thiết bị, còn tôi, tiếp tục công việc thu thập tìm kiếm tư liệu.

Về Hàng Châu, tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.

Lúc đặt kế hoạch với Bàn Tử, tôi còn chưa nghĩ ra phải thu thập tài liệu như thế nào, về sau tôi suy nghĩ kỹ hơn, muốn hiểu rõ được thân thế của Muộn Du Bình, có lẽ phải bắt đầu từ con đường chính quy mới được. Những điều tra lúc trước cho thấy: những người trong nghề không biết gì mấy về hắn, hắn có lẽ đã từng tham gia vào đội khảo cổ những năm 80 của thế kỷ trước, chắc hẳn phía trên tổ chức vẫn còn ghi chép lại. Vào thời kỳ đó, người tham gia vào những dạng công tác như thế này cần phải có lý lịch sạch sẽ, xuất thân rõ ràng, có lẽ tôi sẽ tìm được ít manh mối nào đó trong các tập hồ sơ cũ ở Trường Sa, ít nhất là có thể tìm được mối quan hệ giữa hắn và tổ chức, sau đó tìm một hai người quen biết hắn, hoặc là đi theo bất cứ manh mối nào có được. Vì thế, tôi chuẩn bị bắt tay vào phương án này.

Có điều, nơi lưu trữ hồ sơ của thành phố, đặc biệt là hồ sơ về nhân sự, đều được bảo mật kỹ càng, hồ sơ cũ, nhất là những văn kiện của Đảng thì đừng hòng lấy được, đội khảo cổ này được thành lập vào đầu những năm 1980, lại còn gặp nạn, nên rất có thể những tài liệu có liên quan đều thuộc dạng bảo mật, muốn xem cũng nào dễ dàng gì.

Ngoài ra, muốn tìm hồ sơ, cách tốt nhất là bắt đầu ra tay điều tra từ phía cơ sở nghiên cứu nơi đã phái đội khảo cổ này đi, từ đó đến nay đã hơn 20
năm trôi qua, thời gian không quá dài, chắc là cơ sở này vẫn còn tồn tại.

Tôi không biết đó cụ thể là cơ sở nghiên cứu nào ở Trường Sa, có điều, ở thời kỳ đó chắc là không có quá nhiều hạng mục công tác như bây giờ đâu, mà cơ sở nghiên cứu có liên quan đến đội khảo cổ này có lẽ chỉ có duy nhất một cơ sở mà thôi. Thời điểm đó các thành viên trong đội đa số là sinh viên, như vậy, rất có khả năng đó là một đơn vị trực thuộc một trường đại học nào đó, không quá khó để kiểm chứng.

Sau vài lần tra cứu, quả nhiên đúng như tôi nghĩ, đúng thực là có một cơ sở nghiên cứu cũ giống như những gì tôi đã suy đoán, hiện tại đã bị sát nhập, địa chỉ cũ nằm ngay trong khuôn viên một trường đại học lớn.

Khu trường đại học đó sắp di dời, khi tôi và Vương Minh đến đó, bên ngoài đã dán đầy những chữ “dỡ bỏ” to tướng, chắc là đã bán đất cho công ty bất động sản nào rồi. Nếu tôi đến trễ mấy tháng nữa, chắc là chỉ còn lại một khoảnh đất trống mà thôi.

Coi như là cũng có manh mối, cơ sở nghiên cứu đã bị sát nhập, có lẽ hồ sơ đã được chuyển đến cơ sở mới, cũng rất có thể hồ sơ vẫn còn lưu trữ lại trong phòng lưu trữ của trường đại học. Tôi hiểu rõ mấy cơ quan đoàn thể này lắm, tôi không tin mấy tập hồ sơ cũ rích từ hơn 20 năm trước mà vẫn còn có người quan tâm.

Có điều, chuyện này không tiện hỏi thăm, tôi dựa vào quan hệ, vòng vèo quanh mấy mối quan hệ cũ của chú Ba mấy lượt liền, cuối cùng tìm được một người đang công tác trong cơ sở nghiên cứu đó, người này họ Đỗ, tên rất thú vị, là Quyên Sơn. Tôi biếu ông ta hai cây thuốc lá hiệu Trung Hoa, hỏi rõ vụ việc, ông ta liền nói văn phòng đã chuyển đến địa chỉ mới rồi, nhưng hồ sơ thì vẫn lưu trữ trong trường học, sở nghiên cứu này vốn ăn bám vào trường đại học này, nhiều nhân viên trong đó là giảng viên của trường, nếu tôi muốn xem, ông ta có thể đưa tôi vào xem, ngoại trừ cửa vào không tiện lắm thì không gian bên trong khá rộng rãi. Nhưng các tập hồ sơ cũ rất khó tra cứu, ông ta bảo tôi đừng hy vọng quá nhiều.

Không tán gẫu nhiều thêm nữa, tôi lên đường luôn vào ngay đêm hôm ấy.

Có thể thấy rõ tòa nhà cũ của ngôi trường đại học này vốn là khu bệnh viện cũ được sửa sang lại, phòng lưu trữ nằm ở tầng hầm bên dưới hội trường lớn, rộng khoảng trăm mét vuông, rõ ràng là một cái kho hàng. Chẳng tốn mấy phần công sức, tôi và Đỗ Quyên Sơn đã đi men theo đường hành lang thấp bé chật hẹp xuống dưới tầng hầm, bên dưới chẳng có một ngọn đèn nào, tối đen như mực, lấy đèn pin mà chiếu, mới thấy dưới đó toàn là những kệ sách bằng gỗ xếp thành từng hàng, trên giá chất đầy những cặp hồ sơ gói giấy xi măng, dày có mỏng có, nguyên vẹn có rách nát có, nằm ngang có dựng thẳng có, phần lớn đều bị phủ một lớp bụi dày, còn ngửi thấy cả mùi giấy ẩm.

