ZingTruyen.Xyz

Don Ngo Nhap Dao Yeu Mon Tue Hai Thien Su

Có hơn mười vị Túc đức đồng đến hỏi:

- Kinh nói: "Phá diệt Phật pháp", chưa biết Phật pháp có thể phá diệt chăng?

Sư đáp:

- Phàm phu ngoại đạo bảo Phật pháp có thể phá diệt, người Nhị thừa bảo Phật pháp không thể phá diệt, trong chánh pháp của tôi không có hai cái thấy này. Nếu luận về chánh pháp chẳng những phàm phu ngoại đạo, cho đến hàng Nhị thừa chưa đến vị Phật cũng là người ác.

- Pháp chân, pháp huyễn, pháp không, pháp chẳng không mỗi thứ có chủng tánh chăng?

- Pháp tuy không có chủng tánh, ứng vật đều hiện. Tâm huyễn nên tất cả pháp đều huyễn, nếu có một pháp chẳng huyễn thì huyễn ắt có định. Tâm không, nên tất cả đều không, nếu có một pháp chẳng không thì nghĩa không chẳng lập.

Khi mê thì người theo pháp, lúc ngộ thì pháp do người. Như sum la vạn tượng đến không là tột, trăm sông các dòng đến biển là tột. Tất cả Hiền Thánh đến Phật là tột.

Mười hai phần kinh, năm bộ Tỳ-ni (luật), năm Vi-đà luận (luận) đến tâm là tột.

Tâm là gốc diệu của tổng trì, là nguồn lớn của muôn pháp, cũng gọi là kho đại trí tuệ, vô trụ Niết-bàn, trăm ngàn muôn tên thảy là tên khác của tâm mà thôi.

- Thế nào là huyễn?

- Huyễn không có tướng nhất định, như vòng lửa quay, như thành Càn-thát-bà, như người gỗ bằng máy, như sóng nắng, như hoa giữa hư không, đều không có pháp thật.

- Sao gọi là thầy đại huyễn?

- Tâm gọi là thầy đại huyễn. Thân là thành đại huyễn. Danh tướng là đồ ăn mặc của đại huyễn. Thế giới nhiều như cát bụi không có việc gì ngoài huyễn.

Phàm phu chẳng biết huyễn, nơi nơi mê nghiệp huyễn. Thanh văn sợ cảnh huyễn, mờ tâm vào tịch diệt. Bồ-tát biết pháp huyễn, đạt thể huyễn, chẳng câu nệ tất cả danh tướng. Phật là thầy đại huyễn, xoay bánh xe pháp đại huyễn, thành Niết-bàn đại huyễn, chuyển sanh diệt huyễn, được chẳng sanh chẳng diệt, chuyển cõi ô uế như cát bụi thành pháp giới thanh tịnh.

*

Có vị tăng hỏi:

- Tại sao chẳng chịu tụng kinh, mà gọi là "khách ngữ" (kẻ học nói)?

Sư đáp:

- Như chim Anh Võ chỉ học tiếng người mà không hiểu ý người. Kinh là truyền ý Phật, chẳng nhận được ý Phật mà chỉ tụng, ấy là người học ngữ. Do đó nên chẳng chịu tụng kinh.

- Không thể lìa văn tự ngôn ngữ mà riêng có ý?

- Ngươi nói như thế cũng là học ngữ.

- Đồng là ngôn ngữ sao Thầy chẳng nhận lời tôi?

- Ngươi hãy lắng nghe, trong kinh có đoạn văn rất rõ ràng "Ta nói ra là nghĩa ngữ mà chẳng phải văn, chúng sanh nói ra là văn ngữ mà chẳng phải nghĩa, người được ý vượt ngoài lời, người ngộ lý vượt ngoài văn tự, pháp vượt ngôn ngữ văn tự, đâu thể nhằm trên câu văn mà cầu". Thế nên, người phát Bồ-đề thì được ý quên lời, ngộ lý mà lờ kinh, cũng như được cá quên nôm, được thỏ bỏ bẫy. 

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Xyz