Đỗ Quyên Sơn nói với tôi, những hồ sơ sau năm 1995 thường dùng đều đã được chuyển đi, số còn lại là những tài liệu chẳng bao giờ dùng đến, có khi đến lúc bị tiêu hủy mất cũng chẳng có ai thèm lật ra xem ấy chứ.

Tôi thấy cảnh tượng này, cảm giác cứ âm u thế nào ấy. Nhưng mà vậy cũng tốt, tiết trời tháng tám ở Trường Sa rất nóng bức, đến tối mới mát mẻ hơn một chút, cộng thêm bầu không khí âm u này, lại có cảm giác mát mẻ sảng khoái. Tôi cắn đèn pin, tay quạt quạt, rồi bắt đầu tìm kiếm kỹ lưỡng kệ sách ngay trước mặt.

Nói đến đây mới nhớ, tôi biết đại học Thanh Hoa còn có một khoa chuyên ngành quản lý thư viện, hồi đó tôi còn lấy làm lạ, quản lý thư viện thì có gì mà phải học? Đến giờ thấy quy mô phòng lưu trữ này, tôi mới hiểu ra, người nào quản lý nổi cái đống này cũng có thể gọi là thiên tài, người bình thường nhìn những hàng kệ sách này mà hoa hết cả mắt, mà đây mới chỉ là một phòng lưu trữ nho nhỏ của một cơ quan nghiên cứu nho nhỏ thôi đấy, chứ nếu là phòng lưu trữ cấp quốc gia, thì phải bao nhiêu người mới lo liệu nổi cơ chứ?

Đỗ Quyên Sơn sợ tôi gây rắc rối gì làm tổn hại đến ông ta, nên cứ đứng ở bên cạnh suốt nhìn tôi, giúp tôi cùng kiếm, còn hỏi tôi một vài chi tiết cụ thể để giúp tôi lọc hồ sơ.

Vì một vài nguyên nhân đặc thù, quy định về hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc rất hoàn thiện, chỉ cần dựa theo quy luật nhất định thì chắc chắn có thể tìm được tập hồ sơ đó, miễn là tập hồ sơ đó vẫn còn được lưu trữ. Tiếc là bây giờ tôi như con rắn mất đầu, chỉ biết được số năm chung chung, ngay cả số hiệu của đội khảo cổ kia tôi cũng không biết, cuối cùng chỉ còn cách lật xem từng tập hồ sơ một mà thôi.

Tìm suốt nửa ngày trời mà vẫn không có thu hoạch gì. Ý tưởng của tôi là tìm kiếm dựa theo số năm, tất cả hồ sơ ở đây đều được sắp xếp theo thứ tự từng năm, như vậy, chỉ cần tìm được khu vực khoảng năm 1980 đến 1985, sau đó tìm đến các tập tài liệu liên quan đến công tác khảo sát, là có thể tìm được thông tin về những người từng tham gia công tác đó. Trường Sa xưa thuộc nước Sở, tuy các hoạt động khảo cổ tương đối nhiều, nhưng chắc chắn số lượng cũng chẳng đến bao nhiêu, chỉ khoảng một kệ sách là đủ. Sắp lật giở hết số hồ sơ trong khoảng năm năm này rồi mà vẫn không tìm được bất cứ văn kiện nào có liên quan đến công tác khảo cổ ở biển năm ấy.

Tôi thầm lấy làm lạ, hỏi Đỗ Quyên Sơn, liệu chỗ khác có còn nữa không?

Ông ta lắc đầu, nói nếu ở đây không có thì coi như thật sự không có rồi, trừ phi tập hồ sơ này nằm trong phòng lưu trữ tuyệt mật. Còn nếu không, thì có lẽ là bị tiêu hủy rồi.

Ông ta an ủi tôi, nói đây là chuyện bình thường, có lẽ giống như cậu đã nói, sau khi đội khảo cổ mất tích đã xảy ra chuyện lớn gì đó, để giữ bí mật, hồ sơ đã bị xử lý.

Chúng tôi dọn dẹp lại các tập hồ sơ về chỗ cũ, trong lòng có chút buồn bực, có điều, tôi cũng đã dự đoán được là việc này sẽ không dễ dàng gì rồi.

Hậm hực bước ra khỏi phòng lưu trữ, tôi vừa tiếc hai cây thuốc phí hoài vô ích, vừa nghĩ xem nên làm gì tiếp bây giờ. Nếu con đường này không đi được, vậy thật đúng như lời Muộn Du Bình nói, hắn ta hoàn toàn là một người không có bất cứ liên quan gì đến thế giới này.

Lúc này, tôi chợt thấy cầu thang trước mặt còn có một lối đi xuống nữa, hình như bên dưới phòng lưu trữ này còn một tầng ngầm nữa. Lối đi xuống bị chặn bằng một cánh cửa sắt, bị một sợi xích sắt rất to đã rỉ sét hết khóa chặt. Trên cánh cửa có dán giấy niêm phong không biết từ niên đại nào rồi.

“Bên dưới này có gì thế?” Tôi hỏi.

“Bên dưới là phòng lưu trữ hồ sơ những năm từ trước 1950. Sau Văn Cách, sợ phản động gây chuyện, bèn khóa lại, mấy chục năm rồi chưa có ai mở cửa.”

“Thế cơ à?” Tôi cầm đèn pin chiếu vào, thấy rõ sợi xích sắt rỉ sét đã bị ai đó dùng kềm cắt đứt rồi, chỉ treo hờ bên trên giả bộ mà thôi, nếu không nhìn kỹ, quả thực không phát hiện ra được việc này.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz